Hải Phòng: Tìm đầu ra ổn định cho làng nghề cá giống lớn nhất miền Bắc

Ngô Quang Thái

Ngô Quang Thái

Thứ 2, 02/10/2023 06:57

Các hộ làm nghề ương cá giống Hội Am ở xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm truyền thống.

Về làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, những ngày này, các hộ làm nghề ương cá giống đang tất bật xuống giống và chăm sóc bầy cá chép Tam Dương, chép vàng, cá koi… để chuẩn bị cho Tết ông Công, ông Táo dịp cuối năm Âm lịch.

Tiêu dùng & Dư luận - Hải Phòng: Tìm đầu ra ổn định cho làng nghề cá giống lớn nhất miền Bắc

Hộ làm nghề ương cá giống ở làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng chăm sóc cá.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đào Xuân Luân - Chủ tịch UBND xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, cho biết, do đồng đất chiêm trũng nhiều, thay vì cấy lúa, trồng màu như những nơi khác trong huyện, người dân làng Hội Am có truyền thống nghề nuôi cá thịt từ xa xưa.

Thời gian đầu, cá giống được đánh bắt trong tự nhiên. Sau đó, nguồn cá giống trong tự nhiên suy giảm, người làm nghề ở làng Hội Am học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi rồi chuyển sang ương cá giống. Họ nuôi cá bố mẹ cho đẻ, ấp nở thành cá bột, gột chừng 3-5 ngày rồi thả xuống ao ương thành cá giống trong khoảng một tháng.

Người làng Hội Am gồng gánh cá giống đi bán cho các hộ nuôi cá thịt khắp trong và ngoài huyện Vĩnh Bảo, sang cả các tỉnh bạn… Mỗi gánh cá giống bằng mấy tạ thóc, cả con lợn hay vài sào ruộng trồng bắp cải, su hào.

Tiền bán cá giống không những bảo đảm cuộc sống gia đình, mà con giúp người làm nghề nuôi nấng con cái học hành thành tài, dựng nhà. Vì thế, trong làng từ trẻ nhỏ đến các bậc cao niên, ai ai cũng thuộc làu câu ca: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khấm khá nuôi heo”.

Năm 2001, làng nghề cá giống Hội Am được Tp.Hải Phòng công nhận là làng nghề truyền thống. Đây cũng là khoảng thời gian phát triển cực thịnh của nghề ương cá giống nơi đây.

Đến nay, mặc dù có phần suy giảm, nhưng với khoảng 400 hộ làm nghề với diện tích gần 80 ha, Hội Am vẫn là một trong những làng nghề ương cá giống lớn nhất miền Bắc.

Trong số những hộ làm nghề ương cá giống nhiều đời tại làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng có gia đình anh Đỗ Văn Thiết. Anh Thiết cho biết, nghề ương cá giống không hoàn toàn thuận lợi như mọi người nghĩ.

Nhiều năm qua, người làm nghề ở Hội Am chật vật với việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm làng nghề. Có những giai đoạn khó khăn như thời kỳ dịch bệnh COVID-19 (trong 2 năm 2020 và 2021), do ít bán được cá giống, nhiều hộ dùng cách cực đoan là hạn chế cho cá ăn để chậm lớn hay chấp nhận nuôi thành cá thịt để xuất bán. Tất nhiên, những cách này chỉ để hạn chế lỗ chứ không có lãi.

Một số hộ làm nghề Hội Am tự đưa cá giống đi tiêu thụ, nhưng số lượng hạn chế. Đến nay, việc tiêu thụ sản phẩm làng nghề Hội Am chủ yếu qua kênh của thương lái nhưng không theo hợp đồng, thỏa thuận nào cả. Vì thế, giá bán lên xuống thất thường dẫn tới giá trị, hiệu quả kinh tế của nghề chưa cao như kỳ vọng.

Trung bình mỗi sào ương cá giống ở Hội Am đem lại khoản thu nhập khoảng 5-7 triệu đồng/năm. Mặc dù cao gấp 3-4 lần so với cấy lúa, trồng rau màu, nhưng chưa xứng đáng với công sức, vốn đầu tư bỏ ra.

Để tự chủ đầu ra và mở rộng thị trường, anh Đỗ Văn Thiết đã cùng với một số hộ mạnh dạn “Nam tiến” khi đầu tư mở cơ sở ương cá giống ở tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn họ phải đóng cửa cơ sở ở đây cũng do “tắc” đầu ra.

Tiêu dùng & Dư luận - Hải Phòng: Tìm đầu ra ổn định cho làng nghề cá giống lớn nhất miền Bắc (Hình 2).

Hộ làm nghề ương cá giống ở làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng kiểm tra cá dưới ao nuôi.

Ông Đào Xuân Luân - Chủ tịch UBND xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, cho biết, để hỗ trợ bà con làng nghề Hội Am tiêu thụ sản phẩm, thời gian tới, chính quyền xã Cao Minh liên hệ với một số cơ sở nuôi cá thịt lớn trong và ngoài Tp.Hải Phòng cũng như đơn vị phân phối cá giống để kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thỏa thuận hợp tác dài lâu. Đồng thời, đề nghị huyện Vĩnh Bảo và các sở, ngành liên quan của Tp.Hải Phòng hỗ trợ, giúp đỡ.

Theo thông tin từ UBND huyện Vĩnh Bảo, nghề truyền thống ương cá giống ở Hội Am không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu, mà còn giúp huyện Vĩnh Bảo có điểm du lịch sinh thái - làng nghề hấp dẫn.

Để hỗ trợ bà con giữ gìn, phát huy nghề truyền thống cũng như có được thu nhập cao, UBND huyện Vĩnh Bảo giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chủ trì, phối hợp mở các lớp tập huấn, ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất, tăng cường kết nối sản xuất với tiêu thụ, bảo đảm các điều kiện về giống, thuốc phòng, chống bệnh cho thủy sản.

Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các loại thủy sản chủ lực, nhất là sản phẩm cá giống, cá chép các loại phục vụ dịp Tết ông Công, ông Táo để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế của nghề và dễ tìm đầu ra cho sản phẩm.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.