Sáng nay (4/7), phiên họp thứ 4 HĐND TP.Hà Nội khoá XV tiếp tục diễn ra với nhiều nội dung được các đại biểu quan tâm. Đáng chú ý có nội dung quyết nghị Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030”.
Theo đó, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030 sẽ được chia theo từng giai đoạn để quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông, quản lý về chất lượng phương tiện tham gia giao thông, phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng…
Giai đoạn 2017 - 2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải.
Giai đoạn 2017 - 2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.
Giai đoạn 2017 - 2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Nhắc tới đề án này, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay, hạ tầng giao thông TP.Hà Nội được quy hoạch, đầu tư mạnh theo hướng đồng bộ, hiện đại. Thế nhưng, giai đoạn 2011 - 2016, tốc độ tăng trưởng về chiều dài đường đô thị là 3,85%/năm, diện tích đường đô thị là 0,25%/năm.
Trong đó, phương tiện giao thông đường bộ tăng lên quá nhanh. Trên địa bàn TP có khoảng hơn 5,2 triệu xe máy, 485.955 ô tô (chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông). Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2016 của ô tô là 10,2%/năm, xe máy là 6,7%/năm.
Theo đó, tại các khu vực nội đô và cửa ngõ ra vào của TP.Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng trong giờ cao điểm và ngày lễ, tết, đặc biệt là những ngày cuối tuần. Việc quản lý phương tiện xe cơ giới đường bộ còn nhiều bất cập.
Cụ thể, quản lý phát triển về số lượng phương tiện mới chỉ có quy định đối với xe taxi, các loại xe còn lại chưa có quy định quản lý cụ thể. Các biện pháp thuế, phí, lệ phí chưa đủ mạnh để tác động đến sự phát triển số lượng và hoạt động của các loại phương tiện giao thông đường bộ. Việc điều tiết, cấm hoạt động đối với một số loại phương tiện giao thông còn ở phạm vi hẹp...
Đề cập tới đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030”, ông Viện nhấn mạnh: “Đây là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách để giảm ùn tắc giao thông nội đô”.
Tuy nhiên, ĐB Phạm Đình Đoàn (quận Hoàng Mai) cho rằng: "Hạn chế phương tiện cá nhân cần thực hiện dần chứ không cấm đột ngột vào năm 2030. Về việc điều chỉnh giờ học, giờ làm là rất cần thiết, cần thực hiện ngay. Nhưng về giải pháp dài hạn, giải quyết vấn đề tận gốc thì rất khó. Cần xây dựng một Hà Nội mới bên cạnh Hà Nội cũ, xây dựng cả giao thông ngầm, giao thông đường bộ đúng như hệ thống giao thông đô thị trên thế giới".
Thế Anh