“Nhảm nhí và thô tục quá, chắc họ diễn vì tiền chứ không phải vì nghệ thuật”. Đó là dòng bình luận đầu tiên đập vào mắt tôi dưới một đoạn phim quảng cáo hài Tết. Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà người này sử dụng dấu chấm thay vì dấu hỏi hoặc dấu chấm than để kết thúc phần nhận xét của mình.
Những năm gần đây, sự xuất hiện liên tục của những cảnh quay thân mật, khoe da thịt hay việc mang những câu chuyện, bộ phận nhạy cảm ra làm trò đùa; rồi gây cười cơ học thông qua tạo hình xấu xí, thậm chí mang dị tật của diễn viên trong các dự án hài Tết khiến không ít khản giả bức xúc.
Từng xem hài Tết “thụ động” trong một chuyến xe khách đường dài, tôi đã được rửa mắt bởi hàng loạt cảnh quay không phù hợp với trẻ nhỏ và người hay xấu hổ. Có cảm giác như các đạo diễn sợ người xem bị cận thị, loạn thị nên cứ phải căn chỉnh góc máy sao cho lột tả được sự “đồ sộ”, độ “rung chuyển” theo cảm xúc của các hotgirl có mẫu số chung là “mông to, ngực khủng”.
Và dường như, bên cạnh việc tiết lộ thời gian quay gấp rút, kịch bản cũ rích và chèn các đoạn quảng cáo vô cùng lộ liễu, đoàn làm phim còn... tiết kiệm tối đa vải may trang phục cho các diễn viên nữ để nhấn mạnh về mức kinh phí mà họ bỏ ra cho “siêu phẩm” của mình.
Giải thích về cảnh xé áo, cưỡng bức bị chỉ trích dữ dội trong trailer Tỷ phú đè đại gia, nghệ sĩ Quang Tèo cho biết, khi trailer tung ra, anh đã nói đạo diện hạ xuống bởi nếu chỉ cắt một cảnh thì khán giả sẽ thấy phản cảm. Đồng thời, đạo diễn quyết định đưa cảnh này vào phim nhằm phê phán các vấn đề xã hội, những vị đại gia cậy quyền, cậy tiền để làm việc xấu.
Lời giải thích này, mới nghe thì có vẻ xuôi tai, nhưng lại trở nên vô cùng sống sượng khi đặt cạnh lời giới thiệu đầy tự hào về “Cảnh phim sexy nhất” xuất hiện trong trailer – thường là đoạn phim hội tụ những cảnh quay tâm đắc nhất của ê-kip.
Khi chấp nhận đóng vai diễn phản cảm, dù là người mẫu vô danh hay các nghệ sĩ gạo cội cũng không tránh khỏi cái nhìn đầy áp đặt của khán giả dành cho chính nhân vật của mình. Họ gần như bị “đóng khung” trong hình tượng lẳng lơ, háo sắc... và hơn thế, bị quy tội tiêm nhiễm những lời thoại tục tĩu, cử chỉ thô thiển vào đầu các em nhỏ.
Thời gian sẽ giúp họ thấy cái giá ấy là đắt hay rẻ. Còn bây giờ, hầu hết các phim hài Tết đều đạt lượng xem khủng sau khi chia sẻ trên mạng xã hội. Những con số 8, 9 triệu lượt xem video hiển nhiên không từ trên trời rơi xuống và chứng minh sự quay lưng của khán giả hay các nhà tài trợ với các cảnh nóng, gây sốc.
Người ta thường nói nghệ thuật phản ánh và tái tạo đời sống thông qua lăng kính chủ quan của tác giả. Vậy lý do gì đã khiến các đạo diễn chấp nhận gắn liền tên tuổi với các phim hài ngập tràn cảnh khoe thân. Là lăng kính chủ quan của anh ta sẵn méo mó, hay anh ta cố tình bóp méo lăng kính đó để phục vụ một bộ phận khán giả - nhân tố quyết định lượng tiền rót vào túi anh ta? Bởi nếu coi hài Tết là một món ăn, thì các đạo diễn không thể nấu rồi tự ngửi!
Có lẽ ranh giới giữa hài hước và dung tục vốn rất mong manh. Như một bức ảnh nude là nghệ thuật trong mắt người này và mang tính khiêu dâm ở cảm quan của người khác. Hay như phản ứng trái ngược của các bậc phụ huynh, người bật cười thích thú, người nhăn mày suy tư khi thấy con “nhại” lời thoại: "Xóm Đình có mỗi em Hồng. Trông thì khỏe mạnh, nhưng mông không tròn", "Con chim là phải có lông. Làm người là phải có chồng mới vui"...
Bạn tôi thích làm thơ. Anh sắm vài quyển sổ để tiện “biên thơ”, trong đó dày đặc các sáng tác đủ loại thất ngôn, lục bát... Lúc rảnh, anh vẫn giở sổ ra để ngắm nghía, chụp ảnh post lên Facebook hoặc đọc cho bạn bè nghe với mục đích “vui là chính”. Nhưng các nhà sản xuất phim, đặc biệt là các phim hài thì không thể làm thơ rồi để đấy như anh bạn tôi được.
Vì suy cho cùng, tất cả các thành viên của đoàn làm phim đều cần tiền để sống.
Ngân Hà
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả