Rón rén qua cầu
Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhiều cây cầu treo mục nát, xuống cấp trầm trọng. Tây Nguyên đang bắt đầu vào mùa mưa. Nước tại các sông suối, ao hồ dâng cao, chảy xiết khiến người dân đối mặt với nhiều nguy hiểm khi qua lại trên cầu.
Cầu treo bắc qua suối Đăk Sing (thôn Đăk Lung, xã Kon Đào, huyện Đăk Tô) là con đường duy nhất nối qua khu sản xuất của người dân trong thôn. Trụ cầu được làm bằng gỗ, dây sắt là thành cầu, còn thân cầu được chắp vá bằng những tấm ván cũ mọt với đủ kích thước. Cây cầu này chỉ có thể phục vụ người đi bộ qua lại còn xe máy đều phải vượt suối.
Trải qua thời gian dài, ảnh hưởng thời tiết khiến cầu bị hư hỏng, sàn cầu ván mục nát, nhiều tấm rơi rớt xuống suối tạo ra những lỗ hổng như những cái bẫy. Mùa này, nước sông chảy xiết người dân không dám lội suối, đành mạo hiểm qua cầu để vào khu sản xuất.
Nhiều năm qua, cây cầu treo nối thôn 5 (xã Kon Đào) với khu sản xuất bên kia suối Đăk Rnghe cũng hư hỏng. Cầu hư, không thể đi lại, kinh phí sửa chữa không có, nên người dân đành lội qua suối để đi làm.
Trò chuyện với PV, bà Y Mới (58 tuổi) cho biết: “Ngày nào tôi cũng cùng con cháu lên rẫy canh tác. Tuy nhiên, đường vào khu sản xuất chỉ có lối duy nhất là băng qua suối. Mùa nắng nước cạn mọi người trong làng đều lội bộ qua suối. Tuy nhiên, mùa này nước chảy xiết không ai dám lội nên chọn phương án đi qua cầu. Rất nguy hiểm, ai cũng sợ nhưng không còn đường nào khác”.
Tương tự, tại thôn Đăk Tăng (xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô) cây cầu treo có chiều dài hơn 30m làm bằng hàng trăm cây tre và những tấm ván cũ. Người dân dùng dây thép, vải để gắn kết tre và gỗ lại với nhau. Nhiều đoạn dây đã cũ, mục nát. Nâng đỡ mặt cầu là hệ thống cột trụ cũng làm bằng tre đan chéo vào nhau.
Cầu này cũng là con đường duy nhất bắc qua suối Đăk Rơ Nga để người dân đến khu sản xuất rộng hơn 70ha. Để thuận tiện việc đi lại, người dân đóng lốp xe cũ lên mặt cầu, tránh trơn trượt và dễ dàng cho phương tiện di chuyển qua lại.
Ông A Giáo (67 tuổi, trú thôn Đăk Tăng) cho biết, gia đình ông có 1ha đất trồng cà phê ở bên kia suối. Mùa nắng ông Giáo mới có thể di chuyển qua cầu, còn vận chuyển nông sản phải chở bằng xe máy hoặc dùng xe tải, công nông qua suối.
"Mỗi năm, vào mùa mưa cầu đều hư hỏng hoặc bị cuốn trôi. Bà con trong làng phải góp tiền vào sửa chữa, làm cầu mới. Cầu chỉ được làm bằng những vật liệu tạm bợ, không kiên cố nên nhanh hỏng. Bà con mong muốn có một cây cầu kiên cố để thuận tiện qua khu sản xuất. Từ đó, đời sống mới được cải thiện, bớt đói nghèo", ông A Giáo nói.
Lên phương án tu sửa
Ông Nguyễn Thành Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô) cho biết, trên địa bàn có 2 cây cầu treo bị hư hỏng, xuống cấp. Vào tháng 5 vừa qua, trận mưa đầu mùa làm cây ngã đổ khiến cầu treo tại thôn Kon Pring phục vụ 114 hộ dân bị hư hỏng nặng.
Đất canh tác của người dân đa phần bên kia suối. Cầu hư, không đi được nên mọi người đành phải vượt suối. Vào mùa thu hoạch mọi người rất vất vả khi phải gánh từng gùi mì, cà phê lội suối đưa về nhà.
Còn cầu bắc qua suối Đăk Rơ Nga (thôn Đăk Tăng) chỉ là cầu tạm nên mùa mưa thường xuyên bị cuốn trôi, không thể di chuyển qua lại. Để đến được khu sản xuất, người dân phải vượt suối với nước chảy xiết hoặc đi đường vòng xa hơn 5km.
“114 hộ dân có 140ha đất sản xuất bên kia suối. Dù người dân đã nhiều lần kiến nghị làm cầu mới kiên cố hơn, nhưng địa phương không đủ kinh phí”, ông Luân nói.
Tại xã Kon Đào, 3 cầu treo cũng đã xuống cấp, hư hỏng. Những cây cầu dân sinh này phục vụ đi lại cho 100 hộ dân canh tác khoảng 200ha cà phê, cao su, lúa. Vào mùa mưa, bà con đi qua cầu để làm nông nghiệp nhưng rất nguy hiểm, còn hoa màu đến khi nước rút mới thu hoạch.
Ông Nguyễn Công Nhật, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đăk Tô cho biết, địa phương đang yêu cầu các xã thống kê, rà soát những cây cầu dân sinh xuống cấp, hư hỏng. Từ đó, sẽ có phương án sửa chữa, nâng cấp nhằm phục vụ việc đi lại, sản xuất đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão.