Giữa tháng 8/2023, trong khi bà con nông dân địa phương đang mải miết với công việc chăm sóc táo vườn nhà, chờ ra hoa để đón táo chính vụ dịp Tết Nguyên đán và đầu Xuân, thì gia đình ông Bùi Duy Dũng, ở Tổ dân phố Đồng Tiến 2, phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng đang thu hoạch lứa táo trái vụ trên diện tích hơn 6 sào.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Dũng cho biết, trước đây, nhiều hộ ở xã Bàng La, huyện Kiến Thụy, nay là phường Bàng La, quận Đồ Sơn (cùng Tp.Hải Phòng) mưu sinh bằng làm muối. Sau đó, do hiệu quả kinh tế thấp và dòng chảy hai con sông Văn Úc và Lạch Tray thay đổi khiến nước biển không đủ độ mặn cần thiết cho làm muối, nên đa số các hộ bỏ nghề.
Sau khi chuyển diện tích ruộng muối sang nuôi trồng thủy sản thất bại, những năm 1980, một số hộ thử trồng táo. Họ lựa chọn trồng gốc cây táo dại vốn quen với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, chịu được độ mặn của ruộng muối, rồi tiến hành ghép mắt giống táo lai.
Cách làm sáng tạo của bà con nông dân phường Bàng La đem đến thành công hơn cả mong đợi. Những cây táo ghép không những sai quả, mà quả còn có độ giòn, vị ngọt, hương thơm đặc biệt được thị trường rất ưa chuộng. Vì trồng trên ruộng muối cũ, nên táo Bàng La còn được gọi là “táo muối”.
Sau đó, diện tích “táo muối” ở Bàng La không ngừng được mở rộng. Trên những ruộng muối trước kia bà con diêm dân lao động cực khổ quanh năm mà chỉ thu lãi 1-2 triệu đồng/sào/năm, nay công việc trồng táo bớt vất vả mà thu nhập lên tới 10-15 triệu đồng/sào/năm.
Nói về hành trình làm giàn cho táo và phương pháp cho táo ra quả trái vụ “độc nhất vô nhị” ở Bàng La, ông Dũng kể lại, tháng 10/2012, cơn bão số 8 đổ bộ vào địa phương khiến hầu hết diện tích táo bị mất trắng, trong đó có ruộng nhà. Nhiều đêm ông Dũng mất ngủ với suy nghĩ: Làm sao để nghề trồng táo bớt phụ thuộc vào thời tiết?.
Qua nghiên cứu, tìm hiểu và học tập kinh nghiệm ở nhiều địa phương, năm 2019, ông Dũng thử nghiệm làm giàn cho táo trên 1/2 diện tích vườn của gia đình (hơn 8 sào). Những giàn táo như giàn nho không những giúp cây táo ít bị đổ, quả ít bị rụng khi mưa to, gió lớn, mà còn đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao gấp đôi so với những ruộng táo khác trong phường. Sau đó, ông làm giàn cho toàn bộ diện tích táo còn lại của gia đình.
Đến nay, vườn táo giàn rộng 1,6 mẫu đem lại thu nhập trung bình cho gia đình ông Dũng lên tới hơn 500 triệu đồng/năm. “Thừa thắng xông lên”, từ vụ táo năm 2021, ông Dũng tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi rồi áp dụng phương pháp cắt phớt cành tay thay vì cắt tận gốc sau khi thu hoạch vụ táo chính trên diện tích 6 sào. Từ đó đến nay, diện tích táo này cho thêm quả trái vụ, thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch. Nếu nhân rộng ra toàn bộ diện tích, thu nhập của gia đình ông Dũng dự kiến tăng lên tới cả tỷ đồng mỗi năm.
Sau khi thành công với phương pháp làm giàn và cho táo ra quả trái vụ, ông Dũng gặp phải vấn đề hóc búa là tình trạng côn trùng phá hoại trên diện rộng. Vụ táo năm 2022, ông phải đổ đi hơn 2 tấn tấn táo bị hỏng do ruồi vàng đẻ ấu trùng vào quả.
Trước tình trạng này, ông Dũng đầu tư màng lưới che chắn, bao bọc toàn bộ 6 sào táo trái vụ để tránh côn trùng, sâu bọ phá hoại. Đến nay, phương pháp này rất khả quan khi tỷ lệ quả hỏng giảm từ 5-7% trước kia xuống còn 1-2%.
“Vừa qua, có 10 hộ ở phường Bàng La có diện tích vườn táo hơn 5 mẫu đề nghị tôi chia sẻ, hướng dẫn cách làm giàn cho táo và cắt cành để táo ra quả trái vụ. Dự kiến sau vụ táo này, tôi sẽ hỗ trợ họ cũng như các hộ khác có nhu cầu để cùng nhau làm giàu trên đồng đất quê hương”, ông Bùi Duy Dũng chia sẻ.
Theo thông tin từ UBND phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, hiện diện tích trồng táo của địa phương lên tới hơn 120 ha trong tổng số hơn 400 ha đất canh tác. Nhờ hiệu quả kinh tế cao, trong số hơn 2.500 hộ dân, hiện có khoảng 700 hộ gắn bó với nghề trồng táo. Hằng năm, diện tích “táo muối” đem lại cho người dân trồng táo ở phường Bàng La khoản thu nhập lên tới 40-50 tỷ đồng.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả kinh tế do trồng táo mang lại, thời gian tới, chính quyền địa phương xem xét xây dựng mô hình trồng táo kết hợp với du lịch, trải nghiệm. Đồng thời, nhân rộng những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có mô hình trồng táo giàn và phương pháp cho táo ra quả trái vụ của gia đình ông Bùi Duy Dũng.