Vượt chỉ tiêu bộ Tài chính giao
Theo số liệu từ cục Hải Quan Hà Tĩnh, tính đến ngày 5/12/2017, thu ngân sách đạt 2.662,8 tỷ đồng, đạt 171% so với chỉ tiêu bộ Tài chính giao (1.550 tỷ đồng), đạt 156% so với chỉ tiêu Hội đồng nhân dân tỉnh giao (1.700 tỷ đồng), đạt 93% so với chỉ tiêu phấn đấu Tổng cục Hải quan giao bổ sung (2.850 tỷ đồng) và tăng 42% so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh đã thông quan 7.570 tờ khai, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2016 (7.287 tờ khai); Kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) đạt 1.434,15 triệu USD.
Trao đổi với PV, ông Lương Trường Thọ, Cục trưởng cục Hải Quan Hà Tĩnh cho biết: “Ngoài số thu lớn từ các mặt hàng xuất – nhập của công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp, một số mặt hàng truyền thống như: Xăng dầu, điện tử điện lạnh, dăm gỗ keo, đá vôi, nước uống rebbull... vẫn duy trì lượng kim ngạch nên thu thuế XNK mới tăng mạnh như thế”.
Bên cạnh đó, việc cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần tăng thu ngân sách. Ngoài hệ thống thông quan tự động VNACSS/VCIS, từ đầu năm 2017, Hải quan Hà Tĩnh đã chính thức triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Với việc vận hành cùng lúc cả 2 hệ thống này, Hải Quan Hà Tĩnh đã rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi thực hiện thông quan, để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong xu thế hội nhập sâu rộng.
“Chúng tôi đang nỗ lực rất lớn để phát triển theo hướng hiện đại, chuyên sâu, chuyên nghiệp, vừa bảo đảm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, vừa góp phần thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế cho tỉnh nhà. Sắp tới, ngoài giải pháp cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, cục Hải quan Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các nguồn thu đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách Nhà nước; kiểm soát hải quan, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung xử lý nợ đọng thuế, phân loại các khoản nợ và áp dụng biện pháp cưỡng chế trong thu hồi nợ thuế, không để phát sinh nợ xấu…”, ông Thọ nhấn mạnh.
Phó Chi cục trưởng chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vũng Áng Nguyễn Xuân Minh cho biết: “Năm ngoái, do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, hoạt động XNK hầu như chững lại. Sau khi sự cố được khắc phục, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa đi vào ổn định, công ty đã nhập về số lượng lớn mặt hàng Than và Phôi thép làm nguyên liệu sản xuất đã góp phần đưa số thu ngân sách của đơn vị tăng. Bên cạnh đó, lượng than cốc (thành phẩm sản xuất) của công ty cũng được xuất khẩu với kim ngạch lớn, góp phần tăng thu ngân sách đột biến cho đơn vị”.
Kết quả từ thu thuế XNK đã và đang mang lại nhiều tín hiệu khởi sắc cho công tác thu ngân sách của Hà Tĩnh năm nay.
Song song với các hoạt động khác, vào thời điểm cuối năm, cục Hải Quan Hà Tĩnh cũng đang tập trung công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, pháo nổ. Tính đến đầu tháng 12/2017, cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh đã xử lý 203 vụ buôn lậu và vi phạm thủ tục hải quan với trị giá hàng tịch thu và tiền xử phạt hơn 3,1 tỷ đồng; Phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn phát hiện, bắt giữ 13 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Kim ngạch XNK đường bộ gặp khó khăn
Trong khi kim ngạch XNK đường thủy của Hà Tĩnh tăng mạnh thì kim ngạch đường bộ, cụ thể là khu vực Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, huyện Hương Sơn lại “nhỏ giọt”. Số liệu so sánh từ cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, khu vực thu thuế XNK đường thủy – cảng Vũng Áng đạt hơn 1.941 tỷ đồng, trong khi đó KKT cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo chỉ đạt 42,3 tỷ đồng.
Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo từng được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong 9 KKT trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020, là “cửa ngõ” thu thuế XNK trọng điểm của Hà Tĩnh. Tuy nhiên, những năm gần đây do các chính sách thiếu nhất quán, hạ tầng đầu tư thiếu đồng bộ và nhiều lý do khách quan khác nên KKT này ngày càng đìu hiu. Gần đây, nhiều doanh nghiệp giải thể, nhiều nhà đầu tư tạm dừng hoạt động, kinh doanh buôn bán èo uột khiến KKT ngày thêm ảm đạm.
Qua số liệu về thu thuế cũng như thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh trong KKT cho thấy, KKT cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo ngày càng “thụt lùi”. Thu ngân sách trên địa bàn liên tục giảm sút: Năm 2014 đạt 225 tỷ đồng, 2015 giảm xuống 186 tỷ đồng và 2016 chỉ còn 111 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2017 rớt xuống 42,3 tỷ đồng. Đặc biệt, Luật Thuế XNK số 107/2016/QH13 có hiệu lực từ ngày 1/9/2016, KKT cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo không còn được xem là khu phi thuế quan đã gần như đánh dấu chấm hết các chính sách ưu đãi, khiến KKT càng rơi vào bế tắc.
“Một trong những khó khăn hiện nay của cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo nữa, đó là cơ sở hạ tầng còn bất cập, chưa hoàn thiện, đường giao thông xuống cấp trầm trọng, lượng hàng qua cửa khẩu ngày càng giảm. Việc gia nhập khối thương mại thế giới cũng như khối ASEAN, các mặt hàng thương mại thuế suất về bằng không nên vấn đề thu thuế tại các cửa khẩu đường bộ hết sức khó khăn. Vấn đề này, Cục đã kiến nghị nhiều lần lên tỉnh, tỉnh cũng ghi nhận và đang nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng ở KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo”, ông Lương Trường Thọ nói.