Giận dữ trước cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn, Bình Nhưỡng hồi đầu tháng này đã rút toàn bộ các công nhân khỏi Kaesong và cấm người Hàn Quốc đi qua biên giới để mang thực phẩm và đồ tiếp tế vào khu công nghiệp chung.
Sau khi Bình Nhưỡng từ chối đề nghị đàm phán nhằm giải quyết thế bế tắc kéo dài nhiều tuần lễ, chính phủ Hàn Quốc ngày 26/4 tuyên bố sẽ rút các nhân viên còn lại khỏi Kaesong.
Nhóm người Hàn Quốc cuối cùng làm việc tại khu công nghiệp dự kiến sẽ rời khỏi đây vào cuối ngày hôm nay, bỏ trống đặc khu kinh tế nơi 123 công ty Hàn Quốc từng hoạt động, tuyển dụng 800 nhân viên Hàn Quốc và 53.000 lao động Triều Tiên.
Trong bối cảnh những lo ngại đang gia tăng về thế bế tắc kéo dài của Kaesong, biểu tượng cuối cùng của mối quan hệ hợp tác liên Triều, các bình luận của một quan chức Triều Tiên chịu trách nhiệm về khu công nghiệp đã thổi bùng suy đoán rằng Bình Nhưỡng đang cân nhắc đưa các binh sĩ trở lại thành phố vùng biên trong một nỗ lực nhằm làm gia tăng căng thẳng.
Hôm 27/4, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đã dẫn lời một phát ngôn viên của khu công nghiệp rằng việc đóng cửa Kaesong “có thể tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho một cuộc chiến lớn” bằng cách đặt “Seoul ở cự ly gần hơn và mở rộng đường cho việc tiến xa hơn về phía nam”.
Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Hàn Quốc ngày 29/4 cho hay Hàn Quốc và Mỹ đang theo dõi chặt chẽ tình hình tại Kaesong để phát hiện bất kỳ dấu hiệu huy động quân sự đặc biệt nào gần khu vực biên giới liên Triều.
Nếu tình trạng bế tắc kéo dài, Shin Bum-chul, nhà nghiên cứu tại Viện phân tích quốc phòng Hàn Quốc, nhận định rằng có khả năng Triều Tiên sẽ điều động một số binh lính và trang thiết bị tới gần Kaesong để gây sức ép với Seoul.
Giới chức quân sự cho hay khu công nghiệp có tầm quan trọng về mặt chiến lược vì chỉ nằm cách thủ đô Seoul chỉ 58 km về phía bắc, với đường sắt và đường bộ nối trực tiếp, và cách thủ đô Bình Nhưỡng 137 km về phía nam.
Trước khi Kaesong thành lập năm 2004, Triều Tiên đã di dời 2 đơn vị quân đội được vũ trang hạng nặng quản lý binh đoàn xe tăng và pháotại Kaesong và làng đình chiến Panmunjom xa hơn về phía bắc.
Các nhà quan sát khác thì cho rằng sẽ là quá mạo hiểu nếu Triều Tiên tái bố trí các binh sĩ nhằm chứng tỏ rằng khu công nghiệp đã đóng cửa hoàn toàn. Bình Nhưỡng trước đó đã đổ lỗi cho Hàn Quốc nếu Kaesong bị đóng cửa.
“Triều Tiên đã gia tăng căng thẳng suốt tháng qua nhằm tìm kiếm một bước đột phá trong các căng thẳng liên Triều và rất khó để đưa ra một quyết định cực đoan như vậy”, một tướng về hưu của Hàn Quốc từng tham gia các cuộc đàm phán về Kaesong, cho biết.
“Mặc dù Triều Tiên có thể cân nhắc triển khai quân đội như một đòn bẩy tìm kiếm sự nhượng bộ từ Hàn Quốc nhưng Bình Nhưỡng rất khó làm vậy trong 1 hoặc 2 năm”, quan chức trên nói thêm.
Kaesong được thành lập trong khuôn khổ “Chính sách ánh dương” của sự tái hòa giải liên Triều theo sáng kiến của cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-Jung, người đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó là Kim Jong-il vào năm 2010.
“Cánh cửa đàm phán vẫn mở”
Nhà ngoại giao hàng đầu của Hàn Quốc ngày 29/4 tuyên bố “cánh cửa đàm phán” vẫn mở với Triều Tiên, dù Bình Nhưỡng đe dọa đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong.
“Chúng tôi quyết định đưa toàn bộ các nhân viên còn lại tại Kaesong về nước nhằm bảo vệ các công dân”, Ngoại trưởngHàn Quốc Yun Byung-se phát biểu tại một diễn đàn ở Seoul. “Tuy nhiên, cánh cửa đàm phán với Triều Tiên vẫn mở”.
“Chúng tôi đang cố gắng gửi đi một thông điệp nhất quán và rõ ràng tới Triều Tiên, nhưng cùng lúc đó, chúng tôi cố gắng tăng cường mối liên kết chiến lược với Triều Tiên bằng sự răn đe mạnh mẽ hiện có”, ông Yun nói thêm.
Nhưng Ngoại trưởng Yun cũng cảnh báo rằng sự cô lập của Triều Tiên có thể còn tồi tệ hơn nếu Bình Nhưỡng vẫn duy trì chính sách cũ nhằm kích động căng thẳng và để hưởng các lợi ích kinh tế.
“Triều Tiên phải hiểu rằng các chương trình tên lửa và hạt nhân chỉ là một giấc mơ trống rỗng”, ông Hun nói.
Theo An Bình/Dân trí