Hơn 5 năm qua, vợ chồng ông Nguyễn Công Xuân (50 tuổi) và bà Đỗ Thị Hoa (48 tuổi) ở thôn Xuân Hòa, xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã tìm mọi cách bảo vệ, nuôi dưỡng chim trời trên diện tích đất lúa của gia đình giữa đầm phá Hạc Hải. Ông chẳng những không thu được nguồn lợi nào từ các loài chim hoang dã, mà còn bị nói “lo chuyện bao đồng”.
Vừa loay hoay chăm sóc những chú chim non, ông Nguyễn Công Xuân vừa kể về cơ duyên đến với “nghiệp nuôi chim trời”. Hành động bảo vệ chim trời xuất phát từ việc vợ chồng ông thấy mắc nợ vì một thời đã tận diệt chim trời để kiếm kế sinh nhai.
Vào những năm 2000, gia đình ông Xuân được cấp khoảng 10 ha làm lúa và nuôi trồng thuỷ sản trên phá Hạc Hải. Thời điểm ấy, chim bay lượn đầy đồng nên vợ chồng ông cũng lấy nghề buôn bán chim làm kế sinh nhai. Việc bắt chim trời rồi mang đi bán cho thu nhập rất cao, có ngày lãi gần 7 triệu đồng nhưng dần dà từng đàn chim ít đi và ông thấy có lỗi với đầm phá.
“Hằng đêm tôi không thể nào chợp mặt, tiếng cò, tiếng vạc luôn văng vẳng bên tai như lời oán trách việc làm của họ. Tôi liền bàn với vợ không buôn bán chim trời nữa mà đi bảo vệ để bù đắp những việc làm đã gây ra cho đàn chim. Nghe vậy, vợ tôi không nghĩ nhiều, gật đầu đồng ý.”, ông Xuân chia sẻ.
Kể từ đó, hai vợ chồng ông Nguyễn Công Xuân và bà Đỗ Thị Hoa ngày ngày bảo vệ đàn chim trời trên diện tích đất lúa của gia đình giữa đầm phá Hạc Hải. Bỏ ngoài tai lời đàm tiếu của những người xung quanh, vợ chồng ông luôn kiên định với hành động của mình.
Để đàn chim trở về ngày một nhiều, vợ chồng ông đã vay mượn 100 triệu đồng rồi vào miền Nam mua dừa nước ra trồng. Những năm đầu cây xanh tốt, từng đàn chim rủ nhau làm tổ cứ thế đông lên. Thế nhưng, vào năm 2020, trận lũ lịch sử đã cuốn đi hàng dừa nước, đàn chim phải bay đi tìm nơi trú ngụ mới.
Hiện, gia đình ông Xuân đang chuẩn bị đưa cây sung giống và lộc vừng ra trồng. Theo ông Xuân, việc đầu tư cũng phải ngót nghét 200 triệu đồng mới tạo được vành đai cây xanh cho nhiều thế hệ chim. Giờ mỗi khi đêm xuống đã không còn nghe tiếng thất thanh của những con chim bị đánh bẫy, thay vào đó tiếng chim cúc nhau về tổ.
"Tôi mong rằng, mọi người hãy cùng chung tay bảo vệ đàn chim trời và không tiếp tay cho những hành động gây ảnh hưởng đến cuộc sống của loài chim để bảo vệ lấy sự cân bằng sinh thái của môi trường, cũng như bảo vệ cho chúng ta và con em mai sau", ông Nguyễn Công Xuân bày tỏ.
Bà Đỗ Thị Hoa (vợ ông Xuân) tâm sự: "Vợ chồng tôi bảo vệ chim trời đã được 5 năm rồi. Việc giữ chim trời có người ủng hộ cũng có người chê “lo việc bao đồng”, nhưng với chúng tôi, chim trời đến trú ngụ trên mảnh đất này là niềm hạnh phúc lớn. Tiếng cò kêu, chim hót giúp tôi cảm thấy an lòng cho những việc mình làm trước đây và tự nhủ sẽ bảo vệ chim trời đến cuối cuộc đời".
Cuộc sống của vợ chồng nông dân bảo vệ chim trời ở phá Hạc Hải tuy không rủng rỉnh tiền như trước kia nhưng theo vợ chồng ông thì vô cùng thanh thản, thoải mái bởi được trả một phần "nợ" của ngày trước.
Ông Võ Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Vợ chồng anh Xuân chị Hoa là tấm gương cho bà con cùng nhau bảo vệ đàn chim trời ở Hạc Hải. Họ chọn con đường không buôn bán chim hoang dã, giữ chúng ngoài tự nhiên sông nước là một cử chỉ đẹp vì môi trường".