Một quyết định đúng sẽ giúp giành chiến thắng với cái giá phải trả thấp nhất. Một quyết định sai sẽ trở thành thảm họa, đặc biệt với những quyết định ở tầm chiến lược. Cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập của dân tộc ta trong thế kỷ trước đã chứng minh nhận định này, nhất là trong những quyết định cân não mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Trường hợp đầu tiên có thể kể tới trong chiến dịch Biên Giới (1950). Đó là khi, Quân đội Nhân dân Việt Nam chuẩn bị một chiến dịch đánh vào cụm cứ điểm của Pháp trên tuyến đường số 4, nối liền Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng. Chuỗi cứ điểm này còn được gọi là “lá chắn Bô-phrơ”.
Bản đồ chiến dịch Biên giới 1950.
Đối với Pháp, đây là vành đai chia cắt chiến khu Việt Bắc với thế giới, qua cửa ngõ biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Từ năm 1947, Pháp đã cực kỳ coi trọng tuyến đường này, và đánh giá “lá chắn Bô-phrơ” không chí có tầm quan trọng trên chiến trường Đông Dương, mà còn có ý nghĩa tầm khu vực và thế giới. Nếu để mất tuyến đường số 4 vào tay Việt Minh, làn sóng giải phóng dân tộc sẽ tác động mạnh mẽ tới các thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. Riêng ở Việt Nam, nếu Pháp mất kiểm soát đường 4, thì quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương không chỉ đối mặt với những trận đánh du kích lẻ tẻ mà phải chịu đòn trong những trận đánh lớn.
Vấn đề ở chỗ, Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ chọn đánh cứ điểm nào, trong chuỗi cứ điểm dọc đường 4 gồm các cứ điểm chính: Cao Bằng – Đông Khê – Thất Khê – Lạng Sơn... Đó cũng là câu hỏi mà ban lãnh đạo Việt Nam đặt ra trước chiến dịch?
Ban đầu, phía ta chủ trương đánh cứ điểm Cao Bằng, vì đây là một cứ điểm có thành phố lớn. Nếu hạ được Cao Bằng uy thế sẽ rất vang dội. Từ đầu kháng chiến tới nay, phía Việt Nam chủ trương rút lực lượng khỏi các thành phố lớn, lấy nông thôn vây thành thị. Lần này, nếu đánh chiếm được một vị trí như Cao Bằng sẽ là một bước chuyển về chất. Nhiều đơn vị đã được điều đi nghiên cứu địa hình Cao Bằng và chuẩn bị phương án tác chiến. Bản thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng trực tiếp đi nắm tình hình địch.
Trong chuyến công tác như vậy, Đại tướng nhận thấy, địa hình Cao Bằng hiểm trở, ba mặt có sông bao quanh, mặt sau hiểm trở. Bản thân pháo đài Cao Bằng được xây hết sức kiên cố vững chắc, địa hình tiến đánh hết sức khó khăn. Vì vậy, Đại tướng đã quyết định không chọn đánh Cao Bằng. Thay vào đó, qua tìm hiểu nghiên cứu, Đại tướng và Bộ Tổng tham mưu chọn Đông Khê, một cứ điểm khác trên tuyến đường số 4 để “đánh điểm, diệt viện”. Đây là vị trí mà phía Pháp có bố trí ít hơn ở Cao Bằng. Địa hình xung quanh là rừng núi, phù hợp để quân ta mai phục, ẩn nấp tiếp cận cứ điểm. Phương án này sau khi báo cáo lên Hồ Chủ tịch đã được thông qua.
Ngày 16/9/1950, chiến dịch Biên Giới chính thức diễn ra bắt đầu với tiếng súng tấn công đồn Đông Khê. Đúng như dự đoán của ta, cứ điểm Đông Khê nhanh chóng bị hạ. Ở Cao Bằng – cứ điểm mạnh như bị cô lập và uy hiếp sau khi Đông Khê thất thủ, quân Pháp đứng ngồi không yên buộc phải rút lui và rơi vào thế trận “diệt viện” của quân ta bố trí dọc đường số 4. Một cánh quân khác của Pháp lên ứng cứu cho địch đi từ phía Lạng Sơn cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Kết thúc chiến dịch, quân ta thương vong rất ít thấp, toàn chiến dịch có khoảng vài trăm bộ đội bị hy sinh. Còn phía Pháp, ngoài số bị tiêu diệt, số tù binh lên tới 8.000 quân, đông chưa từng có kể từ khi bắt đầu cuộc toàn quốc kháng chiến. Số lượng tù binh tăng vọt khiến phía ta phải huy động nhân dân bỏ thóc giống nấu cháo nuôi chúng, đồng thời, liên hệ với phía Pháp, cho phép Pháp mang máy bay lên Thất Khê để đón tù binh.
Không chỉ vậy, quân đội ta còn thu được hàng ngàn tấn chiến lợi phẩm, đủ trang bị cho các sư đoàn chủ lực mới được thành lập. Thậm chí, số đạn pháo thu được sau chiến dịch còn dùng để cung cấp cho chiến trường Triều Tiên cũng như chiến dịch Điện Biên Phủ sau này. Nhưng quan trọng hơn cả, là tuyến biên giới Việt – Trung được khai thông, phá thế bao vây căn cứ địa Việt Bắc với các nước bè bạn trên thế giới.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp các tù binh Pháp sau chiến thắng Biên giới 1950
Bước sang giai đoạn tổng phản công 1953-1954, tình hình chiến sự trên bán đảo Đông Dương bước sang những thời khắc quan trọng cuối cùng. Đó là khi Pháp biến Điện Biên Phủ thành cụm tập đoàn cứ điểm nhằm thu hút lực lượng chủ lực của Việt Minh và tiêu diệt. Đây là một kiểu bố trí quân sự liên hoàn, được ví là hình ảnh của “con nhím” tua tủa đầy gai chĩa ra xung quanh. Nhận thấy, đây là một cơ hội đánh đòn quyết định với Pháp, ban lãnh đạo Chính phủ kháng chiến Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam nhận định, sẽ phải tiêu diệt Pháp ở Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, trước trận đánh lịch sử này, phía ta đã lên phương án tác chiến: Dồn tổng lực đánh tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm này trong 3 ngày đêm.
Toàn bộ sức mạnh của dân tộc được huy động cho trận đánh lịch sử này. Hàng đoàn dân công tiền tuyến tiếp lương, tải đạn trên những con đèo dốc, quanh co, rình rập bởi bom đạn máy bay Pháp. Bộ đội “bồng hàng tấn pháo lên non”, chĩa hỏa lực mạnh nhất vào các vị trí của Pháp trong cụm cứ điểm Điện Biên Phủ. Tất cả công tác đã hoàn tất, chỉ chờ lệnh tổng tiến công. Tuy nhiên, cũng trong thời khắc lịch sử này, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã phải đứng trước những cân nhắc cực kỳ khó khăn.
Điện Biên Phủ không phải là tập đoàn cứ điểm đầu tiên mà quân đội ta tiến công. Trước đó, vào cuối chiến dịch Tây Bắc 1952, để tái cân bằng thế bố trí với lực lượng Việt Minh đang thắng như chẻ tre ở đây, Pháp cho quân tức tốc xây dựng cụm tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Đây là hình thái bố trí quân sự liên hoàn, các cụm cứ điểm liên kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau tối đa trong cả tấn công và phòng thủ. Thêm vào đó, phải kể tới sự chi viện đắc lực của hỏa lực cơ động từ xe tăng và máy bay. Khi tấn công vào cụm cứ điểm này, quân đội ta đã chịu nhiều thương vong. Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải ra lệnh ngừng tấn công Nà Sản để bảo toàn khí thế chiến thắng và tránh thương vong cho bộ đội.
Quả thực, bài học ở Nà Sản là một ấn tượng nặng nề. Vậy mà tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ còn được bố trí cực kỳ kỹ lưỡng, được Pháp xây dựng và phát triển trong một thời gian lâu dài hơn, với nguồn vật tư và nhân lực to lớn hơn. Không phải không có cơ sở để Pháp tuyên bố “Điện Biên Phủ là pháo đài bất khả xâm phạm”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chính từ những nghiên cứu tình hình thấu đáo như vậy, lời giải “san bằng Điện Biên Phủ trong 3 ngày” quả thực gây băn khoăn cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thức trắng nhiều đêm trong căn hầm sở chỉ huy, Đại tướng luôn đau đáu tìm phương án tác chiến tối ưu nhất để hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cũng như bảo toàn tối đa sinh lực của bộ đội ta. Thế nhưng, thay đổi phương án tác chiến vào lúc “đạn đã lên nòng” không hề đơn giản. Công sức của quân và dân những ngày chuẩn bị chiến dịch sẽ bị coi là lãng phí. Không chỉ vậy, tinh thần chiến đấu của bộ đội chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng
Cuối cùng, một quyết định sáng suốt nhất đời cầm quân của Đại tướng được đưa ra: Đó là chuyển phương châm đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc, còn được gọi là đánh bóc vỏ. Rốt cuộc, chiến dịch Điện Biên Phủ đã diễn ra không phải trong 3 ngày mà là 65 ngày đêm với kết quả toàn thắng. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử như là “câu hát cuối, buông như tiếng bão” của “bản hùng ca (kháng chiến) viết ròng rã trong 10 năm, là tiềng chuông báo hiệu sự sụp đổ của hệ thống chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi thế giới. Sau năm 1954, "Điện Biên Phủ" đi vào kho ngôn ngữ thế giới như một từ tương tự nghĩa "hạ knock-out".
Như vậy, có thể thấy, ở những thời khắc lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cực kỳ cẩn trọng đưa ra những quyết định vô cùng sáng suốt, lấy sự tồn vong của dân tộc lên hàng đầu trong mọi tính toán, cân nhắc. Điều đó, đã dẫn tới trang võ công lừng lẫy của một đội quân mà những người lính dũng cảm chiến đấu không tiếc xương máu, có người tổng tư lệnh mưu trí tuyệt vời, quý trọng tính mạng của cán bộ, chiến sĩ trong từng quân lệnh.
Tuệ Minh