Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có đề xuất với Bộ Tài chính xem xét việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng. Theo lý giải của cơ quan này, sở dĩ vàng cần phải đánh thuế vì Nhà nước không khuyến khích người dân cất giữ. Nếu đề xuất này được chấp nhận thì trong thời gian tới, những người kinh doanh vàng sẽ phải chịu thêm loại thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, việc xuất hiện thêm một loại thuế mới đã gặp phải sự phản ứng nhiều chiều từ dư luận.
Vàng bị coi như rượu, thuốc lá?!
Trong đề xuất đánh thuế đối với vàng, NHNN phân tích rằng, hiện nay nhiều nước trên thế giới, cá nhân, tổ chức kinh doanh vàng đều phải nộp thuế như thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập đặc biệt. Một trong những hình thức đánh thuế mà theo đề xuất của NHNN là tính thuế tiêu thụ đặc biệt với kinh doanh vàng. Cơ quan này cho rằng, đây là mặt hàng Nhà nước không khuyến khích người dân cất giữ. Lý giải thêm cho đề xuất này, ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, hiện nay vàng chỉ chịu thuế xuất khẩu 10%, còn vàng nguyên liệu nhập khẩu không chịu thuế.
Cũng theo đại diện của NHNN, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quốc kế dân sinh. Đồng thời, việc làm này sẽ hạn chế được việc mua bán, tích trữ vàng trong dân. Lúc này, người dân sẽ mang tiền đó gửi ngân hàng hoặc đưa vào sản xuất kinh doanh. Như vậy sẽ có lợi hơn cho nền kinh tế. Với thực tế giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới 3 triệu đồng/lượng, người dân nắm giữ lượng vàng lớn sẽ được lợi còn các tổ chức tín dụng huy động vàng đang gặp khó khăn. Bởi trước đây, người dân gửi vàng vào ngân hàng khi giá vàng còn thấp, giờ giá vàng tăng vọt lên, khách hàng được lợi, còn ngân hàng chìm trong nỗi lo lớn.
Đề xuất đánh thuế vàng gặp phải nhiều phản ứng từ dư luận
Đề xuất đánh thuế vàng của NHNN ngay lập tức đã gặp phải sự phản đối của các chuyên gia, của người dân và cả các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước có quyền đánh thuế và người dân có trách nhiệm phải đóng thuế. Tuy nhiên, không phải mặt hàng nào cũng có thể đánh thuế. Mỗi khi sinh ra một loại thuế, phí nào đó thì cần phải tính toán kỹ lưỡng các mặt lợi, hại của nó. Đặc biệt cần phải lấy ý kiến của người dân. Trên thực tế, thời gian vừa qua có khá nhiều đề xuất liên quan đến thuế, phí đã gặp phải sự phản đối kịch liệt từ phía người dân như phí bảo trì đường bộ, thuế thu nhập cá nhân đối với trợ cấp thai sản… Trong đó thì loại thuế thu nhập cá nhân đánh vào sản phụ mà Tổng cục Thuế sau khi ban hành đã phải bãi bỏ do sự phản ứng từ dư luận.
Liên quan đến đề xuất này, ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, Nhà nước không nên áp đặt thị trường. Bản thân thị trường vàng bị tác động bởi rất nhiều yếu tố khách quan như giá vàng thế giới, xu hướng đầu tư, tình hình kinh tế… Đó là chưa kể đến tình trạng nhập lậu vàng do chênh lệch giá trong và ngoài nước đang ở mức cao. Điều đó cho thấy, thị trường vàng trong nước không thể chủ động được giá và bị chi phối bởi những yếu tố trên, cộng với tâm lý của người dân. Do đó, theo ông Long, việc Nhà nước dùng những yếu tố chủ quan để áp đặc thị trường vàng là chưa chuẩn. Thậm chí, việc làm này có thể sẽ nảy sinh tác động ngược. "Tôi cho rằng, NHNN chỉ nên can thiệp bằng chính sách, công cụ cần thiết ở một mức độ nhất định. Quan trọng nhất là phải tuân theo những quy luật khách quan cũng như tôn trọng quyền giữ vàng của người dân", chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhấn mạnh.
Đề xuất gây tranh cãi
Xung quanh đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng, có một số ý kiến cho rằng, việc đánh thuế là một trong những động tác quản lý mặt hàng này của NHNN. Ý đồ của NHNN khi đánh thuế vàng là nhằm hạn chế việc kinh doanh vàng của người dân, không muốn người dân "găm" vàng trong nhà mà hãy đưa số tiền đó vào sản xuất kinh doanh hoặc gửi ngân hàng. Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về vấn đề này, ông Nguyễn Công Danh, tổng giám đốc Công ty CP Vàng châu Á phân tích, một số nước trên thế giới người ta đã áp dụng hình thức đánh thuế vàng. Đối với Việt Nam hiện nay mới là đề xuất.
Tuy nhiên, đây là một ý đồ đúng của NHNN trong việc hạn chế người dân giữ vàng. "Hiện nay trong dân còn có hàng trăm tấn vàng, trong khi đó lạm phát lại rất cao, không có tiền để đầu tư sản xuất kinh doanh. Nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng thì sẽ hạn chế được sức mua của dân. Khi đó, số tiền để dành mua vàng sẽ được gửi vào ngân hàng, đưa vào sản xuất kinh doanh. Khi đó lãi suất sẽ giảm xuống, NHNN sẽ huy động được nhiều tiền để phục vụ cho sản xuất".
Lo ngại trước việc nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng sẽ đẩy giá vàng lên cao hơn, ông Nguyễn Công Danh cho rằng, vai trò của NHNN trong vấn đề này rất quan trọng. Cơ quan này phải đảm bảo được việc cân đối trạng thái vàng mua bán vàng chứ không như trước kia được. Thời gian trước, một số ngân hàng do cân đối trạng thái không tốt, ồ ạt huy động gửi vàng. Chính vì thế, khi giá vàng lên cao, ngân hàng phải "méo mặt" trả lãi cho người gửi. "NHNN sẽ cân đối được trạng thái vàng nhờ độc quyền quản lý. Lúc đó, giá vàng trong nước và thế giới sẽ không còn chênh lệch như trước. Để khi đánh thuế vàng không bị đẩy giá, bắt buộc NHNN phải cân đối được trạng thái mua bán vàng", ông Danh phân tích.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lên tiếng phản đối việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng. Bởi lẽ, theo nhìn nhận của vị chuyên gia này, vàng không phải là một sản phẩm để tiêu thụ đặc biệt như rượu, thuốc lá và ô tô. Vàng chỉ là một phương tiện thanh toán, một dạng tài chính cất giữ của người dân. Ông Doanh lo ngại, việc đánh thuế sẽ làm cho vàng đắt thêm và khiến khoảng cách giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới tăng lên. "Tôi thấy việc NHNN đưa vàng vào dạng tiêu thụ đặc biệt để đánh thuế là không hợp lý và cần xem xét kỹ vấn đề này. Bởi rõ ràng, vàng không phải là một sản phẩm để tiêu thụ như rượu, thuốc lá, ô tô.
Đánh thuế sẽ làm vàng trong nước tiếp tục tăng giá. Như vậy lại tạo ra một sức hút để cho nhập lậu vàng vào Việt Nam. Tôi đề nghị cơ quan đưa ra đề xuất này cần có một sự giải trình cụ thể, rõ ràng. Họ phải đưa ra dẫn chứng những nước nào trên thế giới đã áp dụng việc đánh thuế này, hiệu quả của họ ra sao. Theo tôi được biết, một số nước tiêu thụ vàng nhiều như Trung Quốc, Ấn Độ… người ta không thực hiện việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng", TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Theo phân tích của TS. Lê Đăng Doanh, khác với những nước trên thế giới, người Việt Nam có thói quen cất giữ vàng, dù nhà giàu hay nghèo. Kể cả những nhà nghèo mà con gái đi lấy chồng, bố mẹ cũng phải gom góp, dành dụm tiền để mua cho con một chỉ vàng làm vốn. Nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng như đề xuất của NHNN thì những trường hợp như vậy rất thiệt thòi và khổ cho họ. TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, nếu đánh thuế vô lý sẽ gây ra sự phản ứng trong nhân dân. Họ sẽ tìm cách trốn thuế và càng làm cho tình hình phức tạp hơn. Do đó, Nhà nước cần thận trọng hơn trong việc ban hành các chính sách liên quan sát sườn đến người dân.
Việc đánh thuế cần phải cẩn trọng TS. Lê Đăng Doanh nhận xét: "Thời gian vừa qua có khá nhiều thứ thuế, phí vô lý. Chẳng hạn như việc định đánh thuế đường bộ đối với cả xe đạp điện, thuế phụ cấp thai sản... Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng cũng giống như đánh thuế đường bộ đối với xe đạp điện vậy. Khi ra quyết định sẽ thu một loại thế nào đó, Nhà nước cần hết sức thận trọng. Dù Nhà nước có quyền đánh thuế nhưng điều đó phải được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Việc đưa ra những đề xuất vô lý như vậy đã làm cho người dân rất bức xúc". |
Hà Khê