Hầm Hải Vân 2 thuộc Dự án hầm đường bộ Đèo Cả, với chiều dài 6,2km, chiều dài tuyến 12,4km bao gồm cả đường dẫn, là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, hầm Hải Vân 2 là công trình khó khăn bậc nhất về mặt kỹ thuật và giải pháp công nghệ.
Trong quá trình xây dựng, nhà đầu tư phải xử lý các khâu kỹ thuật phức tạp, vừa thi công hầm Hải Vân 2 lại vừa phải đảm bảo an toàn công trình, an toàn giao thông cho hầm Hải Vân 1. Dự án Hầm Hải Vân 2 cũng gặp khó khăn về tài chính và tiến độ cấp vốn thường xuyên bị động, gián đoạn.
Đơn vị này sẽ tổ chức vận hành cho các phương tiện lưu thông qua 2 ống hầm trong 20 ngày, từ 1/2 đến hết 21/2, tức từ 20 tháng Chạp năm Canh Tý đến 10 tháng Giêng năm Tân Sửu.
Sau thời gian trên, hầm Hải Vân 2 sẽ tạm dừng vận hành, Hầm Hải Vân 1 vẫn hoạt động bình thường, chờ cơ quan Nhà nước có chức năng giải quyết các kiến nghị mà nhà đầu tư đã báo cáo.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ, cùng với sự phát triển kinh tế, sự gia tăng của lưu lượng phương tiện đã khiến hầm Hải Vân 1 quá tải, việc đầu tư xây dựng hầm Hải Vân 2 là giải pháp đúng đắn.
Phó Thủ tướng đề nghị bộ Giao thông Vận tải tập trung chỉ đạo, phối hợp các địa phương cùng Tập đoàn Đèo Cả tổ chức quản lý, khai thác, vận hành, bảo trì công trình hiệu quả.
Ông cũng đề nghị các bộ ngành liên quan xem xét tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nói chung, doanh nghiệp tham gia vào công trình hạ tầng giao thông nói riêng. Trong đó, có công trình hầm Hải Vân 2.
Phó Thủ tướng cho rằng: "Hầm Hải Vân 2 có kỹ thuật, công nghệ phức tạp được các nhà thầu trong nước thực hiện khẳng định sự tiến bộ vượt bậc về năng lực đầu tư cũng như về kỹ thuật của các doanh nghiệp Việt Nam, khẳng định ngành xây dựng Việt Nam có thể hoàn toàn làm chủ công nghệ và kỹ thuật tiên tiến đối với lĩnh vực xây dựng nói chung và xây dựng giao thông nói riêng.
Việc đưa hầm Hải Vân 2 vào khai thác sẽ góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh của khu vực trọng điểm kinh tế miền Trung. Đồng thời, đảm bảo kết nối đồng bộ, thúc đẩy sự phát triển các khu vực xung quanh, đặc biệt là Tây Nguyên, hành lang kinh tế đông - tây, kết nối với các nước trong khu vực và thế giới...”.