Số tuyến xe buýt “ khủng”
Tỉnh Hải Dương hiện có 15 tuyến xe buýt đang hoạt động với hàng trăm đầu xe. Đây là tỉnh thành có số lượng xe buýt cao thứ 3 cả nước, sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đó là chưa kể hàng ngày có thêm vài trăm lượt xe của các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh chạy qua địa bàn này đón thêm khách.
Riêng tuyến đường Nguyễn Lương Bằng, chỉ có hơn 3km đã có tới 12 tuyến buýt khai thác (208 chỉ là một tuyến). Lãnh đạo phía các công ty xe buýt của Hải Dương cho hay, bây giờ sở cho thêm tuyến 207 mở rộng thị phần sang tuyến đường này thì sẽ thành 13 tuyến với 120 lượt xe qua lại đón khách mỗi ngày. Như vậy tính ra cứ 2,5 phút lại có một lượt xe chạy qua; có nhiều lượt xe vì thế chỉ đón được lèo tèo vài khách, thậm chí xe chạy không.
Điều này gây bất cập rất lớn; xe trước vừa đi xe sau đã tới dẫn đến cảnh dền dứ, “găm” giờ cố bắt thêm khách hoặc giành đường, vượt ẩu để “cướp” khách, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Chưa kể cảnh những chiếc xe buýt kềnh càng liên tục vào ra ảnh hưởng rất nhiều đến các phương tiện giao thông khác.
Một lái xe buýt bức xúc: “Sở cứ cấp chứ không tính nhẩm xem chúng tôi khi được sinh ra có đất để sống nữa không. Biết là tăng cơ hội cạnh tranh để hướng việc phục vụ khách tốt hơn nhưng cấp tràn lan như thế này thì vô hình chung các hãng tự đạp lên nhau mà thôi”.
Văn bản "lạ lùng"!
Chỉ mới nghe phong phanh việc Sở Giao thông vận tải mở rộng thị phần cho tuyến buýt 207 khai thác trên đường Nguyễn Lương Bằng, các tài xế xe buýt 208 đã hò nhau dàn trận dằn mặt đối thủ.
Theo NĐ 91/2009/NĐ-CP về kinh doanh, hoạt động vận tải buýt, khi điều chỉnh lộ trình, dừng hoạt động đối với tuyến xe buýt phải nêu rõ lý do và có sự thống nhất giữa Sở Giao thông vận tải với đơn vị vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên tuyến xe buýt đó. Ngoài ra, khi có sự điều chỉnh lộ trình đơn vị quản lý (Sở GTVT) phải công bố trên thông tin đại chúng trước 30 ngày. Trong trường hợp cụ thể này, có thể thấy, Sở GTVT Hải Dương đã coi thường quyền lợi, ý kiến các doanh nghiệp liên quan, rút ngắn quy trình làm việc dẫn đến việc các doanh nghiệp “tự xử” nhau. |
Lãnh đạo sở đã có mặt để điều đình nhưng doanh nghiệp không ai chịu ai. Phía 208 phản ứng việc chia thêm tuyến đường cho 207 dẫn đến cảnh tranh cướp khách. Phía 207 thì vin vào sự đồng thuận của sở. Để chứng minh việc 207 được phép chạy tuyến Nguyễn Lương Bằng, lãnh đạo Sở GTVT Hải Dương đã đưa ra văn bản có nội dung cho phép 207 chạy thử ở cung đường này. Văn bản vừa được ký 2 ngày trước khi xảy ra sự việc (16/8). Các bên liên quan chưa ai nhận được thông báo này.
Tuy nhiên trước tình hình căng thẳng, Sở Giao thông vận tải Hải Dương lại tuyên bố hủy văn bản điều chỉnh nói trên. Xe tuyến 207 không chấp hành, vẫn chạy tuyến mới khiến mâu thuẫn không được giải quyết.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đảm, tổ trưởng tổ điều hành xe tuyến 208, cho biết, nếu nhận được thông báo đúng quy trình từ Sở, phía công ty sẽ phản ứng bằng văn bản chứ không phải dùng đến biện pháp dàn xe “khóa” đường.
Liên quan đến vụ việc, PV đã có buổi làm việc với ông Đoàn Mạnh Tùy, Chánh văn phòng Sở GTVT Hải Dương. Tuy nhiên trong gần 1 giờ đồng hồ, ông Tùy từ chối trả lời mọi câu hỏi và chỉ nói một câu duy nhất: “Mời anh chị uống nước”.
Được biết ông Tùy là người phát ngôn của đơn vị, cũng là người đại diện cho Sở GTVT Hải Dương có mặt tại hiện trường hôm 18/8.
Vừa qua Sở Giao thông vận tải Hải Dương đã chủ trì tổ chức cuộc họp giải quyết và thỏa thuận về sự cố đã xảy ra cũng như việc điều chỉnh tuyến sắp tới giữa tuyến 207 và 208. Tuy nhiên, giữa chừng cuộc họp, phía công ty chủ quản của tuyến xe buýt 207 đã bỏ về... |
Theo Dân trí