Như PV Người Đưa Tin Pháp luật phản ánh, ngày 11/1, tại lễ khánh thành hầm Hải Vân 2, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả đã nêu ý kiến và chủ động đề xuất với các cơ quan chức năng là sẽ đưa Hải Vân 2 vào hoạt động giúp các phương tiện lưu thông qua Hải Vân.
Mỗi ống hầm lưu thông 2 làn một chiều trong vòng 20 ngày trước và sau Tết Tân Sửu, từ 1/2, tức ngày 20 tháng Chạp năm Canh Tý cho đến hết 21/2, tức ngày 10 tháng Giêng năm Tân Sửu.
Sau đó, việc tiếp tục vận hành hầm Hải Vân 2 sẽ được xác định trên cơ sở các tồn tại vướng mắc, trách nhiệm của các bên liên quan theo hợp đồng dự án được giải quyết dứt điểm.
Ngày 21/2, ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết, qua thời gian vận hành hầm Hải Vân 2 trong dịp đón Tết cổ truyền, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông qua hầm Hải Vân trong dịp tết Tân Sửu tăng đột biến.
Bình quân mỗi ngày có khoảng 11.000 đến gần 14.000 lượt xe qua hầm.
Do vận hành cả 2 ống hầm nên đã giảm được áp lực giao thông trên toàn tuyến. Tình trạng ùn tắc giao thông không còn, tầm nhìn trong hầm thông thoáng trung bình từ 85% đến hơn 95%, vận tốc trung bình của các xe tăng khoảng từ 45km/h lên 65km/h.
Đặc biệt, thời gian trung bình các phương tiện qua hầm giảm từ khoảng 15 phút xuống chỉ còn khoảng 6 phút, giảm tai nạn và không còn xảy ra các tình huống gây ùn tắc kéo dài để lực lượng chức năng phải phân luồng điều tiết giao thông một làn như trước đây.
Ngoài ra, việc đưa hầm Hải Vân 2 vào vận hành cũng đã giúp cho dịch vụ vận chuyển người và xe máy lưu thông qua hầm tiện ích và hiệu quả hơn.
Số lượng người dân đi xe gắn máy sử dụng dịch vụ trung chuyển qua hầm tăng lên, giảm thiểu rủi ro tai nạn giao thông khi phải điều khiến xe gắn máy đi qua đường đèo như trước đây.
Ông Nam thông tin thêm, cùng thời gian này, trên cơ sở đề nghị của bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã giao bộ KH&ĐT phối hợp với bộ GTVT, bộ Tài chính, bộ Tư pháp xem xét việc bố trí 1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước cho dự án.
Tại buổi họp ngày 29/1 của các Bộ, ngành liên quan, các ý kiến đều đánh giá việc bố trí vốn NSNN cho dự án là cần thiết để đảm bảo phương án tài chính và thực hiện đầy đủ cam kết của Nhà nước đối dự án, đồng thời các bên thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí khoản vốn nói trên cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
“Như vậy, thời gian gần đây, việc giải quyết các vướng mắc về tài chính của Dự án đã và đang được cơ quan Nhà nước đưa ra phương án cụ thể sớm đi đến dứt điểm vướng mắc trong thời gian tới.
Quan trọng hơn, nhận thấy lợi ích thực tế từ quá trình vận hành hầm hải Vân 2 mang lại cho người dân, nhà đầu tư sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn trước mắt, đảm bảo vận hành liên tục 2 ống hầm trong thời gian tới để phục vụ nhu cầu rất lớn của xã hội”, ông Nam cho hay.
Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân được bộ GTVT phê duyệt năm 2016 gồm 2 giai đoạn, với tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng. Giai đoạn 1 sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân hiện tại, hầm Hải Vân 1, và cải tạo đoạn tuyến quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân.
Giai đoạn 2 mở rộng hầm lánh nạn hiện tại thành hầm giao thông, hầm Hải Vân 2, với quy mô 4 làn xe và mở rộng cầu, đường dẫn quy mô 4 làn xe, dự kiến khai thác toàn tuyến vào cuối năm 2020.
Hải Vân 2 được thiết kế hai ống hầm rộng 9,7 m cho phương tiện chạy một chiều, trong mỗi ống đảm bảo 2 làn xe rộng 7 m, đường bộ hành và bảo dưỡng rộng 1 m, hai dải an toàn 1,5 m...
Ngoài ra, dự án còn có các hạng mục trung tâm cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, trạm thu phí; trạm dừng đỗ kỹ thuật. Hải Vân là hầm đường bộ dài nhất cả nước. Trong đó, đường dẫn phía bắc dài khoảng 1,7 km, trong hầm dài 6,2 km, đường dẫn phía nam 4 km.