Hàng hóa, giá cả dịp Tết sẽ nằm trong tầm kiểm soát?

Hàng hóa, giá cả dịp Tết sẽ nằm trong tầm kiểm soát?

Thứ 5, 27/12/2012 23:40

Ngay từ giữa năm nay, Chính phủ, các bộ, ban ngành cùng chính quyền địa phương toàn quốc đã có sự chuẩn bị ứng phó chu đáo với hiện tượng giá cả đột biến tăng, nạn hàng giả, hàng nhái bùng phát vào dịp cuối năm. Và đến thời điểm này cho thấy, trên thị trường đã xuất hiện nhiều dấu hiệu khả quan.

Tất cả đã được trù liệu từ giữa năm

Theo bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, trên cơ sở dự báo, cuối năm 2012, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa Tết, nhất là hàng hóa thiết yếu sẽ tăng 20% so với các tháng bình thường. Tiêu thụ hàng hóa có thể tăng từ 10 - 15% so với Tết Nhâm Thìn (năm 2012). Nên ngay từ những tháng giữa năm, bộ Công Thương đã có nhiều biện pháp thiết thực đón đầu, tránh tình trạng cung không đáp ứng kịp cầu dẫn tới giá cả tăng vọt.

Cụ thể, theo vị bộ trưởng Bộ Công Thương, trên địa bàn cả nước đã có hơn 25 tỉnh, thành phố đã dành kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp thu mua, sản xuất hàng hóa. Con số kinh phí hỗ trợ lên đến hơn 1.285 tỷ đồng. Theo đó, dự báo, tổng lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường dịp Tết năm nay khoảng 180.000 tỷ đồng. Một con số đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết Quý Tỵ. Do đó, ông Vũ Huy Hoàng khẳng định, với sự gia tăng sản xuất của doanh nghiệp, bộ Công Thương có thể khẳng định rằng, về cơ bản Tết Nguyên đán năm nay có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu các mặt hàng thiết yếu.

Xã hội - Hàng hóa, giá cả dịp Tết sẽ nằm trong tầm kiểm soát?

Hàng Tết sẽ không thiếu và giá cả không tăng đột biến.

Cũng theo thông tin từ các thành phố có sức tiêu thụ lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, ngay từ những tháng giữa năm đã có nhiều biện pháp mạnh được triển khai để ngăn chặn việc tăng giá đột biến và bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu của nhân dân ăn Tết. Cụ thể, tại Hà Nội, thông tin từ Sở Công Thương cho thấy, một lượng hàng hóa đúng kế hoạch sẽ được tung ra thị trường để phục vụ dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Tổng số lượng hàng hóa ước tính khoảng 6.000 tỷ đồng. Với lượng hàng hóa như trên, đại diện Sở Công Thương Hà Nội khẳng định sẽ đủ sức đáp ứng khoảng 20-25% nhu cầu tăng thêm trong dịp Tết này của người dân Thủ đô. Trong đó, lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ bình ổn giá ước tính 2.000 tỷ đồng.

Tương tự, thông tin từ Sở Công Thương TP.HCM cũng khẳng định, thành phố này đã có một nguồn hàng chuẩn bị sẵn để phục vụ dịp Tết sắp tới. Lượng hàng hóa trên tăng 20 - 30 % so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, riêng những ngày gần Tết, lượng hàng sẽ tăng thêm 50 - 70%. Với con số như trên, người tiêu dùng không cần thiết phải lo lắng về việc khan hiếm hàng hóa. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng khẳng định, nhiều thành phố và tỉnh thành khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An, Quảng Ninh... đều có những thông tin khả quan về hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

Được biết, cùng với nguồn cung đầy đủ đáp ứng nhu cầu trong dịp Tết, các chuyên gia và cơ quan chức năng đều khẳng định, giá cả sẽ ít biến động. Cơ sở của nhận định trên dựa trên sự phân tích một cách khoa học từ các số liệu thống kê trên thị trường.

Trao đổi với PV, ông Đỗ Đức Lam, phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: "Đến thời điểm này, có thể nhận định rằng giá cả hàng hóa dịp cuối năm 2012 sẽ không có đột biến nhiều. Tuy nhiên, vẫn phải đề phòng tác động gây tăng giá đối với một số nhóm hàng cụ thể. Bởi vì, ngoài các nguyên nhân gây tác động do sức mua có khả năng tăng thì mặt bằng giá thị trường còn chịu tác động bởi một số yếu tố như nhu cầu sản xuất, chế biến và dự trữ thực phẩm cũng như hàng hóa khác phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2013. Mặt khác, tình hình mưa lũ, triều cường, ngập mặn, gió mùa đông bắc có thể tiếp tục xảy ra ảnh hưởng tới nguồn cung lương thực, thực phẩm tươi sống, sẽ tác động đến giá cả một số mặt hàng.

Mới đây nhất, số liệu thống kê của cục Thống Kê cho thấy, chỉ số CPI tháng 11 tăng 0,47%, lạm phát giảm tốc đã mang đến một tín hiệu tốt lành cho việc giá cả các tháng tiếp theo. Đánh giá về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, TS. Tạ Đình Xuyên - Phó giám đốc trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội (bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho rằng: "Đây là hiện tượng lạ so với các năm trước. Bởi, thông thường, vào 2 tháng cuối năm, chỉ số CPI tăng mạnh. Do giai đoạn này nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao vào dịp lễ Noel và Tết dương lịch. Cùng với đó, cuối năm, việc các doanh nghiệp tổng kết, có khen thưởng và nhận thưởng nên người dân có tiền để chi tiêu".

Tuy nhiên, việc CPI chỉ tăng nhẹ trong tháng 11 đã phản ánh đúng bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Khi các doanh nghiệp đang khó khăn, thu nhập của người lao động sẽ ảnh hưởng, không dôi dư nhiều dẫn tới người dân hạn chế chi tiêu nên sức mua không cao. Trên cơ sở này nên TS. Xuyên nhận định, giá cả các mặt hàng các tháng tiếp theo sẽ chỉ xoay quanh mức tăng tương đương với tháng 11.

Thẳng tay với nạn buôn lậu

Mọi số liệu thống kê hiện tại đều mang đến sự yên tâm về mối lo khan hiếm hàng hóa và giá cả đột ngột leo thang vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, phía cơ quan chức năng vẫn tiếp tục có những biện pháp mạnh tay nhằm giữ vững sự ổn định trên thị trường.

Được biết, hiện Chính phủ đang sử dụng nhiều biện pháp mạnh chỉ đạo quyết liệt nhằm tuyên chiến với tình trạng đầu cơ, hàng giả, hàng nhái gây bất ổn thị trường. Cụ thể, Chính phủ đã thành lập ban Chỉ đạo 127 Trung ương, bao gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các ngành, bộ có liên quan để chống hàng lậu và gian lận thương mại. Tại các địa phương cũng có ban Chỉ đạo 127 đứng đầu là phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố làm trưởng Ban chỉ đạo.

Theo ông Đỗ Đức Lam, nhận thức rõ công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, đặc biệt là trước, trong và sau Tết Nguyên đán là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp nhiều ngành, nhiều cấp, trong đó đặc biệt quan trọng và sát thực hàng ngày là cấp cơ sở, cục Quản lý thị trường đã tham mưu cho ban Chỉ đạo 127/TW (ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại), bộ Công thương ban hành 10 văn bản chỉ đạo, đôn đốc, xây dựng kế hoạch cụ thể, quyết định thành lập các đoàn kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm.

Ngoài ra, Bộ Tài chính, vẫn sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, điều hành, bình ổn giá. Cụ thể, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về giá (đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá). Kiểm soát các yếu tố hình thành giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá. Sắp tới sẽ thành lập đoàn và tiến hành kiểm tra cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng khẳng định, công tác chống nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng lậu đang được Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với nhiều cơ quan chức năng, như bộ đội Biên phòng, Hải quan, lực lượng Quản lý thị trường... để ngăn chặn những nhân tố làm bất ổn thị trường trong dịp Tết sắp tới.

Trinh Phúc


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.