1,8 tỷ hoá đơn điện tử được xử lý
Ngày 22/11, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Bộ Tài chính Hội nghị “Đối thoại chính sách, thủ tục hành chính – thuế hải quan năm 2022”.
Chương trình đối thoại giữa Bộ Tài chính với cộng đồng doanh nghiệp nhằm mục đích tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận hành các cơ chế quản lý Nhà nước đối với ngành thuế, hải quan hoặc phát sinh từ thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Tấn Công, Chủ tich VCCI đã đưa ra một số điểm nổi bật trong năm qua, từ đó được các nỗ lực cải cách của Bộ Tài chính đã mang lại những kết quả quan trọng và tác động thế nào đến môi trường hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Chia sẻ thêm, ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác để tạo thuận lợi cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Năm 2022, các gói hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp và người dân về thuế, phí và lệ phí của Chính phủ có quy mô lớn và phạm vi áp dụng rộng nhất trong nhiều năm qua.
Dự kiến việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân trong năm về giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 233.000 tỷ đồng.
Tổng thu thuế, phí trong nước 10 tháng năm 2022 đạt 107,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Kể từ ngày 1/7/2022, Tổng cục Thuế chính thức áp dụng triển khai hệ thống hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, toàn bộ các tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử và toàn bộ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký, chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định.
Tính đến ngày 31/10/2022, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 1,8 tỷ hóa đơn.
Ngoài ra, tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính đã tiếp thu các phản hồi từ phía cộng đồng doanh nghiệp; ghi nhận những đóng góp thẳng thắn, xây dựng của cộng đồng doanh nghiệp về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan của Việt Nam. Đồng thời cũng giải đáp những vướng mắc mà doanh nghiệp đã gặp phải trong thời gian qua.
Đối thoại để tháo nút thắt
Mong muốn được giải đáp thắc mắc, đại diện Honda Việt Nam cho biết, mỗi tháng công ty xuất khoảng 150.000 hoá đơn điện tử. Các hoá đơn này liên quan nhiều hệ thống khác của doanh nghiệp như quản trị sản xuất, đại lý, mua hàng. Khi Nghị định 15 được ban hành, một số mặt hàng có thuế VAT giảm từ 10% xuống 8% nhưng doanh nghiệp không thể sửa ngay hoá đơn điện tử. Hiện nay, Honda Việt Nam có khoảng 260.000 hoá đơn chưa điều chỉnh.
Trả lời kiến nghị của Honda Việt Nam, ông Vũ Chí Hùng, Phó Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc khi điều chỉnh thuế VAT từ 10% xuống 8% theo Nghị định 15. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ông Hùng yêu cầu Cục Công nghệ thông tin (Tổng Cục Thuế) phối hợp với Cục thuế Vĩnh Phúc cùng Honda Việt Nam nhanh chóng có phương án xử lý dứt điểm.
Cũng tại hội nghị, ông Đỗ Phương Nam, Kế toán trưởng CTCP nước sạch Hà Nội nêu thắc mắc về việc sử dụng hoá đơn có bảng kê, "theo quy định hướng dẫn bảng kê để kiểm tra, hoá đơn theo kỳ phát sinh được sử dụng bảng kê. Nhưng khái niệm “hoá đơn theo kỳ phát sinh” chưa rõ ràng nên công ty thắc mắc chi phí như chi hội nghị, hội thảo, chi phí ăn uống có được ghi theo bảng kê hay không".
Bởi doanh nghiệp cho biết bản thân là doanh nghiệp Nhà nước, nếu xuất hiện lỗi sẽ ảnh hưởng đến xếp hạng doanh nghiệp, do vậy mong muốn được hướng dẫn để tránh việc sai sót khi đoàn kiểm tra.
Ông Vũ Chí Hùng cho rằng, doanh nghiệp được phép dùng bảng kê và quy định cụ thể dịch vụ phát sinh như điện, nước, viễn thông, báo cáo chuyển phát, bảo hiểm…. Những dịch vụ phát theo kỳ phát sinh của công ty là nước được xuất kèm bảng kê.
Phát biểu thêm, ông Cao Anh Tuấn cho biết, doanh nghiệp ngành điện, nước không tiềm ẩn thất thu thuế VAT nên được kê theo bảng kê. Theo ông Tuấn, từ 1/7 cả nước chuyển sang hoá đơn điện tử với 2 loại có mã và không mã. Hoá đơn có mã, doanh nghiệp có thể tra cứu luôn trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để quản trị rủi ro.
Cũng liên quan đến hoá đơn, đại diện Đài truyền hình Việt Nam có đưa ra câu hỏi: “Đài có 21 đơn vị trực thuộc tại Hà Nội, có mã số thuế đơn vị trực thuộc (mã số thuế 13 số). Hiện tại, 13 đơn vị của của Đài không đăng ký phát hành hóa đơn mà sử dụng hóa đơn mã số thuế của Đài để cấp cho khách hàng, như vậy có được không?”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng giải đáp rằng việc làm trên là hoàn toàn hợp lệ.
Cũng tại hội nghị, đại diện Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan đã trả lời đầy đủ thắc mắc của doanh nghiệp với những vấn đề khác như việc doanh nghiệp thành lập quỹ để đầu tư hoạt động khoa học công nghệ, sau 5 năm chưa sử dụng hết 70% số quỹ, phần còn lại có phải thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp không?; hay xin miễn giảm thuế với doanh nghiệp bị hỏa hoạn; thuế đất phi nông nghiệp do người cho thuê hay người thuê nộp; biện pháp hậu kiểm với doanh nghiệp nhập khẩu hàng miễn thuế,...
Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Trưởng phòng kế toán tài chính Xí nghiệp bán lẻ xăng dầu (Công ty Xăng dầu khu vực I - Công ty TNHH một thành viên thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) đã đánh giá, hội nghị có ý nghĩa lớn với doanh nghiệp bởi nhiều vướng mắc đã được giải đáp. Bà Phương cũng hy vọng hội nghị sẽ được tổ chức nhiều hơn nữa trong thời gian tới bởi trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có nhiều vướng mắc phát sinh.