Theo TTXVN, Văn phòng Điều tra quốc gia của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc (KNPA) mới đây đã chính thức khai trương “Phòng thí nghiệm Pháp y côn trùng” đầu tiên của nước này tại Học viện Cảnh sát điều tra Hàn Quốc để từng bước triển khai kỹ thuật phân tích thời gian tử vong của các nạn nhân.
Thời điểm tử vong là một bằng chứng quan trọng để xác định nguyên nhân tử vong cũng như liên quan đến tội phạm và thường được ước tính dựa trên nhiệt độ, vết bầm trên thi thể, mức độ tiêu hóa các chất trong dạ dày nạn nhân... Tuy nhiên, các phương pháp này kém hiệu quả hơn đối với những thi thể đã bị phân hủy trong thời gian dài.
Côn trùng học pháp y tận dụng đặc điểm của mỗi loài côn trùng phát triển với tốc độ không đổi theo nhiệt độ. Điều này có nghĩa là có thể ước tính thời gian tử vong bằng cách phân tích các côn trùng phát triển trong thi thể nạn nhân.
KNPA cho biết không áp dụng được biện pháp này để điều tra do thiếu các trung tâm phân tích chuyên ngành, thiếu chuyên gia côn trùng học trong nước cũng như không đủ dữ liệu về sự phát triển của côn trùng.
Để giải quyết những vấn đề trên, KNPA đặt nền móng cho ngành pháp y côn trùng bằng cách hợp tác với Đại học Korea (Khoa Pháp y) từ năm 2016 để thu thập dữ liệu về côn trùng.
Tháng 4 vừa qua, các nỗ lực nghiên cứu và phát triển (R&D) bổ sung đã được thực hiện để mở rộng dữ liệu côn trùng học nước ngoài và củng cố các phương pháp phân tích.
Phòng thí nghiệm Pháp y côn trùng là trung tâm phân tích đầu tiên của Hàn Quốc, nơi sẽ áp dụng các phát hiện nghiên cứu và phát triển côn trùng học phục vụ công tác pháp y. Ngoài ra, trung tâm này cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ dưới nhiều hình thức đối với các lĩnh vực trị an, bao gồm hành vi bỏ mặc người già và đối xử tàn ác với động vật.
Hiện nay pháp y côn trùng học đã được chấp nhận như một kỹ thuật điều tra phổ biến của lực lượng cảnh sát ở các quốc gia như Mỹ và các nước châu Âu.
Faulkner, nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên San Diego, nói rằng qua nghiên cứu loại côn trùng nào xuất hiện trên thi thể và vòng đời của những con vật này, các nhà khoa học có thể ước lượng được thời gian tử vong của nạn nhân. Dù không được chính xác đến từng phút, nhưng việc ước lượng nằm trong khoảng nào đó giúp ích rất nhiều cho quá trình điều tra.
Trên một xác chết có thể có rất nhiều loài côn trùng như kiến, bọ gậy và bọ cánh cứng. Thế nhưng ruồi và ấu trùng của chúng (giòi) được cho là công cụ xác định thời điểm tử vong hữu dụng nhất. Thi thể khi phân hủy sẽ tạo ra chất dịch và khí gas. Mùi tỏa ra trong quá trình đó sẽ báo hiệu cho một con ruồi biết rằng có một nơi rất giàu protein để nó có thể đẻ trứng. “Một con ruồi có thể gần như ngay lập tức có mặt và trong vòng 20 phút, những quả trứng đã xuất hiện", ông Faulkner nói.
Các loài côn trùng có thể tiết lộ cho các nhà nghiên cứu biết nhiều bí mật khác nữa. Ví dụ, xác đã bị di chuyển hay không, có bị chôn dưới đất hay không, thời tiết lúc đó thế nào... Bởi tất cả các yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến sự phân hủy của xác - căn cứ xác định thời gian chết của nạn nhân.
Ngày nay ngành côn trùng học pháp y đã có những bước tiến dài nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Với những hiện trường không tìm thấy xác chết, chỉ có máu và côn trùng, các nhà khoa học thậm chí đã có thể lấy được ADN người từ bên trong những con côn trùng này.
Minh Hoa (t/h theo TTXVN, VnExpress)