Trong dàn diễn viên trẻ, cái tên Hải Triều được ví như “làn gió lạ” của làng điện ảnh Việt. Anh chàng ghi dấu ấn qua những vai diễn giả gái với tính cách đanh đá, chua ngoa nhưng vô cùng hài hước. Sau thành công của vai diễn đồng tính trong Lô tô, Hải Triều tái ngộ khán giả trong bộ phim nói về nạn ấu dâm, với tựa đề S.O.S Sói trắng.
Ban đầu, tôi cũng gặp một chút trục trặc khi nhận lời tham gia bộ phim S.O.S Sói trắng. Theo như kịch bản đầu tiên của đạo diễn Lê Hoàng, vai diễn của tôi là nữ, 1 trong 3 đứa con gái chơi thân với nhau. Với kịch bản này, phía nhà sản xuất khi ấy cũng muốn tôi giả gái, tuy nhiên tôi không đồng ý vì phim Lô tô vừa giả gái rồi, giờ lại tiếp tục thì hơi kỳ. Trước đó, đạo diễn Lê Hoàng đã xem ảnh tôi giả gái, thế nên lần đầu tiên gặp, bác vô cùng ngỡ ngàng, hụt hẫng vì tôi ngoài đời khác hoàn toàn với trong hình.
Sau đó, tôi cũng trao đổi với phía nhà sản xuất mong muốn của mình, rằng trong phim S.O.S Sói trắng đừng nhắc gì đến giới tính mà hãy để vai diễn đó được tự nhiên và công chúng sẽ là người cảm nhận, đánh giá. Người đại diện nhà sản xuất cũng đồng ý và đã thuyết phục đạo diễn Lê Hoàng viết lại vai diễn của tôi.
Nhân vật của tôi trong phim S.O.S Sói trắng là một người đã từng bị lạm dụng. Tuy vậy, tôi là một trong ít người đã vượt qua chấn động tâm lý để sống và làm việc cho đàng hoàng như một người bình thường. Nhưng, khi chứng kiến sự việc tương tự xảy ra với người khác, bỗng chốc, mọi chuyện trong quá khứ lại ập đến khiến tâm lý của tôi thay đổi. Tôi thấy sợ hãi, ám ảnh khi nhớ lại quãng thời gian đó. Đa phần những phân cảnh của tôi đều thiên về thể hiện nội tâm.
Trong quá trình quay phim, có một cảnh khiến tôi thấy ám ảnh nhất. Đó chính là phân cảnh vào bệnh viện thăm em của bạn thân bị ấu dâm. Bỗng dưng, tôi cảm thấy xót xa, đau lòng rồi tự hỏi, trời ơi, tại sao lại có thể xảy ra chuyện như vậy?
Quyết định tham gia bộ phim này, tôi mong góp phần vào tiếng nói chung để cảnh báo vấn nạn đang gây nhức nhối xã hội - nạn ấu dâm. Qua đó, mong các bậc làm cha mẹ đừng lơ đãng mà dành nhiều thời gian quan tâm đến các con. Mọi người cần ý thức được việc dạy bảo con cái rất quan trọng, để khi lớn lên các em không bị tác động, ảnh hưởng bởi những hành vi xấu.
Tôi cũng từng tham gia một cuộc hội thảo về việc đưa ra phương án dạy những vấn đề nhạy cảm cho các bé từ nhỏ. Và tôi đã đặt câu hỏi, tại sao không có những cuốn sách hay phương tiện gần gũi để gửi đến các bậc phụ huynh, bởi nhiều khi con cái hỏi, bố mẹ còn ngại không muốn đề cập. Thực tế, có những điều bố mẹ nói không bằng thầy cô và ngược lại, thế nên, sự kết hợp song song sẽ hiệu quả hơn. Hơn bao giờ hết, các bậc phụ huynh phải tìm hiểu những phương thức phù hợp với từng độ tuổi để truyền đạt cho các bé hiểu vấn đề để bảo vệ những mầm non tương lai của đất nước.
Hà Linh