Hai trùm cự phú thuộc tứ đại gia đất Sài Gòn

Hai trùm cự phú thuộc tứ đại gia đất Sài Gòn

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Tam Xường (Lý Tường Quan), Tứ Định (Trần Hữu Định) là hai người xếp vị trí thứ 3, thứ 4 trong tứ đại gia đất Sài Gòn. Cả hai người đều có khối tài sản khổng lồ nhờ các hoạt động kinh doanh buôn bán và làm đầu mối cung cấp độc quyền các mặt hàng khan hiếm.

Trong những đại phú gia đất Sài Gòn năm xưa, Tam Xường và Tứ Định là hai nhân vật nổi tiếng về giàu có đất Nam Kỳ. Hai ông trùm về tiền của này có nhiều điểm khác nhau, nhưng có một điểm chung là đều vận dụng thời cơ để tạo nên sự giàu có cho mình. Những giai thoại về khối tài sản giàu kếch xù của hai cự phú này vẫn được truyền tụng cho tới ngày nay và ngay cả ông Phạm Văn Thiều (73 tuổi, ngụ quận 9, TP.HCM) người nhiều năm nghiên cứu lịch sử Sài Gòn cũng xác nhận những điều trên.

Xã hội - Hai trùm cự phú thuộc tứ đại gia đất Sài Gòn

Khu đền thờ Bá hộ Xường

Tam Xường oai thấu trời xanh

Học giả Vương Hồng Sển trong cuốn Sài Gòn năm xưa có nhắc tới Bá hộ Xường như sau: "Tam Xường - Tục danh "Hộ Xường", tên thật là Tường Quan, tự "Phước Trai", gốc người Minh Hương”. Theo ông Phạm Văn Thiều thì cho đến nay, cuộc đời và sự nghiệp của Bá hộ Xường có rất ít sách vở còn ghi chép lại. Bởi vậy, gốc gác cũng như sự giàu có của Bá hộ Xường chủ yếu còn lưu lại trong những giai thoại mà thôi. Người ta chỉ biết Lý Tường Quan là người Minh Hương, tức là những người Hoa kiều trung thành với nhà Minh, không chịu khuất phục nhà Thanh nên đến lánh nạn ở miền Nam nước ta.

Một số sách xưa có chép lại rằng: "Ông theo đạo Công giáo và gia nhập Việt tịch với tên thường gọi là Xường. Ông Xường được theo học trường thông ngôn nên thông thạo tiếng Pháp và tiếng Hoa, được dân tin tưởng và chính quyền Pháp ở Sài Gòn trọng dụng. Chính vì vậy, Bá hộ Xường làm thông ngôn, vừa có tiền lại có danh phận. Sự giàu có của cự phú Tam Xường lúc này vẫn chưa đạt đến đỉnh mà số tài sản khổng lồ của ông được nhiều người biết đến là được tạo dựng bằng mối quan hệ và đầu óc của ông sau này”.

Câu chuyện về sự giàu có của Lý Tường Quan được truyền tụng với nhiều giai thoại ly kỳ cho đến ngày nay. Một câu chuyện về Bá hộ Xường lưu truyền trong dân gian là việc ông từ bỏ quan trường để tham gia vào lĩnh vực kinh doanh. Chuyện kể rằng: "Lúc 30 tuổi, Bá hộ Xường từ bỏ địa vị mà nhiều người mơ cũng không có được, để bước chân vào thương trường. Nhận thấy thời cơ đã đến, với uy tín và sự tin tưởng của dân chúng và giới quan chức Pháp lúc bấy giờ, ông đã đầu tư vào kinh doanh. Lĩnh vực kinh doanh mà ông nhắm đến là dịch vụ cung cấp lương thực, thực phẩm (lúa gạo, thịt cá...) cho Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Gặp thời điểm xuôi chèo mát mái, lại biết khôn khéo lấy lòng các quan Tây để được họ che chở, nâng đỡ, nên chẳng mấy chốc Bá hộ Xường trở thành nhà cự phú quyền uy, nhất là trong lĩnh vực lương thực - thực phẩm lúc bấy giờ. Thời đó, hễ nhắc tới ông trùm lương thực và công nghệ thì ai cũng đều biết tới cái tên cự phú Tam Xường”.

Cụ Nguyễn Trường Minh (72 tuổi, ngụ tại quận 5, TP.HCM) cho biết: "Theo tôi được biết thì có rất nhiều giai thoại nói về sự giàu có của Lý Tường Quan, nhưng tương truyền rằng dinh thự của ông nguy nga bề thế, tọa lạc trên đường Gaudot, nay là đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5). Tuy nhiên, sau khi Bá hộ Xường qua đời, tài sản của ông bị con cháu ăn xài, phung phí hết. Trước năm 1975, mộ của ông vẫn còn ở Gò Vấp, nhưng nay không tìm ra dấu tích. Chúng tôi tìm đến nơi, thấy dấu tích còn lại là khu nhà mồ cổ khá kiên cố do tôn tử tương tề đồng tâm xây dựng vào tháng 12/1896, hiện ở gần di tích địa đạo Phú Thọ Hòa, Tân Bình, TP.HCM hiện nay. Toàn bộ công trình này tuy không đồ sộ, khang trang, khoáng đạt, nhưng có nhiều hoa văn, họa tiết rất tinh tế. Tuy theo lối kiến trúc gô-tích, nhưng vẫn giữ được dáng dấp Á Đông”.

Theo sách vở ghi chép thì ở giữa nhà mồ, là một cái quách lớn đựng thi thể người chết, bằng đá xanh hình chữ nhật 3,4x2,2m, dày 0,3m, nhô cao 0,8m. Ngày 20/10 âm lịch hàng năm là ngày giỗ của Bá hộ Xường. Nói về sự giàu có của Bá hộ Xường, trong sách Sài Gòn năm xưa của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển cũng chép rằng: "Hộ Xường, vốn là thông ngôn xuất thân. Sớm sớm xin thôi, ra lãnh thầu cung cấp vật dụng thức ăn cho thị xã. Nhờ khéo tay thêm phùng thời, cự phú không mấy hồi. Còn nhà thấp năm căn nửa xưa nửa nay tọa lạc đường Khổng Tử. Vòng rào sắt trước ngõ chứng tỏ rằng mặt tiền ngó ra kinh có lẽ trước kia cao ráo, nay kinh đã lấp, thế vào đây là một con đường cái, thềm lộ bồi đất cao hơn sân nhà, thành thử sân như sâu xuống và vuông nhà đã thấp nay lại càng lụp xụp. Chủ nhà mất đã lâu, gia tài kếch xù, con cái nhiều dòng, phần ăn chia chưa xong".

Hiện nay, từ đường họ Lý tại số 292 đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 14, quận 5, đã được UBND TP.HCM xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố, theo Quyết định số 1769/QĐ-UBND ngày 27/4/2009.

Tứ Định - Cự phú "ẩn danh"

Tứ Định tuy là cự phú nổi tiếng lúc bấy giờ, nhưng ít có sách vở nào ghi chép, những giai thoại về sự giàu có của ông cũng ít ai biết được. Mặc dù được xếp hạng thứ 4 trong tứ đại phú gia, nhưng thường khi nhắc đến vị trí của ông người ta lại nhớ tới một nhân vật khác (ý nhắc tới tứ Hỏa, hay tứ Bưởi) bởi những thông tin về sự giàu có của ông rất ít người biết đến.

Theo học giả Vương Hồng Sển, người xếp hạng tư trong tứ đại gia đất Sài Gòn xưa chính là Bá hộ Định. Bá hộ Định có tên thật Trần Hữu Định. Ông xuất thân là chủ tiệm cầm đồ, rồi được chính quyền Pháp cho làm Hộ trưởng kinh doanh đất đai, xuất nhập khẩu vải sợi.

Sự giàu có của Bá hộ Định còn được học giả Vương Hồng Sển ghi chép lại trong cuốn Sài Gòn năm xưa: "Nhà ở khoảng giữa đường Trần Thanh Cần, gần dốc cầu Palikao một đầu và chợ Quách Đàm một đầu. Ngôi nhà 5 căn trệt chạm trổ thật khéo, cột cẩm lai bóng ngời có thể soi gương thấy mặt; trong nhà từ cái bàn, cái ghế, cái đôn sành đều có vẻ cũ xưa. Mấy năm trước chính mắt tôi còn thấy làu làu vững chắc tuy khoảnh vườn sân trước đã bị cắt xén sát mặt tiền nhường chỗ làm thềm và đường cái mở rộng nên lấp kênh. Gần đây, vì đất chợ cao giá tuy nhà lập làm phần hương hỏa, nhưng con cháu đã bán và dỡ đi. Thay vào đó là một dãy phố lầu tiệm buôn khách trú. Phần hoa lợi tuy có thêm, nhưng thiệt hại về cổ tích từ đây và cứ theo đà này, đô thành Sài Gòn ngày một mất dần những dấu vết xưa...".

PGS.TS Hà Minh Hồng (trưởng Khoa lịch sử Trường ĐH KH&NV TP. HCM) cho biết: "Ngày nay, tuy những dấu tích gia sản để lại của hai nhà cự phú này còn rất ít, ngay cả dấu tích về mộ phần của các ông cũng mất. Những câu chuyện kể lại về các đại phú gia này đa phần chỉ là chuyện dã sử hay chỉ là những giai thoại mà thôi. Nhưng tên tuổi và những giai thoại và tiếng tăm của hai ông luôn gắn liền với một câu nói mà hễ nhắc tới sự giàu có thì ngay lập tức những cái tên trong tứ đại phú gia lại xuất hiện. Mỗi khi nhắc tới những người giàu bậc nhất năm xưa là nhiều người có thể đọc ngay không cần suy nghĩ "Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định"”.

Mai Phong


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.