Chiều 6/12, phóng viên có mặt tại Di tích quốc gia đình Lễ Hợp trên địa bàn xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng. Ngôi đình cổ kính hàng trăm năm tuổi nằm giữa vùng quê yên bình gợi nhớ hình ảnh quen thuộc của nông thôn Bắc Bộ khi xưa "cây đa, giếng nước, sân đình".
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Tiến Duy - Trưởng Ban Khánh tiết Di tích quốc gia đình Lễ Hợp, cho biết, đình Lễ Hợp thờ thành hoàng làng Phạm Đàm. Ông là một trong số các bộ tướng dưới thời Hai Bà Trưng.
Tướng quân Phạm Đàm sinh ngày 10/3 Âm lịch (chưa rõ năm sinh), ở quê Giác Sơn, phủ Kim Môn, đạo Hải Dương. Từ nhỏ, ông tỏ ra thông minh, tinh thông cả văn chương lẫn võ nghệ. Vì thế, người đời thán phục gọi là "Thánh Đồng".
Thái thú Giao Chỉ bấy giờ là Tô Định tham lam, bạo ngược giết bố đẻ của ông Phạm Đàm. Tránh sự truy sát, ông cùng mẹ trốn về trang Lễ Hợp. Căm thù quân giặc tàn ác, khi trưởng thành, ông chiêu tập binh mã, ngày đêm luyện tập, tích luỹ lương thực, liên kết với hào kiệt bốn phương bàn kế đánh đuổi giặc.
Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, tướng quân Phạm Đàm đem binh, lương về hội quân. Sau chiến thắng quân giặc, tướng quân Phạm Đàm được ban thưởng, phong chức "Thống chế kiêm Nguyên soái thủy đạo" và được cử về trang Lễ Hợp canh giữ miền biển phía Đông.
Khi Mã Viện đem quân sang xâm lược nước ta, tướng quân Phạm Đàm và nhiều tướng khác cùng Hai Bà Trưng đánh giặc. Đến khi thất thế, ông nhảy xuống đầm Lôi Trạch (đầm Sét) tự tuẫn, nhất quyết không đầu hàng. Tưởng nhớ công lao của ông, người dân trang Lễ Hợp đã dựng đình thờ và tôn ông làm thành hoàng làng để quanh năm hương khói thờ phụng.
Do thời gian tàn phá, đình Lễ Hợp bị xuống cấp và lần đầu được tu bổ, tôn tạo lớn vào năm Nhâm Tuất (1892) dưới thời vua Khải Định. Hiện đình Lễ Hợp vẫn lưu giữ dòng lạc khoản ghi lại thời gian tu bổ, tôn tạo này: "Hoàng triều Nhâm Tuất niên - Mạnh đông tạo".
Đến nay, đình Lễ Hợp vẫn còn giữ nét kiến trúc xưa với bố cục kiểu chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường và 2 gian hậu cung. Mái đình lợp ngói ta 2 lớp, nóc mái trang trí đôi kìm ngậm bờ nóc. Hồi tường đình được xây cất bằng những viên gạch cỡ đại (52 x15x10cm) với kỹ thuật gắn và trát mạch vữa độc đáo để liên kết những viên gạch cổ.
Di tích không chỉ có giá trị về văn hoá mà còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của địa phương. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình Lễ Hợp là nơi tập trung quân của bộ đội đơn vị 112 và du kích địa phương tấn công phá thế bao vây, uy hiếp địch vào tháng 4/1952. Trên một số cột đình hiện vẫn còn hằn in những vết đạn mà quân giặc bắn vào khi bộ đội của ta đóng tại đây.
Đình Lễ Hợp được công nhận là di tích quốc gia vào năm 1994. Hiện đình vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật quý, như thần phả, hệ thống sắc phong. Lễ hội đình Lễ Hợp diễn ra vào ngày 10/3 Âm lịch hằng năm và kéo dài trong 3 ngày.
Năm 2009, địa phương tiến hành tu bổ, tôn tạo lại đình Lễ Hợp. Đến nay, đình đã xuống cấp nhất là phần mái nên cứ mưa là dột.
Theo thông tin từ UBND Tp.Hải Phòng, hiện địa phương có gần 200 di tích cấp quốc gia, trong đó có nhiều di tích xuống cấp.
Theo Nghị quyết số 82/2022/NQ-HĐND, Tp.Hải Phòng dành ngân sách hơn 100 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo 73 di tích quốc gia, với các mức công trợ khác nhau từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng tùy theo mức độ xuống cấp. Thời gian thực hiện công trợ trong giai đoạn 2022 - 2027.
"Cơ quan chức năng Tp.Hải Phòng và huyện Vĩnh Bảo đã tiến hành khảo sát và thông tin, đình Lễ Hợp thuộc danh sách những di tích quốc gia được công trợ trong năm 2027. Trước thực trạng di tích xuống cấp nghiêm trọng, chúng tôi mong mỏi thành phố quan tâm đẩy sớm thời gian công trợ để người dân địa phương cùng góp công, góp của tiến hành tu bổ, tôn tạo", ông Nguyễn Tiến Duy - Trưởng Ban Khánh tiết Di tích quốc gia đình Lễ Hợp, chia sẻ.