Câu chuyện với vợ chồng anh Nguyễn Duy Hoàng trong căn nhà nhỏ thuộc địa phận thôn Đông Lôi 2, xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, liên tục bị ngắt quãng bởi tiếng cá lớn tại các lồng bè ven sông Luộc quẫy nước.
Anh Hoàng kể lại, năm 2015, anh trở về quê hương sau khi xuất ngũ. Khác với đám bạn cùng trang lứa lựa chọn đi làm tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài huyện, anh quyết định gắn bó, phấn đấu làm giàu trên đồng đất quê hương.
“Thú thật, thời gian đầu tôi định chọn theo nghề nuôi rươi được coi là “hái ra tiền”. Nhưng do vốn đầu tư quá lớn trong khi kinh tế của gia đình có phần khó khăn, tôi quyết định đầu tư nuôi cá lồng bè ven sông Luộc”, anh Hoàng chia sẻ.
Năm 2015, anh Hoàng dùng toàn bộ số tiền dành dụm cùng vay mượn từ người thân, bạn bè đầu tư 2 lồng bè khung sắt ven sông Luộc với diện tích bề mặt 30 m2/lồng, chủ yếu nuôi cá cá trắm, kết hợp với nuôi cá chép, cá diêu hồng.
Với quan điểm “lấy ngắn nuôi dài”, “dùng lợi nhuận tiếp tục đầu tư”, đến năm 2017, anh Hoàng đầu tư thêm 3 lồng bè và đến nay có tổng cộng 6 lồng bè, mỗi lồng rộng 60 m2.
Thời gian đầu, anh Hoàng cho cá ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp, tuy cá mau lớn nhưng chi phí tốn kém, chất lượng thịt không bảo đảm theo yêu cầu của thương lái cũng như thị hiếu người tiêu dùng.
Trước thực trạng này, để giảm chi phí cũng như bảo đảm chất lượng thịt cá, anh Hoàng quyết định thuê 3 mẫu ruộng bị người dân địa phương bỏ hoang với giá thuê 2 triệu đồng/sào/năm kết hợp cấy lúa với trồng cỏ nuôi cá trắm.
Nhờ nuôi cá trắm bằng cỏ kết hợp với thức ăn công nghiệp, nên chất lượng thịt cá được thương lái và người tiêu dùng ưa chuộng, thu hoạch đến đâu, thương lái đặt mua hết đến đó.
Tuy nhiên, đường đến thành công hôm nay của anh Hoàng không dễ dàng. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, số cá trong lồng bè đến thời kỳ xuất bán “tắc” đầu ra. Anh cùng người thân trong gia đình phải đưa đi bán tại các chợ, năn nỉ thương lái mua với giá chỉ bằng 1/2 so với chi phí bỏ ra. Vụ cá năm ấy, hơn 500 triệu đồng trôi theo bọt nước.
Không nản chí, khi dịch bệnh COVID-19 bị khống chế, đẩy lùi, anh Hoàng tiếp tục xuống giống, trồng cỏ để nuôi cá trắm. Đến nay, mỗi vụ cá kéo dài trong khoảng 10 tháng, 6 lồng bè đem về số lợi nhuận cho anh hơn 300 triệu đồng.
Cảm mến sự chăm chỉ, chịu thương, chịu khó của chồng, chị Nguyễn Thị Thu Thảo quyết định rời quê hương Bình Thuận về gắn bó cùng làm giàu trên đồng đất xã Thắng Thủy.
“Tôi quyết định lấy vì anh ấy có chí. Bố tôi bảo với tôi, không sợ người nghèo, chỉ sợ người lười biếng và không có chí tiến thủ. Khi lấy nhau, gia đình tôi ủng hộ “trăm phần trăm” mặc dù trong tay anh ấy chưa có gì cả”, chị Nguyễn Thị Thu Thảo tâm sự.
Anh Nguyễn Duy Hoàng cho biết, thời gian tới, anh dự kiến thuê những chân ruộng sâu trũng bị bỏ hoang trên địa bàn xã Thắng Thủy để nuôi cà ra (cua lông). Hiện giá bán trên thị trường của cà ra lên tới 300.000 - 450.000 đồng/kg. Nếu thành công và được nhân rộng, mô hình này sẽ giúp nhiều thanh niên xã Thắng Thủy cũng như huyện Vĩnh Bảo vươn lên làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương.
Trao đổi với Người Đưa Tin, anh Vũ Duy Minh - Bí thư Huyện Đoàn Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, cho biết, mô hình nuôi cá lồng bè của anh Nguyễn Duy Hoàng là một trong những mô hình điển hình thanh niên khởi nghiệp thành công của huyện nhà.
Để hỗ trợ đoàn viên thanh niên khởi nghiệp, trong đó có mô hình của anh Hoàng, thời gian qua, Huyện Đoàn Vĩnh Bảo giúp đỡ tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, trong đó có nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thời gian tới, Huyện Đoàn Vĩnh Bảo dự kiến phối hợp thành lập Hội Doanh nghiệp trẻ và thanh niên phát triển kinh tế của huyện Vĩnh Bảo trực thuộc Hội Doanh nghiệp trẻ Hải Phòng. Qua đó, giúp đỡ hơn nữa đoàn viên thanh niên huyện nhà giải quyết những khó khăn trong khởi nghiệp liên quan đến vốn, đầu ra cho sản phẩm.