Hai máy bay phản lực tuần tra P-8A Poseidon rời Jacksonville, Florida từ 29/11 và bay đến căn cứ không quân Kadena ở Okinawa.
Một quan chức hải quân trao đổi với AFP, cho biết đây là một động thái đã được lên kế hoạch trước khi Bắc Kinh tuyên bố vùng nhận diện phòng không bao gồm quần đảo tranh chấp ở Biển Đông Trung Quốc hồi cuối tháng 11.
Máy bay phản lực tuần tra P-8A của Mỹ tới Nhật Bản ngày 1/12.
Vị quan chức giấu tên nhận định “Sự việc này đã được lên kế hoạch từ lâu. Việc triển khai P-8A là quá trình luân phiên của hải quân Mỹ”.
Cũng theo các quan chức, 4 chiếc P-8A Poseidon nữa sẽ được triển khai tại Okinawa vào cuối tháng 12 này.
Việc chuyển giao cho Nhật Bản đánh dấu sứ mệnh đầu tiên của “hải thần” P-8A mới, là sự thay thế cho máy bay cánh quạt P-3 Orion hoạt động từ năm 1960.
Những “sát thủ săn ngầm” P-8A được trang bị radar hiện đại cùng tên lửa chống tàu, là công cụ để phát hiện và khống chế các tàu ngầm, tàu nổi trong khu vực kiểm soát của Hải quân Mỹ.
Ngày 23/11, Trung Quốc công bố vùng nhận diện phòng không mở rộng trên quần đảo tranh chấp ở Biển Đông và cho biết máy bay sẽ phải nộp kế hoạch bay trước khi đi vào khu vực.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ đã lần lượt cho máy bay vào vùng ADIZ đó mà không báo trước với Trung Quốc, cho thấy tín hiệu phản đối lời tuyên bố của Bắc Kinh.
Đại tá Steven Warren, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết: “Trung Quốc không có phản ứng gì trước những động thái của chúng tôi. Chúng tôi vẫn cho máy bay hoạt động bình thường mà không thông báo trước”.
Hai chiếc P-8A đến Okinawa 1 ngày trước khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm Tokyo, Nhật Bản. Đây là hành động chấn an các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc của Mỹ trong tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa Đông.
Ngoài ra, qua đây Mỹ cũng thể hiện “mối quan tâm” của mình tới vùng ADIZ do Trung Quốc đơn phương thành lập trên vùng biển Hoa Đông.
Căng thẳng Trung - Nhật hiện đang leo thang ở vùng biển tranh chấp, nơi có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Dù không có chủ quyền chính thức trong khu vực tranh chấp, nhưng Mỹ cho biết họ sẽ tôn trọng hiệp ước quân sự với Nhật Bản trong trường hợp xảy ra xung đột. Mỹ công nhận quyền kiểm soát hành chính của Nhật Bản tại đây, đồng thời tuyên bố hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Nhật có hiệu lực tại khu vực này.
Thùy Ngân