Nhiều người dân nuôi hi vọng làm giàu bằng con đường xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc đang ngồi trên đống lửa. Nhất là ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh..., những nơi có dân số đi lao động Hàn Quốc lớn nhất cả nước. Vấn đề đáng nói ở đây là những con người này kỳ vọng và đặt hết cả tài sản của mình để đầu tư cho con em đi học tiếng, học nghề. Nhiều gia đình rơi vào cảnh sống lao đao chỉ vì xuất khẩu lao động hụt.
LĐVN làm thủ tục dự thi tiếng Hàn trên máy tính sáng 20/9. Ảnh: Dân trí
Khuôn mặt thẫn thờ từ hôm nhận được tin Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hạnh (SN 1952, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) buồn bã chia sẻ: "Gia đình tôi nghèo, lại đông con. Thấy hàng xóm họ có con đi Hàn Quốc về kinh tế khá hơn nên chúng tôi cũng cố gắng vay chạy định cho thằng út đi xuất khẩu lao động. Năm ngoái, khi thằng con học xong lớp 12, vợ chồng tôi khuyên nó không thi đại học mà sẽ đầu tư đi lao động Hàn Quốc mấy năm để cải thiện kinh tế gia đình trước. Sau này, về nước sẽ có tiền ăn học".
Hai vợ chồng ông Hạnh bàn bạc vay mượn ngân hàng được 70 triệu đồng. Sau khi có tiền giắt lưng, ông Hạnh đưa con vào TP. HCM học tiếng. Vừa rồi, tới thời hạn bay của con trai ông nhưng bỗng dưng nhận được thông tin phía Hàn Quốc tạm dừng nhận lao động. Điều đó có nghĩa là giấc mơ xuất ngoại của con trai ông dường như chấm dứt. Bởi chưa biết đến bao giờ phía Hàn Quốc mới nối lại tiếp nhận lao động Việt Nam.
Gánh nợ chồng lên vai đôi vợ chồng già. Bao nhiêu kỳ vọng về một sự thay đổi đã dần tuột khỏi bàn tay họ. Chỉ mới mấy ngày từ khi nhận được tin dữ nhưng trông ông Hạnh gầy đi thấy rõ. Còn Quân, con trai ông cũng vì thế trở nên chán nản. "Em tính đi Hàn Quốc vài năm kiếm ít tiền về làm vốn và giúp đỡ bố mẹ. Nhưng với tình hình này không biết bao giờ mình mới sang bên kia được. Nếu cứ để lâu như thế này không những phải gồng mình trả tiền lãi ngân hàng mà tiếng Hàn của em cũng bị mai một. Không khéo đến đợt đi sau lại phải đi học lại", Quân buồn rầu chia sẻ.
Không chỉ riêng gì gia đình ông Hạnh mà rất nhiều người dân ở huyện Tân Yên (Bắc Giang) cũng đang nóng lòng như ngồi trên lửa. Cách đây mấy hôm, Phòng LĐTB&XH huyện thông báo về việc Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ của Phòng LĐTB&XH huyện Tân Yên cho biết: Huyện Tân Yên là một trong những huyện nghèo được ưu tiên cho con em đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc. Năm vừa qua, toàn huyện có trên 2000 lao động trong diện đi làm việc tại Hàn Quốc, đa phần trong đó đều thuộc diện gia đình khó khăn, phải vay tiền để làm thủ tục. "Nay nhận được thông tin Hàn Quốc dừng tuyển, không chỉ người dân mà ngay chúng tôi cũng "sốc". Nếu việc này kéo dài thì hàng nghìn lao động và gia đình họ lâm vào cảnh đã khó nay càng khó hơn", vị này cho biết.
Vợ chồng chị Hoàng Thị Nga (SN 1978) và anh Nguyễn Viết Hùng (SN 1977) ở Tân Yên (Bắc Giang) đang khóc dở mếu dở khi chờ đợi bao ngày để nhận được một tin "sét đánh": Phải chờ vì Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận lao động. Chị Nga kể, chồng chị đang làm công nhân xây lắp ở TP.HCM, lương tháng ổn định 5 triệu đồng thì được bạn bè mách mối đi học tiếng để xuất khẩu lao động Hàn Quốc, lương gấp ba lần. Hai vợ chồng bàn nhau bán hết gia sản trong nhà được hơn 20 triệu đồng, lại phải đi vay khắp họ hàng mới đủ tiền đi học tiếng. Anh Hùng động viên vợ vay vốn ngân hàng để đóng tiền đặt cọc rồi sang đó tích góp gửi tiền về trả nợ.
Chồng tôi cũng không phải người lười biếng nên tôi không phải lo lắng nhiều. Tôi nhờ bố mẹ đẻ vay lãi ngân hàng thêm 50 triệu đồng rồi gom hết cho chồng đi học tiếng. Đến khi có chứng chỉ tiếng rồi, chờ làm thủ tục bay thì chẳng hiểu lý do tại sao phía công ty xuất khẩu lao động họ cứ hoãn lại hết lần này đến lần khác. Bây giờ thì thông tin chính thức là dừng hẳn, vợ chồng tôi lo lắm, không biết làm sao để trả nợ", chị Nga buồn rầu chia sẻ.
T. Đông - Q. Triều