Các nhà khoa học quân sự Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong việc nâng cấp công nghệ radar và đang phát triển một loại radar với kích thước nhỏ gọn cho tàu sân bay, cho phép giám sát liên tục trên một khu vực có diện tích bằng Ấn Độ.
Theo các nhà khoa học chủ trì chương trình radar vượt đường chân trời (OTH) cho biết, hệ thống cải tiến này sẽ cho phép hải quân Trung Quốc phát hiện các mối đe dọa đến từ tàu, máy bay và tên lửa của đối phương sớm hơn nhiều so với công nghệ hiện có.
Chương trình đã gây chú ý vào ngày 8/1 khi nhà khoa học chủ chốt Liu Yongtan, giáo sư khoa kỹ thuật điện và thông tin tại Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, nhận giải thưởng khoa học cao quý của Trung Quốc từ Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trả lời với báo giới, ông Liu cho biết loại radar OTH này đã được nâng cấp đáng kể phạm vi mà quân đội có thể giám sát.
“Nếu sử dụng hệ thống công nghệ truyền thống, phạm vi theo dõi của chúng tôi chỉ có thể chiếm khoảng 20% lãnh hải. Với hệ thống mới, chúng tôi có thể bao quát toàn bộ khu vực”, ông Liu nói.
Radar OTH mặt đất đã được phát triển lần đầu tiên bởi Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh lạnh, cho phép hai quốc gia này giám sát hàng ngàn km lãnh thổ bằng cách gửi sóng vô tuyến lên tầng điện ly và dội trở lại mặt đất..
Tuy nhiên, nhiều trong số các cơ sở radar này đã ngừng hoạt động do các hạn chế về năng lượng hoặc điều kiện địa hình. Sự bất động của chúng cũng trở thành mục tiêu dễ bị tấn công, dẫn đến việc các nhà hoạch định quân sự chuyển trọng tâm sang các hệ thống cảnh báo và kiểm soát trên không.
Một thành viên cấp cao thuộc đội nghiên cứu của ông Liu đã xác nhận với SCMP rằng, hệ thống mới này sẽ là hệ thống radar OTH đặt trên tàu. Nhà nghiên cứu cũng cho biết, loại radar trên biển mới “sẽ tăng khả năng thu thập thông tin của hải quân trong các khu vực quan trọng”, bao gồm Biển Đông, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, triển khai công nghệ trên biển đồng nghĩa với việc các nhà khoa học phải vượt qua một số thách thức, bao gồm điều chỉnh tần số radar, khử cực và điều chỉnh hướng phù hợp với khoảng cách của vùng mục tiêu và điều kiện tầng điện ly. Tàu tiếp nhận cũng phải sử dụng các kỹ thuật phức tạp để hiệu chỉnh lại những dao động do biển gây ra.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất phát triển loại công nghệ này. Trước đây cũng đã có Raytheon, một nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ được cấp bằng sáng chế vào năm 2016 cho một hệ thống tương tự.
Thiết kế của Raytheon có tầm quan sát hơn 1.000 km và có thể bao gồm một vùng có diện tích tương đương với 3,4 triệu km vuông, xấp xỉ diện tích Ấn Độ.
Kiều Trang