AFP đưa tin, Mỹ cam kết sẽ đưa quân đội sang hỗ trợ công tác cứu hộ trong bối cảnh cả một vùng rộng lớn ở miền trung Philippines vẫn đang trong tình trạng thiếu thốn lương thực và thuốc men sau khi siêu bão Hải Yến đi qua được 3 ngày.
Không có một căn nhà nào còn nguyên vẹn tại thành phố Tacloban, nơi có khoảng 220.000 người sinh sống, và các vùng duyên hải khác thuộc tỉnh Leyte, theo AFP.
Elmer Soria, cảnh sát trưởng tỉnh Leyte, ước tính có khoảng hơn 10.000 người đã thiệt mạng vì siêu bão.
Còn ông Sebastian Rhodes Stampa, trưởng đoàn đánh giá thiên tai của Liên Hiệp Quốc, hiện đang có mặt tại Tacloban, kể lại rằng ông thấy “những chiếc xe hơi lật úp và trên đường phố chỉ còn những đống đổ nát”.
“Lần cuối cùng tôi thấy thiên tai quy mô lớn cỡ này là vụ sóng thần ở Ấn Độ Dương”, ông Stampa cho hay, ý muốn nói về thảm họa động đất và sóng thần xảy ra hồi năm 2004, khiến khoảng 220.000 người thiệt mạng tại 14 quốc gia.
Chính quyền tỉnh Leyte thừa nhận hoàn toàn "bị choáng" bởi hậu quả do siêu bão để lại và vẫn chưa liên lạc được với nhiều vùng trong tỉnh.
Một trong những vùng nói trên là thị trấn Guiuan, nơi có khoảng 40.000 người sinh sống và là địa điểm đầu tiên hứng bão.
Malapascua, một quần đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng tại Tacloban, cũng đứt liên lạc và theo hình ảnh chụp từ máy bay cho thấy nơi đây cũng chỉ còn là đống đổ nát.
Được biết, trước siêu bão Hải Yến, thiên tai gây chết người nhiều nhất tại Philippines là đợt sóng thần hồi năm 1976, xảy ra sau một vụ động đất mạnh 7,9 độ Richter, tại đảo Mindanao, miền nam Philippines, làm khoảng từ 5.000 đến 8.000 người chết.
Những cảnh tang thương sau khi bão Haiyan vào Philippines:
Xác một nạn nhân của siêu bão tại thành phố Taclonban.
Xác người chết nằm la liệt trên đường phố.
Một phụ nữ than khóc trước xác chồng mình tại Tacloban.
Một người dân đau buồn khi chứng kiến căn nhà bị sập của mình.
Ngọc Trinh