Lời kêu gọi của lãnh đạo Hamas ông Ismail Haniyeh được đưa ra sau khi ông Biden phát biểu cho biết thỏa thuận có thể sẽ được ký kết giữa Israel và Hamas sớm nhất là trong tuần vừa rồi, nhằm đề ra một khoảng thời gian tạm ngừng chiến trong tháng ăn chay của người theo Hồi giáo bắt đầu vào ngày 10 tháng 3 tới.
Israel và Hamas đều đã gửi phái đoàn tới Qatar trong tuần này nhằm đề ra những điều khoản chi tiết cho thỏa thuận đình chiến kéo dài 40 ngày, và đều cho biết, hiện tại cả hai phe đều còn nhiều khác biệt về quan điểm.
Các nhà trung gian từ Qatar cũng cho biết, hiện tại, chưa có quyết định mang tính đột phá nào.
Trong khi cuộc chiến tiếp tục hoành hành tại Gaza, Israel cho biết, có thể sẽ đề ra giới hạn với các hoạt động tôn giáo tại Al-Aqsa vào tháng Ramadan, phỏng theo nhu cầu an ninh của quốc gia này. Nhiều người Palestine từ chối chấp hành những giới hạn này áp đặt lên họ.
Ông Haniyeh phát biểu: “Đây là lời kêu gọi gửi tới đồng bào tại Jerusalem và Bờ Tây, hãy diễu hành về Al-Aqsa ngay từ ngày đầu tiên của tháng Ramadan”.
Phát ngôn viên chính phủ Israel Tal Heirich nhận định, những phát biểu của ông Haniyeh là “không được chào đón” và cáo buộc ông đã “cố gắng kéo (Israel) vào những cuộc chiến trên các mặt trận khác”.
“Chúng tôi hoàn toàn không muốn xảy ra điều này. Chúng tôi nhất định sẽ làm mọi điều có thể để bảo đảm các bên bình tĩnh”.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Yoav Gallant khẳng định, Hamas có mục tiêu giảm bớt áp lực đè lên các binh lính của họ tại Gaza bằng cách buộc Israel phải điều hướng các nguồn tài nguyên an ninh về Jerusalem và Bờ Tây.
“Chúng ta không thể cho phép họ làm vậy. Một mặt chúng ta đang chiến đấu chống lại thành phần khủng bố và mặt khác chúng ta có trách nhiệm tôn trọng quyền tự do tôn giáo. Tôi tin rằng chúng ta có thể đưa ra kế hoạch phù hợp với cả hai mục tiêu”.
Hamas khẳng định sẽ không thả toàn bộ con tin mà tổ chức này bắt giữ nếu như không có được một thỏa thuận toàn diện nhằm kết thúc cuộc chiến tại Gaza.
Israel lại khẳng định sẽ chỉ đồng ý các thỏa thuận tạm ngừng chiến với mục tiêu giải phóng con tin và sẽ không kết thúc chiến tranh cho tới khi tiêu diệt hoàn toàn Hamas.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Haniyeh khẳng định, Hamas đang thể hiện sự mềm dẻo khi thương lượng với Israel, nhưng đồng thời cũng đã sẵn sàng tiếp tục chiến đấu. Israel khẳng định, bất kỳ thỏa thuận nào có thể ký kết giữa hai phe đều cần Hamas phải từ bỏ những yêu cầu mà chính phủ nước này đã mô tả là “những yêu cầu quái đản”.
Trong những nỗ lực thúc đẩy đề ra ngừng chiến dài hạn mạnh mẽ nhất cho tới nay, Hamas đang cân nhắc một đề xuất mà Israel thể hiện sự chấp thuận khi đàm phán với các nhà thương lượng tại Paris, với nội dung đề ra một lệnh ngừng chiến kéo dài 40 ngày.
Một nguồn tin cấp cao có thông tin về các đàm phán cho biết, văn bản tại Paris sẽ yêu cầu Israel rút quân khỏi các khu vực đông dân cư, 40 con tin bao gồm phụ nữ và những người dưới 19 tuổi hoặc trên 50 tuổi hoặc bị thương sẽ được trả tự do để đổi lấy sự tự do của khoảng 400 tù nhân người Palestine.
Tuy nhiên, thỏa thuận này có vẻ không thỏa mãn yêu cầu kết thúc chiến tranh vô thời hạn và yêu cầu Israel rút quân của Hamas. Nó cũng không giải quyết được những yêu cầu về số phận của hàng chục con tin là nam giới người Israel trong độ tuổi có thể tham chiến.
Haniyeh kêu gọi hậu thuẫn từ các nước Ả Rập
Ông Haniyeh cũng đã kêu gọi Trục Kháng Chiến – một khối đồng minh của Iran gồm Hezbollah của Lebanon, Houthi của Yemen và Lực lượng Kháng chiến Hồi giáo tại Iraq – cũng như các nước Ả Rập đẩy mạnh hỗ trợ người Palestine đang bị ảnh hưởng bởi những hoạt động quân sự và vòng vây của Israel tại Gaza.
“Trách nhiệm của các nước Ả Rập và các nước Hồi giáo là phải chủ động phá vỡ âm mưu bóp chết người dân Gaza”.
Một quan chức Palestine có thông tin về những thảo luận liên quan tới thỏa thuận ngừng bắn chia sẻ Reuters rằng những nỗ lực thương lượng đang được đẩy mạnh, nhưng hiện tại khả năng thành công là không hoàn toàn chắc chắn.
“Áp lực lớn nhất là về mặt thời gian vì tháng Ramadan đang tới gần, các nhà thương lượng đang đẩy mạnh nỗ lực đàm phán. Hiện còn quá sớm để khẳng định thỏa thuận có sắp được ký kết hay không nhưng tình hình hiện tại không hề bị bế tắc”.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Yoav Gallant, khi được hỏi về bình luận của ông Biden với nội dung lạc quan cho rằng thỏa thuận có thể sẽ được ký kết trong tuần tới, đã phát biểu: “Tôi không có quyền hạn đưa ra ý kiến chủ quan về bình luận của Tổng thống Mỹ. Tôi chỉ thực sự mong rằng khẳng định của ông là đúng”.
Lượng hàng hóa lương thực cứu trợ tới Gaza đã rớt mạnh trong tháng vừa qua, và các cơ quan cứu trợ quốc tế cho biết, người dân địa phương đang đối mặt với nạn đói. Israel khẳng định, vòng vây Gaza mà quốc gia này đề ra có tầm quan trọng lớn cho cuộc chiến chống Hamas và khẳng định quốc gia này vẫn cho phép cung cấp hàng hóa cứu trợ nhân đạo vào Gaza.
Trong thứ Tư, Israel cho biết đã hợp tác với Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Jordan, Ai Cập, Pháp và Mỹ đề ra hoạt động thả dù hàng hóa lương thực cứu trợ tới miền Nam Gaza.
Tại Rafah, nơi có hơn một nửa dân số Gaza đang trú ẩn, nhiều người đeo mặt nạ mang gậy gộc và một số còn mang súng đã tuần tra quanh các khu chợ với khẳng định đảm bảo giá hàng hóa nằm trong vòng kiểm soát.
Khăn quấn đầu mà những người này đeo có ghi dòng chữ “Ủy ban Bảo vệ Nhân dân”. Một phát ngôn viên đeo mặt nạ chia sẻ với các phóng viên, họ đã thành lập tổ chức này nhằm hỗ trợ bộ nội vụ do Hamas lãnh đạo, và có nhiệm vụ đảm bảo người dân không bị lợi dụng.
Các cơ quan cứu trợ cho biết, tình hình đang đặc biệt căng thẳng tại miền Bắc Dải Gaza, một khu vực đã gần như hoàn toàn bị cô lập. Bộ Y tế Gaza trong thứ Tư cho biết, bốn trẻ nhỏ đã thiệt mạng do thiếu dinh dưỡng và thiếu nước tại bệnh viện Kamal Adwan ở miền Bắc Gaza, một bệnh viện trước đó đã tuyên bố ngừng hoạt động do thiếu thốn nhiên liệu.
Quân đội Israel cho biết đang điều tra về báo cáo này.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)