Chuyển đổi xanh
Trong những năm gần đây, khái niệm "du lịch xanh" đã trở nên quen thuộc và được xem là giải pháp hữu hiệu để đưa du lịch Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển mạnh và bền vững trong tương lai. Đây không chỉ là xu hướng tất yếu của ngành du lịch thế giới mà còn là hướng đi vô cùng quan trọng với Việt Nam.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, PGS.TS Dương Văn Sáu - Nguyên trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học văn hóa Hà Nội cho rằng: "Phát triển du lịch xanh chính là con đường để chúng ta có thể đạt được mục tiêu bền vững. Việt Nam không còn là điểm đến mới nổi nữa mà hiện là một quốc gia phát triển du lịch có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực."
Thực tế, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Mọi sự thay đổi của xã hội, của tự nhiên đều tác động đến hoạt động du lịch. Ở Việt Nam, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sự suy thoái của môi trường đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành này.
Do đó, Việt Nam đã từng bước triển khai mô hình du lịch xanh - loại hình du lịch dựa trên khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường sống của con người. Bên cạnh đó, phát triển du lịch xanh còn giúp Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo sự khác biệt trên thị trường du lịch khu vực và quốc tế.
PGS.TS Dương Văn Sáu nhấn mạnh: "Để tiếp tục các lợi ích du lịch mang lại, Việt Nam cần phải duy trì tốt năng lực cạnh tranh này, đạt được sự bền vững, tiếp tục củng cố các tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển du lịch xanh sẽ giúp Việt Nam tạo ra những trải nghiệm chất lượng cao và bền vững cho du khách."
Hiện nay, du lịch xanh đang được nhiều địa phương thực hiện với nhiều mô hình hiệu quả. Điển hình như huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) khuyến cáo người dân và du khách không mang đồ dùng nhựa ra đảo.
Tỉnh Quảng Nam ban hành nhiều chính sách phát triển bền vững như "Xây dựng thành phố Hội An - Thành phố sinh thái"; triển khai dự án "Nâng cao nhận thức đối với chất thải rắn.
Tỉnh Ninh Bình xây dựng nhiều sản phẩm du lịch xanh, hướng đến trải nghiệm thiên nhiên...
Các đơn vị làm du lịch, dịch vụ cũng đang thực hiện quyết liệt, xây dựng nhiều tour, tuyến gắn với du lịch xanh.
"Công ty chúng tôi đã định hướng từ những năm trước khi du lịch có xu thế chuyển dịch sang du lịch xanh như thiết kế chương trình, sản phẩm và trải nghiệm có tính gắn với những yếu tố liên quan đến bền vững.
Xanh ở đây không đơn thuần chỉ là màu xanh mà còn liên quan đến sự tái tạo lại nguồn tài nguyên và điểm đến đó. Chính vì thế chúng tôi đã bắt đầu gia tăng cơ cấu sản phẩm có yếu tố trải nghiệm mang tính trách nhiệm với cộng đồng, trách nhiệm với xã hội", bà Vũ Thị Thùy Linh - Giám đốc Công ty TNHH VP Travel chia sẻ.
Câu chuyện cạnh tranh
Mặc dù chuyển đổi du lịch xanh đã có sự chuyển biến tích cực song theo các chuyên gia chuyển đổi xanh cũng đang gặp phải rất nhiều thách thức.
TS. Nguyễn Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho hay, có hai thách thức lớn nhất đó là thay đổi nhận thức để làm sao chuyển thành hành vi của tất cả các bên liên quan trong hệ sinh thái du lịch.
Bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và trực tiếp phục vụ con người, nên việc biến từ nhận thức thành hành vi ứng xử cho đến sản phẩm, rồi sự chuyển động của tất cả các ngành, lĩnh vực và các bên liên quan, như: Doanh nghiệp, khách du lịch, người dân, đặc biệt là người dân ở các điểm đến, các cộng đồng…
Thách thức thứ hai, theo Tiến sĩ Thành bắt đầu từ câu chuyện cạnh tranh. Xanh không còn chỉ là cam kết, là chiến lược, là hành động có tính quốc gia mà quan trọng hơn, nó là đòi hỏi của chính thị trường, của con người với lối sống mới, cách tiêu dùng mới.
Nếu không sớm bắt nhịp thì năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam với du lịch các nước sẽ có những khoảng cách lớn hơn, nhất là với những nước có nền du lịch hấp dẫn trong khu vực.
Tiến sĩ Thành cũng cho biết, trong du lịch, quá trình phát triển du lịch xanh vừa có thách thức nhưng lại vừa thuận lợi. Bởi đây là tương tác trực tiếp với con người. Từng hành vi nhỏ, từng thay đổi nhỏ có thể không tốn kém, mà vẫn làm thay đổi hoàn toàn cách thức kinh doanh, cảm nhận, chấp nhận của khách hàng. Qua đó góp phần thuận lợi cho cạnh tranh của doanh nghiệp, và đằng sau đó là câu chuyện phát triển bền vững.
"Tôi chỉ lấy một ví dụ nhỏ là vấn đề xử lý rác thải. Nếu chúng ta có ý thức thì việc này không quá tốn kém, mà lại tạo ra hình ảnh và ý nghĩa đóng góp vô cùng lớn. Chính đóng góp đó cùng với quá trình kinh doanh, lại tạo ra nguồn lực và nguồn lực này góp phần vào chuyển đổi xanh. Hay nói cách khác, chuyển đổi xanh và hiệu quả kinh doanh đã thay đổi, không còn là câu chuyện đánh đổi được - mất, mà bây giờ ngày càng hòa làm một", vị Tiến sĩ nói.
Để tiếp tục thúc đẩy, tạo đà cho ngành du lịch phát triển xanh, bền vững, PGS.TS Dương Văn Sáu cho rằng cần phải có sự chung sức của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người dân.
“Các địa phương, đơn vị cần có hành động cụ thể hơn, quy hoạch các khu vực cho phát triển du lịch, đầu tư hạ tầng, thiết bị để giảm thiểu những hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc tuyên truyền cho người dân cần phải chuyển từ nhận thức sang hành động, ứng xử đúng mực tài nguyên văn hóa, di sản”, Nguyên trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học văn hóa Hà Nội chia sẻ.
Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, bà Vũ Thị Thùy Linh cho biết, các đơn vị có thể xây dựng, phát triển những dòng sản phẩm du lịch xanh như tour du lịch nhặt rác, tour trải nghiệm các hoạt động ngoài trời gắn với bảo vệ thiên nhiên....
"Bản thân đơn vị khi tổ chức tour cần hướng dẫn, nhắc nhở du khách không xả rác, hạn chế sử dụng những chai nước nhựa dùng một lần", bà Linh bày tỏ.
Với xu hướng phát triển chung của thế giới hướng đến phát triển bền vững, ngành Du lịch đang nỗ lực vận động, tuyên truyền các địa phương, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh. Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đề nghị, các địa phương, doanh nghiệp cần có sự liên kết để cùng thực hiện các tiêu chí của du lịch xanh, đưa các giải pháp về công nghệ, vật liệu thân thiện để xây dựng sản phẩm du lịch xanh hiệu quả và hấp dẫn.