Nông thôn Hải Phòng "thay da đổi thịt" nhờ nông thôn mới
Đến xã đảo Việt Hải, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, những ngày này, thấy sự đổi thay rõ rệt do nông thôn mới (NTM) đem lại, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, y tế cũng như đời sống của người dân địa phương.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Vũ Phi Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Việt Hải, cho biết, năm 2015, xã Việt Hải bắt tay vào xây dựng NTM. Đến năm 2020, sau khi "về đích" NTM, địa phương tiếp tục xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.
Trong quá trình xây dựng NTM, gần 100 tỷ đồng được Tp.Hải Phòng cấp để xây dựng các công trình điện chiếu sáng, đường giao thông, trường học, trạm y tế… trên địa bàn xã Việt Hải. Nếu tính trung bình thông qua các công trình này, số tiền đầu tư cho mỗi nhân khẩu ở đây lên tới khoảng 300 triệu đồng.
Giao thông thuận lợi, có điện lưới, cơ sở hạ tầng được hoàn thiện nhờ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, ngày càng nhiều du khách, nhất là du khách nước ngoài biết đến và lựa chọn xã Việt Hải làm điểm đến cho những chuyến du lịch trải nghiệm, khám phá.

Cơ sở du lịch trên địa bàn xã Việt Hải, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng (Ảnh: Thái Phan).
Du lịch phát triển là "chìa khóa" giúp cải thiện đời sống người dân xã đảo Việt Hải. Nếu như năm 2012, thu nhập trung bình chỉ hơn 10 triệu đồng/người/năm, thì tới năm 2024, tăng lên tới gần 90 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế của xã Việt Hải có sự đảo chiều rõ rệt. Trước đây, hơn 70% số thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thì đến nay, nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp giảm xuống còn chưa tới 30%, các ngành dịch vụ, chủ yếu dịch vụ du lịch, tăng lên hơn 70%.
Tại xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng - địa phương đã "về đích" NTM kiểu mẫu, nhiều tiêu chí như giao thông, giáo dục, y tế… cũng tiệm cận với các tiêu chí của đô thị, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Trao đổi với Người Đưa Tin, anh Hoàng Hải Nam, ở thôn Đức Phong, xã Đại Đồng, chia sẻ: "Sau khi địa phương hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu (năm 2023 - PV), hệ thống giao thông được hoàn thiện không những tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, mà còn giúp chuyên chở nông sản trên địa bàn tới nơi tiêu thụ dễ dàng hơn. Qua đó, giúp kinh tế địa phương phát triển".
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.Hải Phòng (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường Tp.Hải Phòng), năm 2024, 100% số xã trên địa bàn Tp.Hải Phòng (137 xã) đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong đó, 104 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, vượt 9% so với kế hoạch (12 xã).
Đến nay, Tp.Hải Phòng đã hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận 7/8 huyện đạt chuẩn NTM. Tại cấp huyện, có 4 địa phương, gồm các huyện: Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy, được trình xét công nhận chuẩn NTM nâng cao. Riêng huyện đảo Bạch Long Vĩ trình xét công nhận huyện NTM đặc thù.
Gần 15.700 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới
Tháng 10/2024, HĐND Tp.Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND về xây dựng NTM thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, đến năm 2025, 100% số xã trên địa bàn (137 xã) cơ bản đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Tp.Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025, từ năm 2025, số xã trên địa bàn Tp.Hải Phòng có sự thay đổi.
Trong đó, 137 xã thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn Tp.Hải Phòng chuyển thành 77 xã và 29 phường. Bên cạnh đó, huyện An Dương chuyển đổi thành quận, huyện Thuỷ Nguyên chuyển thành thành phố trực thuộc Tp.Hải Phòng.
Trước thực trạng này, tại kỳ họp thứ 23 diễn ra vào chiều 20/2, HĐND Tp.Hải Phòng khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02 và Nghị quyết số 11 về xây dựng NTM trên địa bàn cho phù hợp.
Theo đó, sửa đổi phạm vi chương trình thành xây dựng NTM cấp xã tại 106 đơn vị hành chính cấp xã. Cùng với đó là xây dựng huyện NTM, huyện NTM nâng cao (các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thuỵ, Cát Hải, Bạch Long Vĩ và Tp.Thuỷ Nguyên).

Xã nông thôn mới kiểu mẫu Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng (Ảnh: Thái Phan).
Đối với nội dung về vốn chương trình xây dựng NTM, tổng vốn ngân sách Tp.Hải Phòng bố trí là 15.663,337 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 là 13.284,485 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 2.378,852 tỷ đồng.
Trong trường hợp phát sinh các nguồn tăng thu và các nguồn vốn hợp pháp khác có thể cân đối bố trí tăng vốn giai đoạn 2021 - 2025, HĐND Tp.Hải Phòng sẽ quyết định việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2025.
Theo Quy hoạch Tp.Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sau năm 2030, Hải Phòng sẽ phát triển các huyện An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng trở thành thị xã, huyện Cát Hải trở thành quận biển đảo (huyện Kiến Thụy sẽ lên quận năm 2030). Khi đó, Hải Phòng sẽ còn duy nhất 1 huyện là Bạch Long Vĩ.
Vì thế, Tp.Hải Phòng tập trung đưa 100% số đơn vị hành chín cấp xã xã "về đích" NTM kiểu mẫu trong năm 2025 theo kế hoạch. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi triển khai Quy hoạch Tp.Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.