Công an huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) đang tạm giữ Lê Thanh Điền (22 tuổi) và Trần Thái Đông (32 tuổi, ngụ xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) để điều tra về hành vi cướp 3 con gà đá và cầm súng doạ bắn công an.
Trước đó, Điền và Đông thủ súng, lượn đường tìm “con mồi”. Đến phường Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh, thấy thanh niên đang đứng đón xe đò bên đường có mang theo 3 con gà đá, cả hai lao đến cướp.
Trên đường tẩu thoát với tốc độ cao, 2 đối tượng bị lực lượng tuần tra kiểm soát Công an tỉnh Đồng Tháp yêu cầu dừng xe kiểm tra. Điền cho xe tăng tốc bỏ chạy nên bị tổ tuần tra truy đổi. Thấy vậy, Đông ngồi sau rút súng đã lên đạn chĩa về phía lực lượng chức năng.
Với tinh thần quyết tâm bắt giữ tội phạm, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, tổ tuần tra đã kiên quyết truy đuổi và khống chế bắt được 2 đối tượng. Khám xét người và phương tiện của 2 đối tượng, lực lượng chức năng đã thu giữ 1 khẩu súng ngắn cùng 3 viên đạn, trong đó có 1 viên đã lên nòng và 3 con gà trống đá.
Đông khai, vừa ra tù về tội Cướp tài sản hồi cuối tháng Tư. Do không có việc làm nên đối tượng mua súng của một người khác ở cùng địa phương để đi cướp.
Để làm rõ trách nhiệm pháp lý xung quanh vụ việc, báo Người Đưa Tin xin dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thị Tuyến – Giám đốc công ty Luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội.
Hành vi của đối tượng Lê Thanh Điền và Trần Thái Đông thể hiện sự liều lĩnh, táo tợn cũng như manh động, coi thường pháp luật khi sẵn sàng dùng vũ khí chống trả sự truy đuổi của lực lượng chức năng. Trong vụ việc trên, để xác định tội danh của Điền và Đông, trước hết cần làm rõ hành vi khách quan của 2 đối tượng.
Đối với hành vi cướp 3 con gà đá của thanh niên đang đứng đón xe đò, cần làm rõ Đông và Điền có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực (dùng súng đe dọa bắn, giết…) nhằm mục đích triệt tiêu sự kháng cự của người bị hại nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của họ hay không?
Trong trường hợp Điền và Đông sử dụng súng nhằm đe dọa người bị hại nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì đã có cơ sở xác định dấu hiệu pháp lý của tội Cướp tài sản theo quy định tại Điều 133, Bộ luật Hình sự. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, mức hình phạt cao nhất đối với tội danh này từ 18 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, tùy từng trường hợp người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.
Trường hợp, 2 đối tượng không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực mà chỉ có hành vi lợi dụng sơ hở của thanh niên đang có 3 con gà đá để rồi nhanh chóng giật lấy tài sản và tẩu thoát bằng xe máy khiến người bị hại không có khả năng giữ hay giằng lại được tài sản của mình đang quản lý thì không cấu thành tội Cướp tài sản.
Đối với hành vi nêu trên theo quy định BLHS có dấu hiệu pháp lý tội Cướp giật tài sản được quy định tại Điều 136, Bộ luật Hình sự. Mức hình phạt cao nhất đối với tội danh này là từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Đối với 2 tội danh nêu trên do Bộ luật Hình sự không quy định về giá trị tài sản nên tài sản mà người phạm tội chiếm đoạt được từ chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản, dù có giá trị nhỏ vẫn được được xem căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi người phạm tội đã thực hiện.
Ngoài ra, theo quy định Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì súng ngắn được xem là vũ khí quân dụng. Với hành vi sử dụng vũ khí quân dụng Đông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo quy định tại Điều 230, Bộ luật Hình sự.
Mức hình phạt cao nhất đối với tội danh này lên tới tù chung thân. Đối với người đã bán khẩu súng cho Đông sẽ bị xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Mua bán trái phép vũ khí quân dụng theo quy định tại Điều 230, Bộ luật Hình sự.
Ls.Nguyễn Thị Luyến