Hai phụ nữ “chết” vì tin lời đường mật của gã họ Sở

Hai phụ nữ “chết” vì tin lời đường mật của gã họ Sở

Thứ 5, 27/12/2012 23:48

Biết người tình trẻ đi theo người phụ nữ khác, Lê Thị Hiệp nổi cơn cuồng ghen và dùng dao đâm chết tình địch. Nhận mức án 7 năm tù vì tội "Giết người" tại phiên sơ thẩm, Hiệp làm đơn kháng cáo vì cho rằng hình phạt trên quá nặng. Nào ngờ, tại phiên phúc thẩm hình phạt cho Hiệp lại càng tăng nặng...

Tình đầu dang dở

Đứng trước vành móng ngựa Lê Thị Hiệp (SN 1960, ngụ quận 4 TP.HCM) cúi mặt, co ro. Hiệp không dám ngước mắt lên bởi sợ ánh mắt của mọi người đến dự khán. Người đàn bà không kìm được những dòng nước mắt khi kể về số phận chìm nổi, và những "dại khờ" nông nổi đã đẩy cuộc đời mình vào vòng lao lý.

Pháp luật - Hai phụ nữ “chết” vì tin lời đường mật của gã họ Sở

Lê Thị Hiệp đơn độc lấy tay lau nước mắt tại phiên tòa.

Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng vì sợ con thua chúng bạn nên cha mẹ Hiệp cố gắng làm lụng vất vả để Hiệp được ăn học đến nơi đến chốn. Hiệp tốt nghiệp phổ thông trung học và thi đậu vào một trường cao đẳng. Niềm vui chưa kịp trọn vẹn vì gia đình không lo nổi số tiền học phí. Hiệp khóc vật vã suốt một tuần, nhưng khi tịnh tâm nhìn lại hoàn cảnh gia đình của mình hiện tại nên Hiệp đành chấp nhận với thực tại.

Không thực hiện được ước mơ đại học, Hiệp chăm chỉ ở nhà phụ giúp cha mẹ, nhưng trong thâm tâm vẫn luôn "nung nấu" ước mơ sẽ vào đại học khi có điều kiện. Với khát khao cháy bỏng này, sau hơn ba năm "xếp bút", Hiệp dành dụm được chút tiền và tiếp tục nộp đơn thi vào đại học. Nhưng một lần nữa con đường bước vào ngưỡng cửa đại học vẫn xa vời với Hiệp. Trượt đại học, Hiệp đành nộp đơn vào trường Trung cấp Công nhân kỹ thuật, chuyên ngành xây dựng. Nhờ có ý chí học tập, nên sau 2 năm đèn sách, Hiệp ra trường với tấm bằng loại giỏi và nhanh chóng xin được việc làm ở một công ty với mức lương khá hấp dẫn.

Trong môi trường làm việc mới, được sự quan tâm của bạn bè đồng nghiệp, khiến Hiệp thấy mình là người phụ nữ hạnh phúc. Hạnh phúc hơn khi Hiệp quen và yêu một người đàn ông "một nửa" của mình. Người đàn ông ấy là mối tình đầu nên Hiệp yêu thương không hề tính toán. Hiệp ngất ngây trong hạnh phúc khi sinh cho chồng hai đứa con kháu khỉnh. Cứ tưởng hạnh phúc ấy sẽ mãi ngọt ngào, nhưng rồi cuộc sống gia đình của Hiệp bỗng trở nên sóng gió khi hai vợ chồng không tìm được tiếng nói chung. Những cuộc cãi vã thường xuyên xảy ra. Hiệp gạt nước mắt ký vào đơn ly hôn và chấp nhận đánh đổi tất cả mọi thứ chỉ để được nhận quyền nuôi dưỡng hai con thơ dại.

“Làm tập hai” vì... thương mình

Vừa bước qua tuổi 30 tuổi, Hiệp phải một mình gồng gánh nuôi hai con. Cực khổ mấy Hiệp cũng cam, chị chỉ cần nhìn nụ cười rạng rỡ của hai con là đã thấy cuộc sống này đầy ý nghĩa. Còn chuyện đi thêm bước nữa không mấy khi Hiệp nghĩ đến. Cứ thế, Hiệp lao vào công việc kiếm tiền chỉ để mong bù đắp sự thiếu thốn tình cảm cho hai con. Hai con của Hiệp đều được đến trường đàng hoàng. Đến một ngày nhìn lại mình và nhìn hai con ngày càng lớn, Hiệp lại "thương mình". Một mình vò võ nuôi con, đôi khi nghĩ về tương lai, chị lại chạnh lòng mong lắm một bờ vai đàn ông để làm chỗ dựa.

Trong một lần đi làm, xe máy hỏng, chị Hiệp phải gọi taxi. Nào ngờ đó là chuyến taxi "định mệnh" của cuộc đời chị. Tài xế chuyến xe ấy là Tăng Hòa G.. Lúc lên xe, ban đầu, hai người nói chuyện một cách dè dặt. Nhưng do đoạn đường xa, và trong những câu chuyện họ kể cho nhau nghe dường như họ nhận ra ở hai người có một sự đồng cảm. Đôi khi là những câu chuyện cười vui vẻ, đôi lúc là sự im lặng đến khó hiểu. Với những lời nói có cánh của G., bỗng nhiên, chị lại có cảm giác như mình đang tuổi độ yêu. Trước khi bước xuống xe, hai người không quên trao đổi số điện thoại cho nhau.

Sau lần đó, hai người lại thường xuyên gọi điện trò chuyện. Cảm nhận được tình cảm của nhau nên Hiệp và G. chuyển sang hẹn hò. Trong thâm tâm, chị Hiệp có thể tự biết mình đã bị thần tình ái gõ cửa lần thứ hai. Tuy nhiên, Hiệp băn khoăn rất nhiều bởi anh G. vẫn chưa có vợ, trong khi đó mình đã có một đời chồng và có hai người con. Nhiều lúc, Hiệp cố gắng tránh xa G., nhưng càng trốn tránh thì tình cảm lại càng mãnh liệt hơn. Cuối cùng, không thể nào giữ được tình cảm của mình, Hiệp đã nói với G. tình cảm của mình. Chính Hiệp cũng không thể nào tin được khi G. bảo mình cũng đã yêu mình ngay từ lần đầu gặp mặt.

Thế là, G. dọn về nhà Hiệp để sống như vợ chồng nhưng không đăng ký giấy kết hôn. Tình cảm hai người ngày càng mặn nồng. Bởi trước đây, đã từng có chồng nhưng đã chia tay nên chị Hiệp rất quý trọng mối tình thứ hai này. Bên cạnh đó, do sống với chàng "phi công" trẻ nên Hiệp luôn lo sợ một ngày người tình sẽ theo người người phụ nữ khác. Quả thực, sự lo lắng của Hiệp không phải không có lý do. Bởi chỉ sau hơn hai năm sống mặn nồng với nhau, G. quyết định chia tay bởi "tình cảm của anh không còn nữa". G. xách va ly ra đi, để lại Hiệp trong nỗi uất nghẹn vì mối tình tan vỡ.

Sau nhiều ngày ngồi trong căn phòng vắng gặm nhấm nỗi đau của chính mình, Hiệp nghĩ đến chuyện phải tìm được nguyên nhân tại sao người tình dứt áo.

Sau nhiều ngày theo dõi, Hiệp phát hiện G. thường xuyên đậu xe ở ngã ba Âu Dương Lân - Phạm Thế Hiển (quận 8, TP.HCM). Hiệp lại càng đau lòng hơn khi phát hiện, người tình đang chung sống với một người phụ nữ bán hủ tiếu ở gần đó tên là Phạm Kim H. Cơn ghen nổi lên, nhưng chị vẫn có thể tự kìm nén mình để không chạy đến "cào cấu" để thỏa mãn sự tức giận. Thay vào đó, hàng ngày, Hiệp tiếp cận cả người giúp việc của chị H để nắm bắt thông tin về tình cảm của hai người. Trong thời gian này, người giúp việc cũng kể chuyện có người phụ nữ thường xuyên hỏi mối quan hệ giữa chị H và G., nhưng chị H không thèm để ý bởi cho rằng, mình không hề làm chuyện gì có lỗi với ai.

Trưa ngày 25/5/2010, khi Hiệp đang ngồi ở quán nước gần quán hủ tiếu thì gặp chị H đi tới. Hiệp gọi chị H lại để nói chuyện. Chị H đã nghe người giúp việc nhắc đến người phụ nữ này, nhưng đến bây giờ mới có thể giáp mặt để hỏi vì sao lại dò hỏi thông tin của mình. Hiệp kể về mối tình giữa mình với G. Không giống như suy nghĩ của Hiệp, chị H không hề tức giận mà bảo mình đã biết chuyện này và lý do G. bỏ Hiệp đi vì chị quá già.

Đến lúc này, Hiệp mới nhận thấy chị H không xấu xí, già cả như mình. Cơn ghen cộng với sự ganh ty, nỗi tức giận trong người Hiệp lại được phen sôi sục. Hiệp chửi mắng chị H, không chịu thua, chị H cầm chai nước ngọt để trên bàn đánh thẳng vào đầu Hiệp. Cơn tức giận kìm nén bấy lâu trào lên, Hiệp rút con dao xếp trong túi xách ra đâm mạnh một nhát vào hông bên trái của tình địch rồi bỏ dao vào túi áo khoác lên xe bỏ đi. Chị H bị đâm nhưng vẫn ráng đuổi theo Hiệp. Tuy nhiên chỉ bước được vài bước thì ngã quỵ. Được người dân đưa đi cấp cứu nhưng một tuần sau, ngày 2/6/2010 chị H qua đời do choáng mất máu không hồi phục. Không lâu sau thì Hiệp bị bắt.

Hành vi phạm tội của Hiệp lúc đầu bị truy tố về tội "cố ý gây thương tích", TAND quận 8 tuyên phạt bị cáo mức án 7 năm tù. Tháng 4/2011, xét xử phúc thẩm, TAND TP.HCM nhận định hành vi của bị cáo có dấu hiệu phạm vào tội "giết người" chứ không phải tội "cố ý gây thương tích" nên đã tuyên hủy toàn bộ bản án để điều tra, xét xử lại từ đầu.

Trong phiên xử sơ thẩm lần hai, HĐXX nhận thấy hành vi phạm tội của bị cáo là nghiêm trọng. Tuy nhiên vì bị hại cũng có một phần lỗi khi đánh bị cáo trước nên tuyên phạt Lê Thị Hiệp mức án 10 năm tù về tội giết người. Khi nghe mức án dành cho mình, Hiệp ngã quỵ, chỉ biết than: "Nào ngờ kháng cáo, mức án lại còn nặng hơn...".

Lừa tòa bất thành

Mới đây, vụ án của Hiệp được đưa ra xét xử sơ thẩm lần hai. Đứng trước phiên tòa, Hiệp run rẩy và cho biết mình không hề có ý định giết chị H. Theo Hiệp, nếu phạm tội giết người thì phải có ý định ngay từ trước, chuẩn bị hung khí còn bị cáo thì không. Bên cạnh đó, đôi lúc Hiệp khai mình dùng chai nước ngọt vỡ đâm, có lúc lại bảo dùng dao hạ sát chị H. Trước tình tiết này, vị công tố viên cho biết, theo biên bản giám định, vật gây ra vết thương cho chị H là vật sắc nhọn (dao) chứ không phải vỏ chai vỡ gây ra. Đến lúc này, Hiệp mới thực lòng cho biết: "Vì bị cáo sợ bị ngồi tù lâu nên mới nại ra như vậy. Bảy năm tù đối với bị cáo là quá nặng rồi, nếu bị đi tù lâu hơn nữa, với tình hình sức khỏe của mình bị cáo không biết có còn cơ hội để trở về hay không". Rồi Hiệp nức nở: "Sau khi ly hôn, hai con ở cùng bị cáo. Từ ngày vào tù đến giờ, bị cáo vẫn chưa được gặp các con và bị cáo cũng không biết giờ chúng ở đâu, sống ra sao".

Huy Linh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.