Chị H. - chủ một quán phở có tiếng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM - tiết lộ cho chúng tôi biết rất nhiều quán ăn, nhà hàng hiện nay thường dùng bột mềm để hầm xương và thực phẩm. Loại bột mềm này mua bán rất dễ dàng nên ít ai quan tâm đến tác hại của chúng.
Dùng củi lửa, lấy gì lời!
Theo chị H., nếu hầm 10 kg xương bò theo cách thông thường thì phải mất khoảng 8 giờ mới mềm và ra hết chất. Tuy nhiên, chỉ cần thêm vài trăm gam bột mềm với giá vài chục ngàn đồng thì chưa tới 1 giờ sau là đã có được nồi nước dùng (nước lèo) thơm ngon và rất trong. Nếu dùng bột mềm hầm thịt, gân, đuôi bò hay chân giò heo, ngoài việc nhanh mềm, thịt còn có độ dẻo rất ngon. Bột mềm dùng hầm đậu nấu chè cũng rất nhanh…
Bất chấp nguy cơ độc hại, nhiều người vẫn sử dụng bột mềm giá rẻ dùng trong công nghiệp để chế biến thực phẩm.
Tìm hiểu từ nhiều người kinh doanh quán ăn, chúng tôi được biết họ vẫn thường dùng loại bột mềm này trong chế biến thực phẩm nhưng không biết tác hại của nó thế nào. Chị M. - chuyên bán bánh canh giò heo ở gần chợ Bàn Cờ, quận 3, TP HCM - giải thích: “Thấy người ta bán công khai lại rẻ, tiện dụng, ít tốn than và đỡ mất thời gian nên nhiều người đã mua dùng. Hầm cả chục ký chân giò chỉ mất khoảng nửa giờ là xong. Khi vớt ra, chân giò rất mềm nhưng vẫn còn nguyên miếng. Trong khi đó, nếu hầm theo cách thông thường thì phải mất vài giờ, nhưng xương, thịt lại hay bị vỡ vụn, nhìn kém hấp dẫn hẳn… Không tin, chị cứ về hầm thử vài cái chân giò sẽ thấy hiệu quả ngay”.
Không như các hóa chất độc hại khác thường phải bán lén lút, loại bột mềm này được bày bán khá công khai ở chợ Kim Biên, quận 5, TP HCM. Tại một gian hàng nằm bên hông chợ này, khi biết chúng tôi có ý định mua bột mềm, người bán nhanh nhảu múc 200 g cho vào một hũ thủy tinh có dán sẵn tem “bột mềm” và báo giá 20.000 đồng.
Khi chúng tôi hỏi về cách dùng, người bán tỏ ra ngạc nhiên, nhưng sau đó cũng nhiệt tình chỉ dẫn: “Tẩy sàn nhà hay vật dụng thì chỉ cần cho ít nước vào bột rồi nhúng khăn chà lên vết dơ nhiều lần sẽ sạch bóng. Còn nếu dùng hầm thức ăn thì tùy nhiều hay ít, chỉ cần cho vài muỗng bột này vào là mềm ngay…”.
Chúng tôi thắc mắc bột tẩy vết dơ dùng hầm xương liệu có hại gì không, người bán trấn an: “Vậy là chị không chuyên nghiệp rồi! Bây giờ, ai cũng mua bột này về hầm xương hết chứ hầm bằng củi lửa thì lấy gì mà lời!”.
Nhập nhèm
Theo các chuyên gia về hóa chất, bột mềm (hay bột nhừ) là một trong những tên gọi của muối natri hydro carbonat (NaHCO3). Loại phụ gia này có tác dụng điều chỉnh độ chua, chống vón và tạo xốp, nằm trong danh mục được phép sử dụng. Tuy nhiên, loại bột mềm dùng trong thực phẩm phải đạt độ tinh khiết cao (không chứa các tạp chất asen, thủy ngân…) và phải được cấp phép dùng cho chế biến thực phẩm với liều lượng nhất định, vì thế giá thường rất cao.
Trên thị trường hiện nay, nhiều người bán nhập nhèm bột mềm công nghiệp (thường có thành phần asen, thủy ngân và nhiều tạp chất khác, giá rẻ, vốn chỉ được dùng trong một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp hoặc để làm sạch các vết bẩn trên gạch men, bồn sứ, nệm da, sàn nhà…) với bột mềm thực phẩm. Dùng bột mềm công nghiệp để chế biến thực phẩm sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng.
Nhiều chuyên gia y tế cho biết thủy ngân có độc tính rất cao. Dùng thức ăn có chứa thủy ngân thì chất này sẽ tích lũy dần trong não, thận, gan, tóc và da, tồn tại dai dẳng trên cơ thể con người, gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Trong khi đó, asen cũng là chất cực độc. Nếu thâm nhập cơ thể con người mỗi ngày một ít với liều lượng nhỏ nhưng trong thời gian dài, chất này sẽ gây mệt mỏi, buồn nôn, hồng cầu và bạch cầu giảm, sạm da, rụng tóc, sút cân, giảm trí nhớ, mạch máu bị tổn thương, viêm dạ dày và ruột... Lâu dài hơn, asen còn có thể gây ung thư.
Toàn hàng Trung Quốc Thử tìm mua bột mềm dùng trong thực phẩm, chúng tôi hỏi nhiều quầy hóa chất ở chợ Kim Biên nhưng đều không có hàng. Nhiều chủ quầy cho biết: “Thứ đó bây giờ mắc lắm, cả triệu đồng 1 kg nên bán cũng không ai mua”. Chị D., chủ một gian hàng ở chợ Kim Biên, cho hay quầy, sạp ở đây nếu có bán bột mềm thì thường là loại có giá trên dưới 100.000 đồng/kg. “Loại có giá này toàn là hàng Trung Quốc” - chị D. khẳng định. |
Theo Người lao động