Hàng giả, hàng kém chất lượng: Nỗi ám ảnh của người mua hàng trực tuyến

Thứ 2, 15/07/2024 08:00

Lợi dụng các loại hình kinh doanh thương mại điện tử bùng nổ, nhiều đối tượng đã có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả lừa dối người tiêu dùng.

Lời tòa soạn:

Khi mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng luôn phải đối mặt với nỗi lo lắng về tính xác thực và chất lượng của sản phẩm. Bất chấp nỗ lực kiểm soát của các sàn thương mại điện tử (TMĐT), tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn thường xuyên xảy ra.

Những sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng, không đảm bảo chất lượng khiến người mua phải đối mặt với những rắc rối không đáng có khi sản phẩm không đạt yêu cầu.

Vậy làm thế nào để giải quyết triệt để "vấn nạn" hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên? Mời quý độc giả đón đọc loạt bài Quyết tâm "trị rễ" nạn hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử tại Người Đưa Tin.

Hàng giả lộng hành trên mạng

Trong những năm gần đây, mua sắm trực tuyến đã trở thành thói quen của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Chỉ cần ngồi tại nhà với chiếc điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua các sản phẩm từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm đến thiết bị điện tử, sách và thực phẩm.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của TMĐT, tình trạng hàng giả, hàng nhái cũng gia tăng, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp sở hữu thương hiệu nổi tiếng.

Qua cuộc khảo sát của Người Đưa Tin, rất nhiều trường hợp kinh doanh hàng hóa trên TikTok có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu thời trang lớn.

Chỉ cần một tài khoản TikTok và đáp ứng một số yêu cầu của nền tảng, người bán đã có thể livestream bán hàng. Sau đó, các cá nhân và tổ chức đứng sau các tài khoản này nhập hàng hóa không rõ nguồn gốc và công khai buôn bán trên nền tảng trên.

Hàng giả, hàng kém chất lượng: Nỗi ám ảnh của người mua hàng trực tuyến- Ảnh 1.

Trên sàn thương mại điện tử TikTok Shop nhiều tài khoản livestream bán hàng có dấu hiệu kinh doanh sản phẩm giả mạo các nhãn hàng thời trang nổi tiếng.

Không dừng lại ở đó, một số cá nhân còn sử dụng những chiêu trò tinh vi hơn. Họ nhập hàng giả mạo các thương hiệu thời trang lớn với giá chỉ vài chục đến vài trăm nghìn một sản phẩm, sau đó làm cũ đồ đi và quảng cáo là hàng chính hãng đã qua sử dụng, rao bán với giá hàng triệu đồng. Trong khi đó, những sản phẩm chính hãng thường có giá lên đến hàng chục triệu đồng.

Cụ thể, trong vai người mua hàng, phóng viên (PV) đã đặt mua một đôi giày Dior với giá gần 900.000 đồng từ tài khoản TikTok có tên "Si Tuyển Thanh Lê" đang kinh doanh nhiều hãng giày như Gucci, Chanel, LV, Adidas, Nike.

Đặt câu hỏi về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm vừa mua, PV đều nhận được khẳng định và cam kết từ phía người bán "sản phẩm trên là hàng chính hãng nhưng đã qua sử dụng".

Thế nhưng không ngoài dự đoán, sản phẩm mà shop này gửi đến tay PV lại là một đôi giày có dấu hiệu giả thương hiệu Dior, được gia công một cách qua loa từ chất liệu đến đường kim mũi chỉ.

Hàng giả, hàng kém chất lượng: Nỗi ám ảnh của người mua hàng trực tuyến- Ảnh 2.

Đôi giày có dấu hiệu giả thương hiệu Dior, được gia công một cách qua loa từ chất liệu đến đường kim mũi chỉ.

Đáng chú ý, ở đây có dấu hiệu của một nhóm kinh doanh sản phẩm giả mạo các nhãn hàng thời trang nổi tiếng. 

Cụ thể, không chỉ sử dụng tài khoản "Si Tuyển Thanh Lê", những cá nhân này còn lập ra nhiều tài khoản khác như "Chuyên Giày Si Minh Tuệ", "Thanh Lê Si Tuyển", "2hand chính hãng si thái", "situyenthanhle"... và tuyển dụng nhiều người thay nhau livestream bán hàng.

Tất cả các sản phẩm được bán đều là những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Tại các phiên livestream, hầu hết những người này đều quảng cáo sản phẩm mình bán là hàng đã qua sử dụng và là hàng chính hãng. Tuy nhiên, trên thực tế, sản phẩm mà PV nhận được lại là hàng giả mạo thương hiệu và mới 100%.

Không chỉ xuất hiện tình trạng kinh doanh các sản phẩm nhái thương hiệu, nhiều cá nhân thông qua sàn thương mại Tik Tok shop, Shopee còn kinh doanh các mặt hàng cấm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng.

Mạnh tay dẹp bỏ hàng giả, hàng nhái

Từ ngày 15/12/2023 đến 14/4/2024, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 15.562 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu… xử phạt và nộp ngân sách nhà nước trên 171 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử.

Đơn cử như tại Hà Nội cuối tháng 12/2023, lực lượng chức năng đã kiểm tra kho hàng của "hot girl" livestream Nguyễn Hoàng Mai Ly (Mailystyle) ở địa chỉ căn U04-L01 Khu đô thị mới Dương Nội, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông.

Hàng giả, hàng kém chất lượng: Nỗi ám ảnh của người mua hàng trực tuyến- Ảnh 3.

Cơ quan chức năng kiểm tra kho hàng của TikToker Mailystyle.com, tại đây có hơn 50 người đang đóng gói sản phẩm tại các tầng.

Tại đây lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ số lượng hàng hóa gồm gần 127.000 sản phẩm thuộc hơn 240 chủng loại hàng hóa gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm và hàng gia dụng do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, tính hợp pháp. Trị giá hàng hóa vi phạm xác định 20,1 tỷ đồng.

Thông qua tài khoản cá nhân, chủ cơ sở kinh doanh đã sử dụng website TMĐT tại địa chỉ mailystyle.com để thực hiện kinh doanh, bán hàng nhưng không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. 

Đồng thời đăng ảnh chụp, livestream sản phẩm nhằm mục đích chốt đơn bán hàng trên mạng xã hội TikTok và sàn thương mại điện tử Shopee.

Theo cơ quan chức năng, đây là vụ việc vi phạm điển hình trong lĩnh vực thương mại điện tử, có quy mô, tính chất phức tạp, số lượng hàng hóa vi phạm có giá trị lớn.

Hay mới đầu tháng 5/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường thuộc Công an tỉnh Bến Tre, tiến hành kiểm tra tại một hộ kinh doanh trên địa bàn và tạm giữ 8.905 đơn vị sản phẩm là quần áo giả thương hiệu nổi tiếng Gucci, Burberry và nước hoa, nước xịt thơm miệng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Với trị giá hàng hóa vi phạm hàng trăm triệu đồng.

Ngày 6/6 vừa qua, tại tỉnh Bắc Ninh, nghi vấn về hoạt động kinh doanh Gạo online trên địa bàn có dấu hiệu vi phạm khi quá trình theo dõi thông tin trên các nền tảng TMĐT, Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh cùng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Ninh, Công an huyện Tiên Du và Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra đột xuất Cơ sở kinh doanh lương thực đại lý gạo Mỳ Tịnh có địa chỉ tại thôn Phúc Nghiêm, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Cơ sở này do ông Nguyễn Minh Tuệ, trú tại thôn Long Văn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh làm chủ.

Tại đây, Đoàn kiểm tra bắt quả tang các công nhân đang thực hiện gia công, đóng gói gạo từ các bao lớn sang các bao bì loại 5kg thể hiện thương hiệu Gạo Ông Cua. Thời điểm kiểm tra, 160 bao Gạo Ông Cua đã được đóng thành phẩm để sẵn sàng vận chuyển đến tay người tiêu dùng.

Hàng giả, hàng kém chất lượng: Nỗi ám ảnh của người mua hàng trực tuyến- Ảnh 4.

Tài khoản Shopee “Đại lý Gạo Hồng Anh” đăng bán sản phẩm “Gạo Ông Cua” có giá rẻ hơn nhiều so với giá sản phẩm gạo chính hãng.

Theo đại diện ủy quyền của doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, chủ thương hiệu Gạo Ông Cua, toàn bộ hàng hóa đoàn kiểm tra tỉnh Bắc Ninh tạm giữ là hàng hóa giả mạo nhãn, bao bì hàng hóa của doanh nghiệp này.

Ngoài ra, tại cơ sở, Đoàn kiểm tra còn ghi nhận hàng trăm vỏ bao bì nhãn hiệu “Gạo Ông Cua” chưa sử dụng cùng 4 tấn gạo đựng trong 80 bao tải chưa được đóng gói, trên các bao bì thể hiện: “Gạo đặc sản”, “ST25”, “đặc sản Sóc Trăng”, “Gạo ngon nhất thế giới” cùng hàng loạt các loại máy móc, như: máy hàn nhiệt, máy khâu, cân điện tử, chỉ dù trắng phục vụ cho hoạt động đóng gói gạo thành phẩm.

Có thể thấy thời gian vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra với những hình thức ngày càng tinh vi hơn. 

Do đó để ngăn chặn tình trạng này, cần phải triển khai các giải pháp đồng bộ giữa lực lượng quản lý thị trường và các sàn thương mại điện tử, thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm để đảm bảo quyền lợi, an toàn tính mạng cho người tiêu dùng.

Mời độc giả đón đọc Bài 2: Chống hàng giả, hàng nhái: Trách nhiệm không của riêng ai

Ngọc Tân - Kim Thoa

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.