Đêm 21/12, lực lượng Công an thị xã Long Khánh (Đồng Nai) cùng các cơ quan chức năng tiến hành phong tỏa hiện trường, điều tra vụ hỏa hoạn làm 6 người chết tại địa phương này.
Theo cơ quan điều tra, vụ cháy xảy ra tại quán Ruby nằm trên đường Nguyễn Trãi (phường Xuân Hòa, thị thị xã Long Khánh). Các nạn nhân tử vong gồm Phạm Hữu Khánh Duy (35 tuổi), Trần Văn Đạt (26 tuổi), Hà Trọng Thái (15 tuổi), Đặng Hoài Phương (30 tuổi), Vũ Ngọc Cường (22 tuổi), Hà Trọng Khánh (16 tuổi). Một người bị thương đang được cấp cứu tại bệnh viện.
Vụ hỏa hoạn được xác định xảy ra vào chiều cùng ngày khi nhóm người trên đang sửa chữa nhà hàng. Những người này đóng cửa phía ngoài và sửa chữa bên trong. Khi công nhân hàn xì, lửa bùng phát và cháy dữ dội.
7 người bị kẹt bên trong và họ được đưa ra ngoài sau đó nhưng 6 người trong số đã tử vong. Trong số nạn nhân thiệt mạng có chủ nhà hàng là anh Phạm Hữu Khánh Duy.
Trước đó, vào khoảng 13h45 ngày 1/11/2016 đã xảy ra một vụ cháy lớn tại dãy quán karaoke ở số 68 phố Trần Thái Tông (TP.Hà Nội). Đám cháy sau đó lan ra 4 dãy nhà trên con đường này.
Hậu quả, 13 người chết và toàn bộ bốn căn nhà đã bị cháy rụi, trơ khung sắt. Một xe ôtô và nhiều xe máy dựng trên vỉa hè trước các căn nhà này cũng bị thiêu rụi.
Nguyên nhân là do chủ quán là bà Nguyễn Diệu Linh (sinh năm 1986) thực hiện việc sửa chữa quán, thuê thợ hàn xì về làm nhưng không đảm bảo các yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án này đã được mở vào tháng 9/2018, bà Diệu Linh lĩnh án 9 năm tù, người thợ hàn xì và chủ sử dụng lao động đối với anh ta lĩnh án 7 năm tù.
Điều đáng nói, đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra có nguyên nhân từ hàn xì.
Một vụ việc tương tự xảy ra vào khoảng 11h trưa 27/7/2018, người dân phát hiện khói lửa kèm theo nhiều tiếng nổ lớn phát ra từ một cửa hàng sửa chữa điện lạnh, ở số 375 Lê Văn Lương (phường Tân Quy, quận 7, TPHCM).
Ngay khi phát hiện cháy, người dân sử dụng bình CO2 lao vào dập lửa nhưng không được. Chỉ sau vài phút, lửa nhanh chóng bùng lên, bao trùm toàn bộ cửa hàng sửa chữa điện lạnh và cháy lan sang một salon tóc và cửa hàng sửa chữa đồ điện tử kế bên.
Sau khoảng 20 phút, đám cháy đã được khống chế. Vụ cháy không gây thương vong về người nhưng đã thiêu rụi 3 cửa hàng, cùng nhiều vật dụng, tài sản bên trong.
Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được xác định là do một người đàn ông bất cẩn trong lúc hàn xì ở trước cửa hàng điện lạnh khiến lửa bén vào vật dụng dễ cháy, gây cháy lớn.
Nghiêm trọng hơn, một vụ cháy xưởng bánh kẹo ở Hoài Đức (Hà Nội) vào tháng 7/2017 đã làm 8 người tử vong.
Theo đó, khoảng 10h30 sáng 29/7/2017, tại xưởng sản xuất bánh kẹo có diện tích khoảng 170m2 (do anh Trần Văn Được, quê huyện Phúc Thọ làm chủ) trên địa bàn xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) xảy ra vụ cháy khiến 8 người tử vong, 2 người bị bỏng nặng.
Nguyên nhân là do xưởng đang sửa chữa, thợ hàn xì làm bắn tia lửa điện vào trần gác xép được ghép bằng xốp.
Trước đó nữa, vụ cháy lớn tại khu công nghiệp Quế Võ vào ngày 11/3/2016 đã thiêu rụi gây 3.800m2 nhà xưởng của Công ty TNHH Nam Á, gây thiệt hại hơn 12 tỷ đồng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do lửa bắt nguồn từ máy hàn đang sửa máy sấy trong nhà xưởng.
Từ các vụ việc trên, báo Nhân Dân có bài viết cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy nổ do hàn xì. Tác giả bài báo cho rằng, có một thực tế từ các vụ cháy do hàn xì gây nên đó là các thợ được thuê vào làm việc đều có trình độ dân trí thấp, không được đào tạo qua các lớp học chính quy, bài bản, chủ yếu tự học theo kiểu “truyền tay”, làm nhiều thành quen. Như trường hợp của thợ hàn Kiều Tiến Vinh, người gây nên vụ cháy xưởng làm bánh ở huyện Hoài Đức (Hà Nội).
Trong quá trình điều tra, Vinh cho biết mình không học nghề hàn xì ở trường lớp, trung tâm nào cho nên khi thực hiện hàn xì, sửa chữa tại xưởng bánh kẹo, Vinh cứ thấy chỗ nào cần hàn là đưa mỏ hàn vào chấm chứ không thực hiện che chắn, an toàn phòng cháy. Trường hợp của thợ hàn Kiều Tiến Vinh không phải cá biệt, hiện nay vẫn còn rất nhiều thợ hàn trong quá trình làm việc không có phương án, phương tiện chữa cháy để ứng cứu khi sự cố xảy ra. Nguy hiểm hơn, vật dụng, nhất là vải, xốp khi bị những mối hàn hoặc tia lửa hàn bắt vào chỉ cháy âm ỉ, khi thợ hàn chuyển máy chỗ khác lửa mới bùng phát thì đã quá muộn.
Theo Cảnh sát PCCC, khi hàn hoặc cắt kim loại, nhiệt độ ở tâm ngọn lửa có thể đạt đến 3.000 độ C; nhiệt độ mối hàn cũng đạt khoảng 1.700 đến 1.800 độ C. Quá trình hàn cắt kim loại sẽ làm phát sinh các hạt kim loại nóng có nhiệt độ lên đến hơn 1.000 độ C bắn ra chung quanh. Do đó, các hạt kim loại này khi tiếp xúc với các vật liệu dễ bắt lửa như vải, giấy, trần nhà bằng mút, vách gỗ sẽ dễ bén lửa và gây cháy hoặc cháy âm ỉ. Nhiều trường hợp, thợ cắt sắt mài các thiết bị tạo ra ma sát làm nóng, nhưng khi làm xong lại không dội nước vào rồi sơ ý đánh rơi giẻ lau vào, lập tức biến thành mồi lửa và cháy lớn khi gặp gió.
Cơ quan Cảnh sát PCCC khuyến cáo, khi thợ hàn xì làm việc, người đứng đầu cơ sở phải giám sát hoạt động hoặc cử người giám sát chặt chẽ. Đồng thời, cơ sở phải trang bị phương tiện PCCC trước khi hàn, như để nước và giẻ ướt tại các điểm cách mối hàn 30 cm, trải khăn hoặc giẻ ướt phía dưới nơi hàn, quanh khu vực hàn tạo vách ngăn cách ngăn chặn không cho tia lửa bắn ra ngoài, gây nguy hiểm.
H.Y (tổng hợp)