Tỉnh Cà Mau là vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Tây Nam, có chiều dài bờ biển trên 254 km với ngư trường rộng khoảng 80.000 km2. Kinh tế biển được xác định là một trong những lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương. Với đội tàu hơn 5.000 chiếc, sản lượng khai thác thủy sản hàng năm 200 ngàn tấn, đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế của tỉnh.
Đại tá Nguyễn Đăng Tiến, Chính uỷ Vùng 5 Hải quân cho biết, chương trình là một trong những chủ trương lớn của bộ Tư lệnh Hải quân nhằm hiện thực hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển gắn với quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Chương trình này được triển khai trên phạm vi toàn quốc; đã và đang nhận được sự đồng tình, chung tay, góp sức của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước.
Tại lễ phát động, Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân cũng cho biết, chương trình là sự tiếp nối các hoạt động giúp đỡ ngư dân trên biển trong những năm qua của quân chủng Hải quân. Đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực lâu dài, đòi hỏi phải có sự đồng thuận rất cao.
Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện mong rằng, khi khai thác hải sản trên biển bà con luôn chấp hành luật pháp Nhà nước Việt Nam và luật pháp, thông lệ quốc tế. Nhất là thực hiện tốt chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện nhấn mạnh: “Chúng tôi tin tưởng và mong rằng bà con ngư dân tham gia đánh bắt hải sản, cũng là chiến sĩ, mỗi con tàu ra khơi là cột mốc chủ quyền trên biển. Qua đó, góp phần cùng quân và dân cả nước bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển”.
Bênh cạnh Chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển, còn diễn ra các hoạt động khám, chữa bệnh cho ngư dân; tặng quà cho ngư dân …