CNN đưa tin, kết quả bỏ phiếu của hội đồng tòa án tối cao, cho thấy 7 trên 9 thẩm phán đồng ý rằng luật cấm phá thai đang đi ngược lại với hiến pháp của quốc gia hiện tại. Với việc đáp ứng số phiếu cần thiết (trên 6 phiếu), định luật cấm nạo phá thai sẽ sớm được xóa bỏ khỏi các văn bản pháp luật.
Các nhà làm luật sẽ có thời hạn đến tháng 12/2020 để tham khảo và chỉnh sửa bộ luật. Tuy nhiên việc phá thai trên 20 tuần tuổi vẫn bị coi là bất hợp pháp.
Trước đó, những người phụ nữ có ý định từ bỏ thai nhi sẽ phải đối mặt với án tù lên tới 1 năm và có thể bị phạt 2 triệu won (hơn 41 triệu đồng). Các y sĩ thực hiện phá thai có thể bị phạt tù lên tới 2 năm.
Dù trường hợp bị phát hiện và khởi tố không nhiều nhưng để lại tiếng vang lớn.
Theo một khảo sát được thực hiện bởi Viện nghiên cứu Y tế và Xã hội Hàn Quốc năm 2019, 75% phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 44 cho rằng định luật này thiếu công bằng. Khoảng 20% số người phản hồi khẳng định họ vẫn sẽ phá thai dù phạm pháp.
Áp lực dư luận trong những năm gần đây đã thúc đẩy việc hợp pháp hóa liệu trình này. Tuy nhiên vẫn còn đó những làn sóng phản đối kịch liệt từ các nhóm tôn giáo, các hội nhóm bảo thủ, một vài trong số đó có liên quan đến chiến dịch phản đối nạo phá thai ở Mỹ.
Kim Kyung-hee (52 tuổi)-một nữ giáo viên dạy thêm phát hiện mình có thai ở tuổi 40. Cô cùng chồng đã có 2 người con gái, việc sinh con ở độ tuổi này đi kèm rất nhiều rủ ro nên cô quyết định từ bỏ thai nhi.
Ở một số quốc gia, liệu trình này có thể được thực hiện vô cùng đơn giản và nhanh chóng tại các cơ sở y tế uy tín. Tuy nhiên tại Hàn Quốc, những phụ nữ có nhu cầu chỉ có thể phá thai bất hợp pháp.
“Riêng việc từ bỏ một sinh mạng đã khó khăn lắm rồi, lại thêm cảm giác mình đang phạm pháp khiến tôi cảm thấy tồi tệ hơn", nữ giáo viên chia sẻ.
Việc tìm một nơi để phá thai không hề khó. Cô Kim sau khi khám thai tại một bệnh viện phụ sản lớn đã trình bày nguyện vọng với bác sĩ. Người này sau đó đã lên lịch để thực hiện ca phẫu thuật.
Dù rằng sau khi tiến hành phẫu thuật sức khỏe của sản phụ chưa thể phục hồi nhưng cô Kim vì sợ bị bắt nên đã sớm xuất viện. Cô cũng giấu kín chuyện phá thai kể cả với gia đình và bạn bè.
Tuy nhiên cô Kim không phải trường hợp duy nhất. Trong năm 2018, có khoảng 50.000 phụ nữ thực hiện phá thai ở Hàn Quốc, theo báo cáo của Bộ y tế.
Con số này vào năm 2011 là 168.000. Tuy nhiên đây vẫn là một con số đáng bàn cãi vì nhiều bác sĩ sợ vướng vào rắc rối nên đã không khai báo hoặc khai báo thiếu trung thực.
Nhiều người cho rằng đạo luật đặt một gánh nặng không nhỏ lên đôi vai phụ nữ Hàn Quốc. “Việc mang thai yêu cầu 2 người nhưng người chịu phạt chỉ có phụ nữ”, cô Kim chia sẻ quan điểm.
Những cuộc biểu tình liên tục nổ ra trong vòng nhiều năm khiến quốc gia này xem xét lại đạo luật.
Việc phá thai từng suýt được hợp pháp hóa vào năm 2012. Theo luật gia Cho Hee-kyung, một cuộc bỏ phiếu đã được thực hiện, kết quả là 4 thẩm phán đồng tình và 4 người khác phản đối, 1 người vắng mặt dẫn đến kết quả hòa. Điều này có nghĩa là định luật tiếp tục có hiệu lực.
Kết quả của cuộc bỏ phiếu khiến dự luận xã hội sục sôi, kể cả trong nước lẫn quốc tế. Các làn sóng phản đổi, đòi quyền bình đẳng dấy lên ở khắp nơi trên Hàn Quốc.
Tổng thống đương nhiệm của Hàn Quốc, ông Moon Jae-in đã bổ nhiệm 6 trên 9 thẩm phán tham gia Tòa án tối cao. Dù ngài tổng thống không lên tiếng về vấn đề này nhưng ông vẫn luôn được biết đến là một người ủng hộ bình đẳng giới và bảo vệ quyền lợi của những thành phần nhỏ bé trong xã hội.
Vào năm 2017, hơn 235.000 người đã kí vào một lá đơn kiến nghị bãi bỏ luật cấm này. Đáp lại, phía chính phủ hứa cố găng nâng cao giáo dục giới tính đồng thời hỗ trợ các bà mẹ đơn thân trong thời gian xem xét lại luật pháp.
Thậm chí một số tổ chức, nhà thờ phản đối hợp pháp hóa nạo phá thai cũng không đồng tình việc chỉ xử phạt phụ nữ.
Bá Di