Ông Dương Chí Thành, phó tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA) kiêm chủ tịch HĐQT Jetstar Pacific (JPA), khẳng định với báo giới: “Hệ thống đường bay nội địa năm nay chưa thể cân đối được với giá đang bán và chi phí đầu vào, mặc dù đã rất cố gắng giảm những cái có thể giảm”.
Quầy check-in tại sân bay Tân Sơn Nhất của AMK (khi còn hoạt động) Ảnh: PHƯƠNG ANH
Thất bại tiếp nối thất bại
JPA được thành lập từ năm 1991, sau 3 lần “đại phẫu” bằng tái cơ cấu, thay người đại diện chủ sở hữu, cơ cấu lại cổ đông, đổi hẳn chiến lược kinh doanh… nhưng về cơ bản vẫn lỗ triền miên, cá biệt chỉ vài 3 năm có lãi và đến nay vẫn chưa đạt điểm hòa vốn, ngay cả khi đã có cổ đông chiến lược nước ngoài góp 30% cổ phần. Thị trường có thêm một bài học thất bại mới từ hãng hàng không tư nhân AMK.
AMK được thành lập năm 2008 với vốn điều lệ 200 tỉ đồng nhưng phải đến năm 2010 thấy thị trường thuận lợi mới quyết định bay. Năm 2012, hãng tuyên bố tăng vốn điều lệ lên 600 tỉ đồng nhưng cho đến khi ngừng bay, nhiều thông tin cho thấy hãng đã lỗ gấp 3-4 lần vốn điều lệ ban đầu. Nhà đầu tư Mỹ là Sky West rút vốn góp bằng cách đưa toàn bộ đội bay về (Sky West góp vốn vào AMK bằng máy bay). Không đạt được thỏa thuận với nhà đầu tư mới nên AMK không kịp thuê máy bay “gối đầu” như dự kiến, buộc phải tạm dừng khai thác.
Bài học thất bại trước đó là của Indochina Airlines (ICA). Chỉ một năm điều hành hãng hàng không tư nhân này, nhạc sĩ Hà Dũng cũng làm “bốc hơi” khoảng 400 tỉ đồng, gấp đôi so với vốn điều lệ ban đầu.
Rất dễ trắng tay
Thành lập doanh nghiệp hàng không đã khó nhưng duy trì hoạt động còn khó hơn vì mức lỗ quá lớn trong kinh doanh hàng không dễ làm nhà đầu tư nản chí. Hai lần đứng bên bờ vực phá sản, JPA đều được cứu vì đây là doanh nghiệp Nhà nước.
Cùng với đổi mới đội bay và giảm tối đa các chi phí khai thác có thể, JPA đang phải nỗ lực tăng năng suất lao động của tất cả các bộ phận để thực hiện nguyên tắc “Giá rẻ phải xuất phát từ chi phí thấp”. Hiện JPA gần như khai trương lại thông qua việc đổi mới đội bay và khuyến mãi sốc để làm quen thị trường.
Nhưng cũng có cái sai không thể sửa, nhà đầu tư chấp nhận mất trắng thay vì mạo hiểm tiếp tục rót vốn. ICA hay Trãi Thiên là những điển hình. Nhạc sĩ Hà Dũng không bỏ cuộc, vẫn tiếp tục lập đề án kinh doanh mới, kêu gọi nhà đầu tư rót thêm tiền nhưng các cổ đông lại chọn phương án đóng cửa. Trãi Thiên cũng bật khỏi thị trường khi chưa kịp bay chuyến đầu tiên.
Còn ở bài học AMK cũng xuất phát từ sai lầm trong chiến lược phát triển, thể hiện ở đội bay, bộ máy nhân sự và định vị sản phẩm. Trong khi xu thế hàng không giá rẻ vẫn như cơn lốc ở Việt Nam và châu Á thì AMK chọn cung cấp dịch vụ hạng sang, được thể hiện ngay nội thất cao cấp của máy bay đến giá vé. Cũng chỉ một mình AMK khai thác máy bay Bombardier ở Việt Nam với dịch vụ bảo dưỡng của Mỹ khiến chi phí bảo dưỡng cao.
Tăng độc quyền
Mặc dù đã mở cửa cho tư nhân nhưng tính độc quyền trong ngành hàng không vẫn chưa giảm, đầu tư Nhà nước vẫn lấn át tư nhân. So với trước, thị trường có nhiều hãng hàng không hơn nhưng hành khách vẫn ít lựa chọn, nguyên nhân vì thị phần của doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ vẫn rất lớn. Tính đến năm 2012, thị phần của các hãng hàng không nội địa được phân chia như sau: VNA chiếm gần 68%; VietJet Air: 16%, JPA: 13%, AMK: 3%.
Như vậy, thị phần của VNA đã giảm khá mạnh so với mức trên 80% mà doanh nghiệp này chiếm lĩnh trước năm 2006. Nhưng vì toàn bộ 70% cổ phần Nhà nước tại JPA đã được chuyển nguyên trạng cho VNA nắm giữ từ năm 2012 nên hiện nay, lợi nhuận của VNA vẫn thu được từ hơn 80% thị phần. Sau khi AMK tạm dừng bay, thị trường còn lại 4 hãng khai thác nhưng có đến 3 doanh nghiệp do VNA chi phối là VNA, JPA, Vasco.
Năm 2012, Việt Nam tiếp tục bổ sung 2 hãng hàng không được cấp giấy phép kinh doanh là Công ty CP Hàng không Hải Âu và Công ty CP Hàng không Hành tinh xanh. Nhưng 2 hãng này có định hướng kinh doanh bằng máy bay chuyên dụng (trực thăng, máy bay cánh bằng loại nhỏ, thủy phi cơ), tác động không đáng kể đến thị trường hành khách chung.
Thiếu cạnh tranh vì... chính sách!
Từ lâu, các hãng hàng không đề nghị bỏ quy định khống chế trần giá vé máy bay nội địa, trao quyền cho các hãng tự quyết định giá bán để nâng cao tính cạnh tranh, bảo đảm khai thác có lãi ở thị trường nội địa.
Cơ quan quản lý thực chất đã có thông tư xóa bỏ trần giá vé máy bay (Thông tư liên tịch số 103 năm 2008 của liên bộ Tài chính - GTVT), cho phép hãng hàng không được tự quyết định giá bán tại các đường bay cạnh tranh (có hai hãng trở lên khai thác). Nhưng chính Bộ GTVT sau đó lại có công văn yêu cầu chưa thực hiện Thông tư 103 vì lo ngại thị trường chưa thực sự cạnh tranh đã buông giá.
Hơn nữa, Luật Hàng không dân dụng quy định khung giá cước hàng không do Nhà nước ban hành. Vì thế, thị trường vẫn luẩn quẩn: cho doanh nghiệp tự quyết định giá bán ở các đường bay có nhiều hãng cùng khai thác để nâng cao sức cạnh tranh, tạo cơ hội giảm lỗ hay tiếp tục để các hãng hàng không mới đều “ăn vào vốn”, phải bỏ cuộc trước khi đạt đến điểm hòa vốn.
Nếu hàng không tư nhân không lớn được, thị phần của VNA khó nhỏ lại, làm chậm tiến trình cạnh tranh hóa trong ngành hàng không.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh thừa nhận thị trường hàng không chưa tạo được điều kiện tốt nhất cho đầu tư tư nhân do đây là ngành kinh doanh đặc thù.
Theo Người lao động