Điều đó tạo ra một trách nhiệm pháp lý quá lớn, khó thực thi cho người bị thiệt hại vốn là bên yếu thế hơn trong mối quan hệ này.
Đòi bồi thường dân sự - không dễ!
Từ phản ánh, bức xúc của người dân địa phương về tình trạng lén lút xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, sau hơn 3 tháng theo dõi, ngày 13/9/2008, đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt quả tang Công ty Vedan đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xả một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý ra sông Thị Vải.
Ban đầu Vedan không đồng ý bồi thường, chỉ “hỗ trợ” khoảng 20 tỉ đồng. Trước áp lực của công luận và sức ép người tiêu dùng, giữa tháng 8/2010 – tức là gần 2 năm sau, Vedan mới chấp nhận 100% yêu cầu bồi thường của nông dân TP.HCM, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai với tổng số tiền 220 tỉ đồng.
Trong vụ việc này, các chuyên gia đã cho biết: Nếu phải qua tố tụng thì cái khó nhất là từng hộ dân phải nộp đơn khởi kiện kèm theo những chứng cứ về thiệt hại của mình với những chi tiết và số liệu cụ thể, bởi không có thủ tục kiện tập thể như ở các nước.
Theo đó, từng hộ dân phải nộp một hồ sơ khởi kiện riêng, phải xác định con số và chi tiết thiệt hại cụ thể kèm tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại ấy. Đứng trước những khó khăn của “mặt trận” pháp lý, rất nhiều lực lượng xã hội khác nhau đã tham gia đồng hành với nông dân như báo chí, Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, một số chuỗi siêu thị lớn…
Tuy nhiên, không phải vụ việc nào cũng đạt được kết quả như vụ việc trên (tất nhiên chưa tính đến những vất vả, trở ngại phải vượt qua), mà thông thường bị bên gây thiệt hại “lờ” đi. Chẳng hạn, vào ngày 20/12/2012, chị Hà, trú tại 50 Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội mua chai nước Fanta tại quán nước trước cửa Phòng Công chứng số 4. Sau khi mua về, chị Hà phát hiện ra bên trong chai nước có vật lạ màu trắng. Nhận thấy bất thường, chị Hà đã liên lạc qua điện thoại tới người đại diện của Công ty Coca Cola nhưng không nhận được bất kỳ thông tin nào giải thích về sự cố.
Hạn chế thiệt hại cho bên yếu thế
Thực trạng này có thể được giải thích một phần là do những hạn chế của BLDS hiện hành liên quan đến yếu tố lỗi và nghĩa vụ chứng minh về lỗi trong trách nhiệm BTTH. Cụ thể, đối với BTTH trong quan hệ hợp đồng, BLDS quy định không rõ ràng lỗi có phải là một yếu tố bắt buộc cần phải có của bên vi phạm để bên bị vi phạm có quyền yêu cầu BTTH không, hay chỉ cần có hành vi vi phạm hợp đồng của phía bên kia là bên bị thiệt hại đã có quyền yêu cầu BTTH mà không cần phải chứng minh bên kia có lỗi.
Đối với BTTH ngoài hợp đồng, BLDS quy định người nào có lỗi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân và các chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường (Điều 604).
Tuy nhiên, Bộ luật lại không quy định cụ thể người gây thiệt hại hay người có yêu cầu về BTTH có trách nhiệm chứng minh về lỗi của người gây thiệt hại. Nguyên tắc trong pháp luật tố tụng dân sự là nghĩa vụ chứng minh thuộc về người yêu cầu. Do vậy, trong thực tiễn áp dụng, người có yêu cầu BTTH có nghĩa vụ chứng minh người gây thiệt hại có lỗi, tạo ra một trách nhiệm pháp lý quá lớn, khó thực thi cho người bị thiệt hại trong nhiều trường hợp.
TS Nguyễn Thái Phúc (Giám đốc Học viện Tư pháp) nhận định, quy định trên đây của BLDS không bảo vệ được người bị thiệt hại – là bên yếu thế hơn trong quan hệ dân sự - vì buộc họ phải chứng minh thiệt hại, mức độ thiệt hại.
Theo ông Phúc, pháp luật của nhiều nước trên thế giới (Pháp, các nước EU…) quy định, trong rất nhiều trường hợp bên bị thiệt hại chỉ có nghĩa vụ chứng minh có thiệt hại thực tế xảy ra, thậm chí người yếu thế chỉ cần đưa ra yêu cầu khởi kiện, còn trách nhiệm chứng minh mình không có lỗi thuộc về bên gây thiệt hại. Bởi thế, nhằm hạn chế thiệt hại cho bên bị thiệt hại cũng như tránh quy định trùng lắp hoặc mâu thuẫn với các luật chuyên ngành khác, BLDS cần sửa đổi theo hướng quy định cụ thể về mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và BTTH…
Ngoài ra, nên mở rộng thêm các trường hợp người có yêu cầu BTTH không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên gây thiệt hại, như trường hợp bị thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra hoặc do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra…
Theo Hoàng Thư (Pháp luật Việt Nam)