Lễ tang cấp nhà nước cho cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã bắt đầu vào ngày 27/9 tại nhà thi đấu Nippon Budokan ở thủ đô Tokyo. Người dân nhiều nơi trên đất nước Nhật Bản và các chức sắc từ khắp châu Á và thế giới đã đến để tiễn biệt vị Thủ tướng có thời gian cầm quyền lâu nhất tại Nhật Bản.
Dưới bầu trời đầy nắng, những hàng dài người hình thành tại một địa điểm dành riêng cho công chúng để dâng hoa tưởng niệm nhà lãnh đạo được biết đến nhiều nhất với kế hoạch hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản thông qua các biện pháp cải cách quy định và nới lỏng tiền tệ chưa từng có tiền lệ, được gọi là “Abenomics”.
Trong khi đó, an ninh được thắt chặt xung quanh địa điểm tổ chức tang lễ.
Buổi lễ bắt đầu ngay sau 2h chiều (12h trưa giờ Hà Nội), với khoảng 4.300 người tham dự. Trong số các nhà lãnh đạo nước ngoài đến dự lễ tang có Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Buổi lễ được mở đầu bằng quốc ca và một phút mặc niệm. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, ông Yoshihide Suga - người tiền nhiệm của ông Kishida và phụ tá lâu năm của ông Abe, và một số người khác sẽ có bài phát biểu.
Nhiều người trong số công chúng đã đến địa điểm tổ chức tang lễ để bày tỏ sự kính trọng. Mặc dù nhiều người đến từ Vùng thủ đô Tokyo, nhưng cũng có một số người đến từ các tỉnh xa như Okayama và Osaka ở miền Tây.
Từ thanh niên đến người già, hàng nghìn người đã xếp hàng từ sáng sớm ngày 27/9 để dâng hoa tưởng niệm ông Abe, người đã bị sát hại vào ngày 8/7 khi đang phát biểu trong một chiến dịch tranh cử ở thành phố Nara, miền Tây Nhật Bản.
Trong hàng người dài 600 m chờ dâng hoa có cụ bà Toshiko Takahashi. Cụ bà 80 tuổi chia sẻ rằng bà đại diện cho những người bạn yêu mến ông Abe nhưng không có điều kiện đến đây trực tiếp. Bà ca ngợi những nỗ lực của ông Abe trong việc theo đuổi đối thoại và quốc phòng cho Nhật Bản.
Một thanh niên 25 tuổi đến từ tỉnh Chiba cho biết, anh đến dâng hoa vì ngưỡng mộ những đóng góp của ông Abe, đặc biệt là “Abenomics” – chính sách đã giúp những sinh viên mới tốt nghiệp như anh tìm việc làm dễ dàng hơn nhiều.
“Hầu như không ai trong số bạn bè của tôi gặp vấn đề khi tìm việc làm”, anh nói. “Chính sách kinh tế của ông Abe đã giúp tạo ra một tương lai tươi sáng”.
Ren Maie, 22 tuổi, đến với 4 người bạn từ trường đại học, nơi họ nghiên cứu lịch sử hiện đại của Nhật Bản.
“Nền kinh tế Nhật Bản phục hồi và tỉ lệ việc làm được cải thiện dưới thời chính quyền của ông Abe, nhờ Abenomics”, Maie nói, đồng thời chỉ ra rằng những đóng góp của vị cố Thủ tướng cho một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở đã khiến ông trở thành “nhân vật hiếm có” trong chính trường Nhật Bản thời hậu chiến.
Maie cho biết, anh hy vọng các nhà lãnh đạo tương lai sẽ “thực hiện các chính sách đối ngoại của ông Abe như chiến lược quốc gia của Nhật Bản”.
Minh Đức (Theo Nikkei Asia, Asahi Shimbun)