Sau khi di lý ông Nguyễn Hữu Khai - chủ tịch Tập đoàn Đông Nam dược Bảo Long từ TP. HCM ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra vào trưa 16/6, đúng một ngày sau, khoảng 11h trưa 17/6 , cơ quan An ninh điều tra, công an TP. Hà Nội đã thực hiện lệnh khám xét trụ sở tập đoàn đồng thời cũng là nơi ở cũ của ông này tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Việc khám xét đã thu được nhiều tài liệu và chứng cứ quan trọng. Đáng chú ý, cùng thời gian này, hàng chục cán bộ nhân viên của tập đoàn Bảo Long đã cùng ký đơn kêu oan cho ông Khai.
Khám xét trụ sở Bảo Long
Như tin đã đưa, khoảng 12h trưa 16/6, ông Nguyễn Hữu Khai - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đông Nam dược Bảo Long đã được tổ công tác của cơ quan An ninh điều tra - Công an TP. Hà Nội di lý ra đến Hà Nội.
Trước đó, vào hồi 16h30' ngày 15/6, tại trụ sở Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long (có địa chỉ tại ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM), cơ quan An ninh điều tra - Công an TP. Hà Nội, đã tổ chức thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam (có sự phê chuẩn của viện KSND TP. Hà Nội) đối với ông Nguyễn Hữu Khai. Ông Khai sinh năm 1952 tại Mỹ Đức, Hà Nội, có hộ khẩu thường trú tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Theo cơ quan công an, quá trình thực hiện lệnh bắt, phát hiện bị can đang ở TP.HCM, cơ quan điều tra đã cử tổ công tác phối hợp với công an TP.HCM thi hành lệnh bắt đảm bảo thủ tục chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.
Cơ quan điều tra đang khám xét trụ sở của Bảo Long.
Tiếp theo tiến trình của công tác điều tra, khoảng 11h trưa 17/6, cơ quan An ninh điều tra đã thực hiện lệnh khám xét trụ sở tập đoàn Bảo Long tại thôn Trại Hồ, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Tại tòa nhà của Tập đoàn, được biết trước đây ông Khai sinh sống trong căn hộ nằm ở tầng 10. Quá trình khám xét diễn ra trong khoảng 90 phút, dưới sự chứng kiến của đại diện gia đình ông Khai và đông đảo cán bộ và nhân viên Tập đoàn Bảo Long.
Lực lượng công an và bảo vệ của Tập đoàn Bảo Long được huy động để bảo vệ trụ sở trong lúc cơ quan điều tra thực hiện khám xét. Tại phòng làm việc riêng của ông Nguyễn Hữu Khai, cơ quan điều tra phát hiện và niêm phong một số đĩa hình và tài liệu để phục vụ công tác điều tra. Két sắt trong phòng làm việc của ông Khai cũng được mở ra để kiểm tra. Tuy nhiên, bên trong hoàn toàn trống rỗng.
Sự sụp đổ của một "tượng đài"
Tại trụ sở của Tập đoàn Bảo Long, theo quan sát của PV, vẫn còn lưu giữ những dấu vết của thời hoàng kim đã qua, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại đã bị rêu phong phủ mờ.
Trên một diện tích rộng lớn nằm sát đường quốc lộ, có thể nhận thấy trụ sở chính của Tập đoàn Bảo Long ngoài việc đặt các văn phòng giao dịch và cơ quan đầu não, còn kiêm nhiệm thêm nhiều chức năng khác như võ đường, cơ sở sản xuất... Từ cổng chào đi sâu vào bên trong trụ sở, hai bên đường đi được tập đoàn Bảo Long treo nhiều hình ảnh đẹp mắt cùng các băng rôn, khẩu hiệu quảng cáo cho các sản phẩm thuốc, cùng tinh thần thể thao thượng võ. Nhiều hình ảnh trong đó chụp ông Khai đang huấn luyện cho các học trò về võ thuật, được chú thích rõ ràng: "Võ sư Nguyễn Hữu Khai đang chỉnh lý Bộ pháp cho học trò".
Tâm điểm của toàn trụ sở là tòa nhà cao tầng rộng lớn, được xây dựng ngay lối vào, cách cổng chào chừng 50m, tọa trước khoảng sân rộng phủ kín cây xanh. Theo quan sát, chữ Bảo Long Đường đặt trên nóc tòa nhà đã bị bong tróc gần hết, trông nham nhở và thiếu thẩm mỹ, nhưng cũng chẳng được thay mới. Tòa nhà rộng lớn và bề thế cũng mới chỉ hoàn thiện được một phần, phần chưa hoàn thiện thậm chí còn chưa được trát lại, lộ lớp gạch rêu phong ẩm mốc. Nước chảy trên các tường sơn để lại các vệt rêu màu xanh đen, tạo ra các vệt loang lổ. Theo các cán bộ bảo vệ, kể từ khi xảy ra "chiến tranh" Bảo Long - Bảo Sơn, căn nhà này thường xuyên bị khóa cửa. Đặc biệt hơn, trên diện tích đất này, vẫn luôn tồn tại hai lực lượng bảo vệ của cả hai công ty làm việc song song, không ai chịu ai.
Bên ngoài tầng 1 của căn nhà, có lẽ là những gì hoàng kim nhất trong quá khứ của ông Nguyễn Hữu Khai và tập đoàn Bảo Long. Hàng loạt những hình ảnh đẹp cùng các cúp vàng, huy hiệu, giải thưởng... uy tín mà tập đoàn Bảo Long đạt được được treo ở các vị trí trang trọng hai bên cửa ra vào. Và vẫn theo lối con nhà võ thường thấy, rất nhiều khẩu hiệu răn dạy con người về các thói xấu tham, sân, si được treo lên ở vị trí dễ quan sát. Theo giải thích của những con người nơi đây, đó là cách ông Khai tự răn dạy mình và học trò. "Khôn không qua lẽ, khoẻ không qua lời" và "Biết đủ chẳng nhục, biết dừng chẳng nguy" có lẽ là hai trong số các khẩu hiệu được các học trò của ông Khai nhớ nhất.
Hàng chục nhân viên viết đơn cầu cứu Ngày 16/6, hàng chục nhân viên của tập đoàn Bảo Long đã cùng ký đơn gửi các cơ quan thông tấn báo chí kêu oan cho vị chủ tịch của mình. Theo đơn, các cán bộ công nhân viên này trình bày về nguyên do việc bắt giữ ông Khai khởi nguồn từ việc hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn. Quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác, hai bên không thống nhất được nội dung nên phía Bảo Sơn đã khởi kiện lên TAND TP. Hà Nội. Tuy nhiên, đến đầu tháng 4/2012, phía Bảo Sơn đã rút đơn kiện. Những công nhân viên này cũng cho biết tranh chấp giữa Bảo Long - Bảo Sơn diễn ra trong hai năm qua, nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra và công an đã làm việc với ông Khai cũng như người của Tập đoàn. Nội dung đơn cũng cho hay, trong quá trình thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng, ông Khai luôn tỏ thái độ hợp tác tích cực và "tố" rằng chính phía Bảo Sơn mới là bên thiếu thiện chí dẫn đến tình trạng hợp đồng không được thực hiện như mong muốn. Lùm xùm thương vụ Bảo Sơn - Bảo Long Năm 2011, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn (Tập đoàn Bảo Sơn) đã mua lại 100% vốn cổ phần của 3 đơn vị thuộc Tập đoàn Bảo Long, gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long, bệnh viện đa khoa tư nhân Bảo Long và trường phổ thông võ thuật Bảo Long với giá trị chuyển nhượng hơn 227,5 tỷ đồng. Theo hợp đồng, số tiền này để mua lại toàn bộ vốn cổ phần của các cổ đông (được ghi danh sách trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cổ đông hiện hữu theo quy định của pháp luật) và phần vốn góp bổ sung của các cổ đông với giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng cùng toàn bộ 53.382,7m2 quyền sử dụng đất, tài sản hình thành trên đất, hạ tầng kỹ thuật bao gồm cả các công trình ngầm, trạm xử lý nước thải, trạm biến áp... (trừ máy phát điện), cây cối, hoa màu, nhãn hiệu và bản quyền thương hiệu sản phẩm. Tiếp đó, sau khi nhận chuyển nhượng cổ phần, Tập đoàn Bảo Sơn đã ký một số hợp đồng cho ông Khai vay tiền dưới hình thức khoán kinh doanh, mua nguyên liệu sản xuất thuốc, trả nợ ngân hàng… để duy trì hoạt động bình thường và đời sống của cán bộ, nhân viên cho đến khi bàn giao. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Khai đã sử dụng không đúng mục đích số tiền trên gây ra tranh chấp và kiện tụng suốt nhiều năm qua. |
Long Nguyễn