Lo ngại xuất phát từ việc gia tăng mật độ dân số, các công trình xây dựng
Mới đây, để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trên bước đường đưa Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, UBND tỉnh này đã tổ chức buổi đối thoại trực tuyến với người dân, doanh nghiệp qua tương tác trên nền tảng mạng xã hội Facebook.
Tại buổi đối thoại, nhiều câu hỏi, cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp đã được ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng lãnh đạo các đơn vị như: sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Công Thương, sở Giáo dục và Đào tạo, sở Khoa học và Công nghệ, sở Nội vụ, sở Tài chính, sở Thông tin và Truyền thông, sở Văn hóa và Thể thao, sở Y tế, sở Du lịch, sở Giao thông Vận tải…giải đáp.
Trong nhiều câu hỏi đó, nhiều người dân sống ở khu vực đô thị tỏ ra lo ngại về 2 vấn nạn khi Huế trở thành TP trực thuộc TW đó là kẹt xe và ngập lụt mỗi lần mưa lớn. Họ cho rằng, một khi hạ tầng giao thông, đô thị chưa kịp đồng bộ, tình trạng này dễ trở thành vấn nạn khi Huế trở thành một đô thị lớn với sự gia tăng mật độ dân số và mọc lên của các công trình xây dựng.
Giải đáp thắc mắc về làm thế nào để chống nạn kẹt xe ở khu vực đô thị, tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đang tiến hành đồng bộ một số giải pháp.
Như việc thực hiện giãn dân, với việc di dời dân sống trong phạm vi khu vực thành nội, để giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có giải tỏa áp lực giao thông, do các tuyến đường trong khu vực thành nội hầu như không còn khả năng mở rộng. Đồng thời, xây dựng thêm các khu đô thị mới, do dời một số cơ quan khỏi khu vực trung tâm để bố trí lại mật độ xây dựng cũng như dân cư một cách hợp lý hơn.
Về đầu tư hạ tầng giao thông, Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh việc tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của các loại phương tiện như đang đầu tư cầu Nguyễn Hoàng qua sông Hương, Cầu Thuận An qua cửa Thuận an kết nối với tuyến đường ven biển, đường vành đai, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay… và rất nhiều tuyến giao thông quan trọng khác để giải tỏa áp lực về giao thông.
Về tổ chức lại hệ thống giao thông trên phạm vi toàn thành phố, hiện tỉnh đang lập đề án tổ chức lại hệ thống giao thông toàn thành phố một cách khoa học, sau đó sẽ từng bước triển khai trên thực tế, nhiều giải pháp cũng đã được Thành phố triển khai như xe đạp thí điểm, các tuyến đường đi bộ, hệ thống giao thông công cộng, đỗ xe trên phố theo ngày chẵn, lẻ …
Ngoài những giải pháp trên, cũng cần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông bằng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, bên cạnh đó tỉnh cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm. Song song đó là việc tăng cường hoạt động của các cơ quan chức năng trong điều hành hệ thống giao thông, nhất là vào giờ cao điểm.
Nhiều giải pháp lâu dài và trước mắt để giải bài toán ngập lụt cục bộ
Liên quan đến việc phát triển đô thị đã có phần làm ảnh hường đến hệ thống thoát nước ở TP.Huế, gây ngập lụt cục bộ nhiều nơi ở trung tâm, ông Huỳnh Minh Khang, Phó Giám đốc sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trong những năm qua, với tình hình thời tiết diễn biến xấu, bất thường; phát sinh nhiều trận mưa với cường độ lớn và kéo dài, nước các sông dâng cao đã làm ngập lụt nhiều khu vực có địa hình thấp trũng. Mặt khác, tại một số khu vực đã xảy ra tình trạng ngập cục bộ khi có mưa.
Theo Phó Giám đốc sở Xây dựng, tình trạng ngập cục bộ là do hệ thống thoát nước mưa hiện trạng chưa đảm bảo; các hồ, kênh, mương hiện trạng bị lấn chiếm, san lấp, xây dựng bị thu hẹp làm cho nước mưa thoát chậm; hệ thống thoát nước mưa hiện trạng chưa đảm bảo khẩu độ, địa hình chia cắt do cống băng đường ít và tiết diện nhỏ; không có khả năng lưu chứa khi mưa với cường độ lớn; một số cống, cửa xả ở phía hạ lưu bị tắt, nghẽn không thường xuyên nạo vét; một số khu vực do các công trình đang thi công nhưng thiếu giải pháp thoát nước mưa tạm thời. Riêng đối với các khi đô thị mới (như khu đô thị mới An Vân Dương) hệ thống các kênh, hồ tiêu năng, mương, hệ thống thoát nước chính theo quy hoạch được duyệt chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, hạ lưu hệ thống thoát nước chưa được đầu tư, dẫn đến tình trạng hệ thống thoát nước mưa chỉ đủ chuyển tải lưu lượng nước mưa lưu vực bản thân cục bộ dự án mà thiếu sự kết nối liên tục từ vị trí thu đến vị trí xả nước.
Về giải pháp hạn chế, khắc phục, ông Huỳnh Minh Khang cho rằng, khi tỉnh Thừa Thiên-Huế lên thành phố trực thuộc TW thì vùng lõi đô thị sẽ được mở rộng, tốc độ phát triển đô thị sẽ tăng, sự ảnh hưởng đến thoát nước, ngập úng sẽ lớn đặc biệt trong bối cảnh chịu ảng hưởng bởi biến đổi khí hậu như hiện nay. Do đó, để hạn chế, khắc phục tình trạng ngập lụt, ngập cục bộ trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp trước mắt và lâu dài.
Về lâu dài, trong định hướng, quy hoạch phát triển đô thị Thừa Thiên-Huế cần quan tâm dành nhiều không gian cho nước, như: Khơi thông, nạo vét, mở rộng hệ thống sông ngòi, kênh rạch, hồ hiện tại. Đồng thời khi san lấp phát triển đô thị mới cần phải đánh giá kỹ tác động đến ngập úng để quy hoạch mới hồ tiêu năng, hồ cảnh quan, không gian cây xanh, hệ thống sông, kênh thay thế, đấu nối với hệ thống sông ngòi hiện trạng nhằm đảm bảo thoát nước cho vực đô thị mới cũng như đô thị hiện trạng.
Bên cạnh đó, quan tâm bằng nhiều nguồn lực khác nhau để phát triển không gian cho nước trong các khu vực quy hoạch đã được phê duyệt (như khu đô thị mới An Vân Dương) bao gồm: Đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật khung (trong đó có hệ thống thoát nước, đấu nối với hạ lưu), nạo vét, khơi thông, mở rộng hệ thống sông ngòi hiện có, hệ thống kênh mương sinh thái, hồ tiêu năng, công viên cây xanh theo quy hoạch được duyệt để tăng khả năng thoát nước cho khu vực… Sau khi Quy hoạch được duyệt, song song với phát triển đô thị, cần dành nguồn lực tương thích để phát triển hạ tầng, trong đó có không gian cho nước.
Về giải pháp trước mắt, Phó Giám đốc sở Xây dựng nhấn mạnh, cần thường xuyên kiểm tra các khu vực có tình trạng nước mưa ứ đọng, ngập cục bộ khi có mưa; tổ chức nạo vét, khơi thông các rảnh, cống, mương và cửa xả hiện trạng (đặc biệt tại các vị trí cửa xả nước ra sông, biển; nguồn tiếp nhận) để dòng chảy không bị nghẽn, tắt và thu hẹp.
“Mặt khác, cần nâng cấp các cống ngang đường (băng đường) khi thấy khẩu độ cống chưa đảm bảo thoát nước thuận lợi (xuất hiện tình trạng nước ứ đọng khi có mưa). Hạn chế xây dựng công trình, nâng cao độ các tuyến đường cắt ngang hướng thoát lũ khi chưa đánh giá và có giải pháp thoát nước phù hợp”, Phó Giám đốc sở Xây dựng nói.
Lê Kông