Trong đề cương luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đã đề xuất thời hạn sử dụng chung cư chỉ từ 50-70 năm thay vì lâu dài như từ trước đến nay. Xoay quanh thông tin gây ồn ào dư luận này, Người Đưa Tin đã có trao đổi với ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bên hành lang Quốc hội sáng 10/6.
NĐT: Thưa đại biểu, Bộ Xây dựng đề xuất thời hạn sử dụng chung cư chỉ từ 50-70 năm thay vì lâu dài, điều này đang nhận được sự quan tâm của dư luận, ông có đánh giá như thế nào về đề xuất này, liệu có khả thi?
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Đúng là bây giờ đưa ra đề xuất chung cư có thời hạn 50-70 năm sẽ tác động rất lớn đến tâm lý người dân. Lý do là bởi, người dân coi nhà ở là một loại tài sản tích trữ, muốn được sở hữu vĩnh viên rồi lưu truyền, thừa kế cho con, cho cháu, đây sẽ vướng vào yếu tố tâm lý rất lớn.
Tuy nhiên, trên thực tế chung cư không phải là tài sản vĩnh viễn, có những bài học nhãn tiền là có những khu chung cư cũ hiện nay, sau khoảng 50 năm xây dựng và sử dụng hiện xuống cấp rất trầm trọng. Nếu như những khu đó được đầu tư, cải tạo xây dựng lại ở vị trí đất vàng thì lại trở thành các sản phẩm nhà ở có giá trị và tiện ích rất tốt.
Thế nhưng, vì không thể đầu tư, cải tạo được một cách dễ dàng do sự đồng thuận của người dân khác nhau.
Trên thế giới cũng có nhiều nước quy định về sở hữu chung cư có thời hạn, để đảm bảo khi không còn an toàn nữa sẽ thực hiện việc thay thế. Nên, đề xuất của Bộ Xây dựng tôi cho rằng có thể gây tâm lý, nhưng đây cũng là đề xuất tích cực cho yếu tố phát triển lâu dài.
NĐT: Trong trường hợp hết hạn sử dụng 50-70 năm, nếu công trình bị tháo dỡ thì tại thời điểm đó, việc định giá đất sẽ được thực hiện và tính toán chia lại như thế nào để trả lại cho người dân một cách hợp lý, công bằng nhất, ông nghĩ sao về ý kiến này?
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Tôi nghĩ rằng, khi đã đưa ra cơ chế là sở hữu có thời hạn thì đất khu vực đó không phải là đất sở hữu vĩnh viễn mà chỉ là đất thuê. Như vậy, tính giá đất vào trong giá thành bán chung cư cho người dân sở hữu có thời hạn thì chỉ là giá thuê rất thấp, chứ không phải giá sử dụng vĩnh viễn. Cho nên, hai vấn đề này khác nhau.
Pháp luật quy định, một dự án đầu tư được quy định thời hạn 50 năm, nhưng sau 50 năm nếu khu vực đó không có sự thay đổi quy hoạch thì nhà đầu tư đó tiếp tục gia hạn cho đầu tư.
Vậy thì, những người dân đang sống trong các nhà chung cư, đất đấy là đất được thuê trong vòng 50 năm, nhà đấy được sở hữu và quy định 50 năm.
Nếu buộc lòng phải phá căn nhà để đầu tư xây dựng mới thì bản thân người dân phải được quyền biết đầu tiên, sử dụng mảnh đất đó để xây dựng nên căn nhà mới.
Đây là điều đảm bảo quyền lợi cho người dân, với các cách đó lợi ích của người sử dụng, sở hữu những căn hộ chung cư 50 – 70 năm cũng không có khác biệt so với người sở hữu vĩnh viễn.
NĐT: Như ông phân tích, điều này có gây tâm lý e ngại cho người dân và sẽ chuyển từ mua chung cư sang mua nhà mặt đất?
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Đây là vấn đề tâm lý, và tôi cho rằng phải làm thế nào đó để người dân nhận thức được đầy đủ hơn, đảm bảo lợi ích của những người sở hữu chung cư 50-70 năm không có gì khác biệt so với người sở hữu chung cư dài hạn. Thậm chí, có thể thuận lợi hơn ở chỗ khi đến thời hạn chủ động biết được sẽ phải chuẩn bị tinh thần xây dựng lại chung cư này cho tốt hơn.
NĐT: Vậy, theo ông để đề xuất của Bộ Xây dựng khả thi và đi vào thực tiễn được thì giải pháp ở đây là gì?
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Phải đa dạng hóa phương thức sở hữu, chung cư nào đã cấp phương án sở hữu dài hạn thì vẫn tiếp tục, còn các khu mới phải đưa ra các chính sách về sở hữu theo thời hạn. Trước hết là đất đai, khi đó thì giá đất tính vào giá chung cư hết, không còn là giá sử dụng đất dài hạn nữa, đấy chỉ là tiền thuê đất. Như vậy, tính chi phí đất vào chung cư sẽ phải giảm đi.
Thêm nữa, quyền của những người ở chung cư sau khi chung cư phá dỡ thì có quyền như thế nào? Thậm chí sau 50 năm chung cư vẫn tốt, chưa cần phải phá dỡ thì quyền của họ là gì? Vì thế, phải đảm bảo những quyền đó.
Khi đảm bảo những quyền này, người dân sẽ nhận thấy dù có sở hữu chung cư 50-70 năm cũng không khác gì. Thậm chí, còn tiện lợi hơn so với người sở hữu chung cư dài hạn mà không thống nhất được với nhau, để xảy ra những tình trạng như chung cư cũ bây giờ.
Như vậy, dễ dàng để người dân chấp nhận và sẽ không có chuyện tìm cách rời bỏ chung cư để tìm những dạng nhà ở khác.
NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Liên quan đến nội dung đề xuất quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư gây xôn xao dư luận thời gian qua, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã lên tiếng chính thức về vấn đề này.
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, khi trình Chính phủ về hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở 2014, Bộ Xây dựng đã có đề xuất bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong nội dung chính sách về sở hữu nhà ở thay cho quy định thời hạn sở hữu lâu dài như hiện nay.
Theo đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất 2 phương án và đã được Chính phủ chấp thuận, báo cáo Quốc hội đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2023 (tại Tờ trình số 53/TTr-CP ngày 28/3/2022).
Phương án 1, bổ sung quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Phương án 2, thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng đất xây dựng nhà chung cư theo quy định của pháp luật đất đai.
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, đây mới chỉ là đề xuất chính sách ban đầu (mang tính chủ trương). Sau khi được Quốc hội thông qua đưa vào chương trình xây dựng luật, Bộ Xây dựng sẽ dự thảo cụ thể nội dung để lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các nhà khoa học, người dân. Quốc hội cũng sẽ xem xét, thảo luận kỹ, đánh giá tổng thế những tác động của chính sách này trước khi quyết định.