Dãi nắng, chạy mưa, đuổi mây và tự lập kỷ lục
Hàng ngày, các tin tức về các vụ án mạng với phương thức ra tay tàn bạo với lời khai dửng dưng của không ít hung thủ chưa đủ 18 tuổi chỉ vì cần tiền mua quà cho bạn gái, vì thiếu tiền đi chơi của 9x đã làm không ít người đau lòng.
Trái ngược với lối sống ăn chơi, hưởng thụ của không ít 9x, những bạn trẻ đạp xe xuyên Việt mà tôi gặp lại có những nỗ lực phi thường và một sự dũng cảm, cùng một chút phiêu lưu của tuổi trẻ với những suy ngẫm, trải nghiệm đầy thú vị, làm nhiều người bất ngờ.
Khoảnh khắc cả đoàn "chiếm lĩnh" đèo Hải Vân.
Tiếp xúc với Đỗ Duy Khánh (khoa Xã hội học, Trường ĐH KHXH và Nhân Văn Hà Nội), một thành viên của nhóm đạp xe xuyên Việt trong câu lạc bộ sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh, thực sự khiến tôi cảm phục. Nước da đen xạm có thể làm cho vẻ đẹp trai của chàng sinh viên ngành xã hội bị "mai một" đi ít nhiều.
Ít ai biết rằng, Khánh cùng với 89 thành viên khác trong nhóm tình nguyện vừa hoàn thành chuyến đi xuyên Việt kéo dài 35 ngày bằng những chiếc xe đạp mà hàng ngày họ đi học, đi làm để kiếm tiền với sinh sống. Đặc biệt, chuyến đi xuyên Việt chỉ được gói gọn trong kinh phí 2 triệu đồng/thành viên và ba lô đựng đồ cá nhân, nước uống, dụng cụ vá xe đạp...
Hành trình xuyên Việt được lập với lộ trình từ Hà Nội đến Kiên Giang. Những bạn trẻ ở khắp các trường Đại học, Cao đẳng có thể đăng ký cùng tham gia chuyến đi thử thách bản thân và trải nghiệm các cung đường đọc dải đất hình chữ S.
Theo chia sẻ của Nguyễn Thanh Tâm, sinh viên năm 3 trường ĐH Xây dựng Hà Nội: "Chiếc xe cuốc màu đen tôi sắm bằng tiền học bổng, còn Khánh mượn chiếc xe cuốc xanh từ một người bạn để thực hiện "chuyến đi táo bạo". Trước khi bước vào chuyến đi "dã chiến", các thành viên trong đội đều phải tập luyện trước 2 tháng, qua 2 đợt kiểm tra thể lực và nhiều chuyến thực tế tình nguyện tại địa bàn các tỉnh phía Bắc để rèn luyện sức khỏe và tinh thần kết nối các thành viên.
Theo lời các thành viên của nhóm chia sẻ, hình ảnh ấn tượng, kỳ thú nhất trong chuyến đi này là cảm giác được biết thế nào là dãi nắng, dầm mưa, đuổi mây trong quãng đường hơn 10km ở đèo Hải Vân. Những đám mây lơ lửng, bay là là trên đầu và tan dần về phía biển. Hình ảnh giữa một bên biển Lăng Cô thơ mộng, một bên là dãy Bạch Mã hùng vĩ, một bên là Huế thơ mộng và một bên là Đà Nẵng trẻ trung là những điều kỳ thú mà họ được trực tiếp trải nghiệm ở đây.
Sau những phút lãng đãng, chuyến đi bắt đầu gặp phải khó khăn. Dù đã được cảnh báo về những đoạn đèo nguy hiểm nhưng phải đến lúc đổ đèo Cù Mông (ranh giới tự nhiên giữa Bình Định và Phú Yên), các thành viên mới thấy thật sự choáng trước mức độ nguy hiểm của đoạn đường cùng với những chiếc xe contener nườm nượp đi lại.
Để đảm bảo sự an toàn, trước khi vào mỗi khúc cua tay áo, người đội trưởng sẽ đi trước để đảm bảo ra hiệu cho các thành viên đi vào làn đường an toàn... Tuy nhiên, xe của một thành viên trong đoàn khi đổ đèo đã bị đứt dây phanh, hai má phanh văng mất. Trong tình huống đó, các tình nguyện viên biến thành thợ sửa xe bất đắc dĩ.
Kết thúc hành trình xuyên Việt, cả nhóm an toàn lên tàu quay về Hà Nội chuẩn bị trở lại giảng đường nhưng Đỗ Duy Khánh và Trần Thanh Tâm lại tự lên kế hoạch và đặt mục tiêu quay trở lại Hà Nội trong khoảng thời gian 7 ngày.
Hai chàng trai lên kế hoạch là sẽ đạp xe quay lại Hà Nội, mục tiêu được đặt ra là trong vòng 7 ngày đến đúng ngày 22/8, họ sẽ có mặt ở Hà Nội. Họ tự đặt chỉ tiêu mỗi ngày đạp được từ 250 - 300km.
"Nhiều hôm trời nắng, lịch trình không đảm bảo, tôi và Tâm quyết tâm phải dậy từ 4h sáng để đi. Lúc đó tôi hiểu chỉ cần quyết tâm thì không gì là không thể" - Khánh cho biết.
"Lớn lên" qua những chuyến đi
Theo chia sẻ của nhóm đạp xe xuyên Việt, họ muốn một lần được nhìn toàn vẹn quê hương, đất nước, được thử thách bản thân. Tuy nhiên, 35 ngày lăn lộn dọc chiều dài đất nước, chuyến đi đã cho họ biết và hiểu hơn về những cảnh đời, số phận mà chắc chắn không thể tìm thấy trong sách vở và trên giảng đường.
Khi đoàn đến xin nghỉ tại chùa Long Phước, TP. Tân An, Long An, những câu chuyện của trụ trì về những đứa trẻ mồ côi, bị lây nhiễm HIV từ bố mẹ khiến họ phải suy ngẫm nhiều hơn. Theo lời sư thầy, thỉnh thoảng buổi sáng thức dậy, một đứa trẻ vẫn còn quấn tã đỏ hỏn được đặt trước cửa chùa.
Lúc đầu, cha mẹ chúng còn ngại ngùng viết vài dòng để lại bên đứa trẻ nhưng sau đó, nhiều người mẹ trực tiếp đến gặp người nhà chùa kể sự tình và nhờ chùa nuôi giúp đứa con. Dần dà, ngôi chùa thành trại trẻ lúc nào không hay. 40 đứa trẻ với ánh mắt thơ ngây, vui đùa dù trong cơ thể nhiều em đang mang căn bệnh thế kỷ.
Đặc biệt, nơi để lại cho họ sự trăn trở khôn nguôi là "ngôi làng Dioxin". Vẫn nguyên một niềm đau đáu, Khánh chia sẻ: "Nỗi đau khôn cùng, dai dẳng của chiến tranh vẫn hiện hữu trong từng mảnh đời, từng cơ thể người dân ở nơi đây. Ngôi làng này nằm cách huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) 30km.
Ở đây, chúng tôi được tận mắt chứng kiến nỗi đau dai dẳng, đeo bám của chiến tranh. Trong làng này, cứ 10 cặp vợ chồng sinh con thì có đến 8 cặp sinh con bị quái thai, dị dạng hoặc có di chứng làm ảnh hưởng thần kinh. Có những anh chị nay đã ngoài 30 tuổi nhưng hình hài không khác gì một đứa trẻ vị thành niên. Ai trong đoàn cũng bật khóc khi đến nhà các cô chú cựu chiến binh trong làng. Ăn, ngủ tất cả chỉ trong một chiếc cũi...
Nhưng khi họ kể về chiến dịch Khe Sanh, những trận đánh trong kháng chiến chống Mỹ với một niềm tự hào và tinh thần dũng cảm thì dường như mọi nỗi đau trên cơ thể họ tan biến. Đó là thứ mà không sách vở, không lời kể nào có thể làm được", Khánh tâm sự.
Dù rất tự hào về những gì đã làm được, cơ hội được sống một cuộc sống rất khác thường ngày nhưng Khánh cũng thẳng thắn cho rằng, một sự chuẩn bị, lên kế hoạch kỹ lưỡng và đảm bảo an toàn tuyệt đối không bao giờ thừa với ai có ý định muốn đi xuyên Việt.
"Chắc chắn sau mỗi chuyến đi chúng ta sẽ lớn lên", chàng sinh viên Xã hội học khẳng định.
Đỗ Thơm