Vài năm gần đây, cướp biển Somali có vũ trang tập trung tại mũi Horn, một khu vực vô chính phủ của châu Phi, đã tăng cường hành động cướp bóc tại các tuyến đường vận chuyển trên Ấn Độ Dương và Vịnh Aden. Đây là hải trình liên kết châu Âu và châu Á thông qua Biển Đỏ.
Tàu MV Faina của Ukraine chở 33 xe tăng T-72 cùng một lượng lớn vũ khí, đạn dược và thủy thủ đoàn 17 người - bị cướp chỉ bởi 5 tên cướp biển Somali vào ngày 25/9/2008 tại vịnh Aden. Sau hơn 4 tháng thương lượng, tàu và vũ khí đã được trả tự do với 3,2 triệu USD tiền chuộc.
Các băng nhóm hải tặc đã thực hiện cả chục vụ tấn công tàu hàng, cướp sạch hàng hóa và đòi tiền chuộc cho xác tàu cùng thủy thủ đoàn. Hàng chục triệu USD tiền chuộc đã được các chủ tàu buộc phải chi trả, chưa kể giá trị số hàng hóa trên tàu bị cướp.
Theo Reuters, cướp biển là một hoạt động kinh doanh sinh lời thực sự tại đây. Các băng nhóm cướp biển tổ chức hẳn một loại hình giống như hợp tác xã hay công ty cổ phần, thu hút tài chính cộng đồng dân cư đầu tư vào đó. Mọi người có thể góp bất cứ thứ gì họ có cho các chuyến ra khơi đánh bắt tàu thuyền của hải tặc: Xuồng cao tốc, lương thực, thực phẩm đi biển, hay thậm chí là vũ khí. Khi một vụ cướp tàu thành công, hàng hóa cướp được và tiền chuộc sẽ được hải tặc chia phần cho mọi người tùy theo mức độ góp vốn của họ trong chuyến đi ăn cướp ấy.
Một phụ nữ cho biết, cô đã được chồng một người bạn cho một trái lựu đạn để góp vốn với hải tặc. 38 ngày sau, cô được chia tới 75.000 USD sau khi vốn góp của cô được sử dụng trong một vụ tấn công tàu đánh cá ngừ Tây Ban Nha. Hàng loạt các ngôi nhà mới mọc lên nhờ tiền ăn chia với cướp biển.
Thị trấn Haradheere cách thủ đô Mogadishu (Somali) 400 km về phía Đông Bắc, từng là một làng chài nhỏ. Bây giờ nó là một thị trấn nhộn nhịp, với những chiếc xe hơi đời mới thuộc sở hữu của những tên cướp biển và những người góp vốn cho chúng. Chính phủ được phương Tây hậu thuẫn của Tổng thống Somalia Sheikh S.Ahmed đang sa vào cuộc chiến với phiến quân Hồi giáo cực đoan, và chỉ kiểm soát một vài khu vực quanh thủ đô. Ở Haradheere, luật pháp không tồn tại, một người dân địa phương nói.
Cướp biển đã trở thành nguồn thu chính trong hoạt động kinh tế của Haradheere. Thật ngạc nhiên là ngoài việc chia phần cho những người góp vốn, cướp biển không hưởng thụ cả số tiền lớn còn lại. Chúng luôn dành một tỷ lệ phần trăm nhất định số tiền chuộc thu được để tài trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương, bao gồm cả trường học và bệnh viện.
Chiến tranh, thất nghiệp đã đẩy hàng vạn thanh niên Somali phải rời bỏ quê hương tìm đường lánh nạn, sinh nhai. Ba tháng trước, Abdirahman Ali từng là một học sinh trung học ở Mogadishu. Nhưng giờ đây, cậu thanh niên trẻ tuổi này đang trên một con tàu cướp biển ở ngoài khơi Haradheere. "Tôi chọn trở thành cướp biển, thay vì đi di tản và chết trên sa mạc hoặc chết bởi súng cối ở Mogadishu". Ali cho biết.
Tránh được cái chết khi bị buộc phải gia nhập hoặc quân đội chính phủ, hoặc quân nổi dậy; có công ăn việc làm trên biển với mức thu nhập cao chót vót, lại được người dân địa phương hết lòng ủng hộ. Gia nhập cướp biển dường như là một ý tưởng không tồi với bất kỳ thanh niên Somali nào trong bối cảnh hiện nay. Hoạt động cướp biển của hải tặc Somali vì thế đã trở nên manh động và liều lĩnh một cách đột biến từ năm 2008.
Tiền chuộc mỗi vụ đã tăng lên trong những tháng gần đây, từ khoảng 2-3 triệu USD lên 4 triệu USD vì số lượng gia tăng của các cổ đông và những rủi ro do hoạt động truy quét gắt gao của các lực lượng hải quân quốc tế.
Tuy nhiên, các hợp tác xã cướp biển vẫn không vì thế mà e sợ. Họ cứ việc truy lùng chúng tôi. Chúng tôi không lo lắng, vì chúng tôi chỉ có một lựa chọn - ăn cướp hoặc chết Mohammed, một tướng cướp biển Somali nói với phóng viên Reuters.
Đi trên những xuồng cao tốc nhỏ gọn, dùng thang hoặc quăng móc câu để trèo lên tàu hàng, uy hiếp thủy thủ đoàn bằng súng, cướp tàu lái về đất liền, lột sạch hàng hóa rồi gọi điện cho chủ tàu đòi tiền chuộc. Nếu bị hải quân các nước bắt gặp thì nhanh chóng vứt bỏ vũ khí xuống biển và nhận là ngư dân. Chiến thuật ranh mãnh này của hải tặc Somali khiến các nước cử hải quân truy quét phải kêu trời vì rất khó đối phó. |
Thanh Tùng (Theo Reuters)