Giờ hành chính chỉ là cách gọi “giờ làm việc” của một ngày; giờ hành chính được tính là 8 tiếng làm việc không kể thời gian nghỉ trưa, còn việc quy định từ mấy giờ đến mấy giờ là tùy thuộc vào tính chất công việc của cơ quan, tổ chức. Nói chung giờ hành chính là giờ làm việc của các cơ quan công quyền của Nhà nước.
Tòa án các cấp cũng là cơ quan Nhà nước nên giờ làm việc cũng theo quy định của Bộ luật Lao động như các cơ quan hành chính nhà nước khác, tức là mỗi ngày làm việc 8 giờ, ở các cơ quan trung ương từ 8 giờ đến 17 giờ, còn ở địa phương từ 7 giờ 30 đến 16 giờ 30 (có trừ thời gian nghỉ trưa).
Giờ làm việc của các tòa án với thời gian xét xử một vụ án là hoàn toàn khác nhau. Giờ làm việc là theo Bộ luật Lao động còn thời gian xét xử là theo Luật Tố tụng. Bộ luật Lao động cũng chỉ quy định giờ làm việc của một ngày, một tuần, một tháng, một năm; giờ làm việc ban đêm, giờ làm thêm, nghỉ giữa giờ, nghỉ chuyển ca, nghỉ tuần, nghỉ năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng… chứ không có quy định về “giờ hành chính” hay “ngoài giờ hành chính”.
Xét xử là hoạt động tố tụng của tòa án nên phải căn cứ vào Luật Tố tụng. Nếu cho rằng chưa có quy định của pháp luật về thời gian xét xử của tòa án thì không đúng. Theo quy định của Luật Tố tụng thì việc xét xử phải tiến hành liên tục trừ thời gian nghỉ. Nếu phải hướng dẫn thì TAND Tối cao cần hướng dẫn thế nào là “liên tục” và thế nào là “thời gian nghỉ”?
Với quy định này thì việc xét xử của tòa án không phụ thuộc vào giờ hành chính. Thực tiễn xét xử cho thấy không phải phiên tòa nào cũng khai mạc hay kết thúc trong giờ hành chính. Đã có phiên tòa khai mạc vào lúc 4 giờ sáng nhưng cũng có phiên tòa kết thúc vào 2 giờ sáng vì sáng hôm sau phải bàn giao hội trường (phòng xét xử) cho đơn vị khác để tổ chức hội nghị.
Có phiên tòa diễn ra trong vài tiếng nhưng có phiên tòa phải xét xử cả thứ Bảy, Chủ nhật; có phiên tòa xét xử trong một ngày nhưng cũng có phiên tòa kéo dài một tuần, một tháng, thậm chí vài ba tháng; thời gian nghỉ là do HĐXX ấn định. Ví dụ: Trong vụ án Năm Cam, phiên tòa diễn ra vài tháng, xét xử cả ngày thứ Bảy nhưng trong quá trình xét xử, HĐXX lại cho nghỉ một ngày hoặc vài ngày vào ngày làm việc, sau đó lại tiếp tục xét xử.
Tuy pháp luật không có quy định buộc tòa phải xử án trong giờ hành chính hay nghiêm cấm tòa xử án ngoài giờ hành chính nhưng việc xét xử ngoài giờ hành chính chỉ nên áp dụng đối với một số trường hợp cá biệt. Vì dù sao thì việc xét xử ngoài giờ hành chính ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của người tham gia tố tụng và cả người tiến hành tố tụng.
Việc xét xử trong giờ hành chính hay ngoài giờ hành chính phải xuất phát từ quyền lợi hợp pháp của những người tham gia tố tụng và yêu cầu của việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật… Cần hạn chế tối đa việc kéo dài thời gian xét xử một cách tùy tiện, gây khó khăn cho những người tham gia tố tụng.
Việc xét xử ngoài giờ hành chính không phải lý do để kháng cáo hoặc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm hay tái thẩm. Trong trường hợp người tham gia tố tụng kháng cáo chỉ vì lý do “Tòa án cấp sơ thẩm xét xử ngoài giờ hành chính” thì tòa án cấp phúc thẩm không phải mở phiên tòa, mà chỉ coi đây là đơn khiếu nại hành vi tố tụng. Tòa án cấp sơ thẩm hoặc tòa án cấp phúc thẩm phải giải thích cho người kháng cáo biết để họ thực hiện quyền khiếu nại theo quy định.
Theo phapluattp.vn