Chiều 28/4, Công an Tp.HCM phối hợp cùng Cảng vụ Hàng không miền Nam (HKMN) tổ chức hội nghị công tác đảm bảo an toàn hoạt động bay tại khu vực Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.
Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam ông Trần Doãn Mậu cho biết, thời gian qua, nhiều trường hợp chiếu đèn laser, bóng bay, vật thể không người lái đã xảy ra tại sân bay Tân Sơn Nhất, gây uy hiếp an toàn bay. Đáng chú ý, tình trạng này có xu hướng tăng cao.
Theo thống kê, tính từ năm 2021 đến nay, tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (HKQT) ghi nhận 49 trường hợp vi phạm an toàn hoạt động bay (32 trường hợp năm 2021, 17 trường hợp năm 2022).
Trong đó, có một trường hợp do người dân sử dụng đèn công suất cao, 2 trường hợp thả diều, 4 sự việc liên quan tới thả bóng bay và 8 lần vật thể bay gây nguy hiểm tới hoạt động bay tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Đặc biệt, các hoạt động chiếu đèn laser vào buồng lái máy bay, sử dụng flycam và drone/vật thể bay ghi nhận tới 34 trường hợp nguy cơ gây mất an toàn bay.
Các vụ việc xảy ra thường xuyên với tần suất cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho máy bay trong trường hợp đèn laser chiếu thẳng vào buồng lái làm mất tập trung cho tổ lái trong quá trình cất, hạ cánh.
“Từ ngày 15/3, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng rất nhiều, 2.000 khách quốc tế đến sân bay Tân Sơn Nhất trong ngày 15/3 và 2 ngày gần nhất 27 - 28/4, lượng khách đã tăng gấp 3 lần, lên 6.000 khách/ngày.
Nếu không đảm bảo tuyệt đối an toàn bay, có khả năng sẽ dẫn đến những sự cố khó lường. Đây là vấn đề cấp bách, đòi hỏi cần sự chỉ đạo của các đơn vị đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công tác bay tại sân bay Tân Sơn Nhất", ông Mậu thông tin tại hội nghị.
Lãnh đạo Cảng vụ HKMN cho hay, không chỉ trên địa bàn Tp.HCM mới xảy ra tình trạng trên, mà tại khu vực tỉnh Đồng Nai, Bình Dương cũng xuất hiện. Đơn vị chức năng đã phối hợp với Cảng HKQT Tân Sơn Nhất thông báo cho lực lượng có liên quan thành lập đoàn công tác tiến hành kiểm tra, xử lý.
Cảng vụ yêu cầu khi phát hiện vật thể bay, drone, flycam… Cảng HKQT Tân Sơn Nhất có trách nhiệm thông báo cho Sư Đoàn Không Quân (F370) để nắm bắt thông tin.
Cảng vụ HKMN chủ trì phối hợp cung cấp thông tin cho trực ban công an, quân đội, chính quyền địa phương và tiến hành làm việc nhằm đánh giá tình hình, truy nguồn vật thể bay, drone, flycam…
Các cơ quan, đơn vị phối hợp xây dựng kế hoạch tuyên truyền và vận động người dân không điều khiển tàu bay mô hình, các phương tiện bay siêu nhẹ tại các khu vực cấm bay. Phạm vi 15 km tính từ ngưỡng đường CHC kéo dài về 2 phía ngoài 2 đầu đường CHC và 5 km mở rộng sang 2 bên tính từ tim của 2 đường CHC.
Về phía hãng hàng không, đại diện Vietnam Airlines cho biết, từ năm 2021 đến nay, tại Việt Nam, hãng này ghi nhận 4 vụ việc mất an toàn tĩnh không do bị chiếu lazer. Việc chiếu laser vào buồng lái sẽ gây lóa mắt, ảnh hưởng tầm nhìn của tổ lái, trong một số trường hợp có thể gây hiện tượng mù tạm thời cho phi công.
Từ thực trạng trên, đại diện Vietnam Airlines đề nghị cần quản lý việc bán và đăng ký sử dụng laser, các phương tiện bay siêu nhẹ, không người lái, điều khiển tự động (flycam và drone/vật thể bay) và hình sự hóa các hành vi gây ảnh hưởng an toàn bay, đặc biệt khi ngành hàng không đang bước vào cao điểm.
Được biết, theo Nghị định 162 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, hành vi sử dụng đèn laser ảnh hưởng đến việc máy bay cất, hạ cánh, di chuyển tại sân bay bị phạt tiền 30 - 40 triệu đồng.