Ngay sau khi hình ảnh được lan truyền rộng rãi, nhiều cư dân mạng lên tiếng phản đối cách làm này của giáo viên trường mầm non B Trực Đại. Bạn Minh Nguyễn bức xúc: “Không thể tưởng tượng nổi việc này xảy ra tại trường mầm non. Lỡ bé chết vì nghẹt thở thì ai chịu trách nhiệm? Độc ác quá!”.
“Dù cháu có làm gì sai, cô giáo cũng không được đối xử vô cảm, vô giáo dục như vậy”, bạn Ngô Phong chia sẻ.
Nhìn thấy hình ảnh của bé trai 4 tuổi bị buộc ở cửa sổ, Nguyễn Lan bình luận: “Bức xúc nhỉ? Nhìn mà thương, ai nỡ ra tay như vậy với một đứa trẻ, buồn thật. Không chăm được thì đừng nhận. Giáo viên phải để hai từ đạo đức lên đầu”.
Ngay khi hình ảnh bé trai 4 tuổi bị nhốt vào phòng, buộc dây vào người treo lên cửa sổ được báo chí thông tin, chiều 29/11, sở GD&ĐT Nam Định, phòng GD&ĐT Trực Ninh và Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh đã kịp thời xuống trường làm rõ. Sự việc cô giáo buộc dây vào áo cháu bé và cột vào cửa sổ là có thật.
Theo báo cáo của phòng GD&ĐT huyện Trực Ninh, cháu nhỏ bị rối loạn phổ tự kỷ, câm, điếc, tăng động – có chứng nhận của bệnh viện Nhi Trung ương về bệnh này.
Được biết, cháu bé 4 tuổi sinh ra và lớn lên trong gia đình rất hoàn cảnh, bố mất sớm vì nghiện hút, mẹ bị tâm thần đã bỏ đi. Cháu ở với bà 60 tuổi. Không có điều kiện cho cháu học trường chuyên biệt về tự kỷ, bà nội cháu đã nhờ các cô giáo trông giúp. Vì tình làng nghĩa xóm, giáo viên nhận trông bé.
Bản kiểm điểm của giáo viên cho rằng nhiều buổi trưa, cháu bé bỏ cơm, chạy nhảy, không ngủ mà quậy phá và cắn bạn. Hình ảnh chụp cháu bé bị buộc vào cửa sổ là ở phòng trống cạnh lớp học, có mở cửa, trước giờ nghỉ trưa.
Cũng theo báo cáo của phòng GD&ĐT Trực Ninh, hành động của 2 cô giáo là sai, nhưng cô không có ác ý gì ngoài sự đảm bảo an toàn cho bản thân cháu bé và các trẻ trong lớp.
Trước thông tin đó, nhiều cư dân mạng vẫn phẫn nộ với cách làm của giáo viên dành cho bé nhất là đối với trường hợp bé tự kỷ.
Tài khoản Phạm Trung cho rằng: “Làm kiểu này với một cháu bé mà lại bé tự kỷ quá tàn nhẫn. Nếu cháu có một tý tăng động, sợi dây thít chặt lại tính mạng cháu sẽ bị đe doạ”.
“Liên tiếp những sự việc liên quan đến giáo dục. Tôi biết áp lực của thầy cô là không nhỏ tuy nhiên khi đã chọn nghề tôi nghĩ cô nên có trách nhiệm hơn, kỹ năng sư phạm tốt hơn”, một cư dân mạng viết.
Anh Phan Lê cũng cho rằng: “Dẫu biết nghề giáo rất khó vì là nghề dạy dỗ cả thế hệ. Nhưng là giáo viên thì trách nhiệm, nghĩa vụ đối với việc chăm lo, dạy dỗ trẻ phải cao. Bên cạnh đó, kiến thức phải được học tập và kỹ năng giáo dục phải có. Không vì trẻ bị bệnh tật mà đổ lỗi ở trẻ được”.
Bên cạnh những phẫn nộ, bức xức đối với giáo viên buộc bé trai vào cửa sổ, nhiều cư dân mạng lại cảm thông với những khó khăn của giáo viên.
Tài khoản Nguyễn Lê viết: “Mọi người hãy thông cảm cho giáo viên có trẻ tự kỷ. Trường tôi có cháu trai học lớp 2 bị tự kỷ mới chuyển về, trong giờ học cháu muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi, có hôm bỏ ra ngoài lấy dùi đánh trống tùng tùng làm cả trường giật mình.
Trước đây ở trường khác, cháu đã từng dùng thước đánh vào mặt bạn chảy máu, may là trúng đuôi chân mày chứ trúng vào mắt thì nguy. Trong khi đó, giáo viên còn phải dạy các bạn khác chứ không phải chỉ trông nom mình cháu, cha mẹ cháu cũng gặp thầy cô mong thầy cô thông cảm hoài”.
Tài khoản Nguyễn Phương cho rằng: “Nếu trường này không nhận thì trường nào nhận? Bạn biết rằng rất khó khăn để tìm được trường cho trẻ khuyết tật không? Rất thương cháu bé và gia đình nhưng nên thông cảm cho cô giáo”.
Cùng quan điểm với Nguyễn Phương, tài khoản Trương Quang Huy cho rằng: “Nếu trường không nhận đứa trẻ đó thì nó sẽ được gửi ở đâu. Nên nhớ đây là tuyến huyện, thường sẽ không có nhà trẻ chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật”.
Bạn Quỳnh Anh cũng cho rằng: “Lẽ ra với bệnh tình của cháu bé nên được học tập ở trường dành cho trẻ khuyết tật. Nhưng vì điều kiện của địa phương, gia đình nên mới phải dạy chung với trẻ bình thường như thế. Thiết nghĩ khi phán xét cô giáo hãy đặt mình vào vị trí của các cô, vì sự an toàn của tất các cháu (kể cả cháu bị tự kỷ)... mà có cái nhìn độ lượng hơn”.
“Tưởng tượng nếu mình trông coi 1 trẻ như thế này sẽ vất vả thế nào, huống chi cô còn phải trông coi, dạy dỗ nhiều trẻ, lo đủ mọi chuyện cho các cháu. Không giáo viên nào muốn "ôm" những trường hợp học sinh cá biệt thế này, tôi rất thông cảm với cô giáo vì ai cũng muốn chọn việc nhẹ nhàng nhưng cô lại ôm việc gian khổ...”, bạn Nguyễn Lâm cho hay.
>>>Xem thêm: Giáo viên thừa nhận đã lấy dây buộc vào người trẻ 4 tuổi rồi treo lên cửa sổ
Phong Linh