Theo Quyết định số 2195/QĐ-UBND của UBND Tp.Hải Phòng về thành lập Ban vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình, ông Lê Khắc Nam- Phó Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng là Trưởng ban; bà Trần Thị Hoàng Mai- Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng là Phó trưởng ban Thường trực.
Căn cứ các tiêu chí và thủ tục được thông qua tại khóa họp Hội đồng chấp hành UNESCO lần thứ 195, Ban vận động có nhiệm vụ phát động phong trào sáng tác, tổ chức trưng bày, nghiên cứu, hội thảo... về Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Bên cạnh đó, thực hiện công tác sưu tầm, kiểm kê, thống kê, biên soạn, xuất bản cũng như số hóa dữ liệu, thông tin về Trạng Trình và hoàn thiện hồ sơ theo quy định trình UNESCO.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Tái- Trưởng Ban Quản lý khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết, với nhiều ảnh hưởng và công lao đối với quê hương, đất nước, Trạng Trình xứng đáng được UNESCO vinh danh.
Trước đó, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận xếp hạng Khu di tích Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2019, lễ hội Đền thờ Trạng Trình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm 2022, Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đón hơn 1 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, chiếm hơn 90% lượng du khách đến huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng.
Nhận được tin Tp.Hải Phòng thành lập Ban vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình, người dân huyện Vĩnh Bảo- quê hương Trạng Trình rất phấn khởi, nhất là hậu duê của Trạng Trình hiệu đang sống tại xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng.
Anh Nguyễn Văn Hận, hậu duệ đời thứ 16 của Trạng Trình, ở thôn Trung Am, xã Lý Học, cho biết, con cháu Trạng Trình sẽ tìm kiếm, sưu tầm những hiện vật, tư liệu liên quan mà cha ông để lại để hỗ trợ Ban vận động hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị UNESCO vinh danh Trạng Trình.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491 tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng. Năm 45 tuổi ông mới dự thi. Liên tiếp 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình ông đều đỗ đầu, giành học vị cao nhất- Trạng Nguyên. Sau đó, ông giữ chức Hiệu thư ở Viện Hàn Lâm rồi chuyển sang chức Đại học sĩ Tòa Đông Các, sau thăng Tả thị lang Bộ Hình rồi Tả thị lang Bộ Lại, tước Trình Quốc Công.
Làm quan được 8 năm, triều Mạc bất ổn, ông dâng sớ vạch tội 18 lộng thần nhưng không được vua chấp thuận. Mùa thu năm Nhâm Dần (1542), ông từ quan về quê dựng Am Bạch Vân mở trường dạy học. Sau khi qua đời năm 1585, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại rất nhiều tác phẩm thơ ca đặc sắc, đặc biệt là những lời tiên tri ứng nghiệm- còn được gọi là “sấm Trạng”.