Hàng loạt dự án của ngành Công Thương vào "tầm ngắm" của bộ Công an

Hàng loạt dự án của ngành Công Thương vào "tầm ngắm" của bộ Công an

Đặng Ngọc Thuỷ

Đặng Ngọc Thuỷ

Thứ 3, 10/09/2019 10:16

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bộ Công an đang phối hợp với đơn vị liên quan đánh giá các kết luận thanh tra để kiến nghị xử lý hàng loạt dự án của ngành Công Thương.

Đang xem xét hàng loạt dự án

Mới đây, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) đã có báo cáo số 1277, về việc xử lý các tồn tại yếu kém ở một số dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả của ngành Công thương. 

Theo đó, sau khi tiếp nhận 11/12 dự án, nhà máy từ bộ Công Thương, UBQLVNN đã rà soát, tổng hợp các hồ sơ và thấy rằng, mặc dù số lượng nhiệm vụ mà các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành chiếm 75,36%, nhưng các khó khăn mấu chốt vẫn nằm ở 17 nhiệm vụ quá hạn mà chưa hoàn thành.

Báo cáo của UBQLVNN cho thấy, đối với 6 nhà máy, dự án hoạt động trở lại thì có 2 đơn vị có lãi (DAP số 1 Hải Phòng và Nhà máy thép Việt-Trung), 4 đơn vị đã giảm lỗ theo từng năm nhưng hoạt động vẫn còn nhiều khó khăn vì thiếu vốn, gánh nặng nợ nần nên chưa thể thực hiện thoái vốn Nhà nước (gồm đạm Hà Bắc, nhà máy DAP số 2 Lào Cai, đạm Ninh Bình, Công ty DQS).

Chính sách - Hàng loạt dự án của ngành Công Thương vào 'tầm ngắm' của bộ Công an

Nhà máy đạm Ninh Bình, một trong những dự án bị bộ Công an xem xét.

Đối với 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay chỉ có một dự án vận hành trở lại. Cụ thể, dự án sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ tự vận hành sản xuất 3 dây chuyền DTY từ 20/4/2018. Hai dự án vẫn dừng sản xuất gồm: Dự án nhà máy sản xuất NLSH Quảng Ngãi và dự án NLSH Bình Phước.

Bộ Công an đã khởi tố vụ án, bị can về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng như: Polyester Đình Vũ, Nhà máy sinh học Ethanol Phú Thọ, Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên.

Ngoài ra, bộ Công an cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá các kết luận thanh tra để kiến nghị xử lý ở hàng loạt dự án như: Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol Quảng Ngãi, Nhà máy đạm Ninh Binh, Nhà máy công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất, bột giấy Phương Nam, Nhà máy sản xuất phân DAP số 2 Lào Cai.

Chuyển trọng tài quốc tế phán xử

UBQLVNN đưa ra các giải pháp cụ thể để tiến tới xử lý dứt điểm những tồn đọng của các dự án, nhà máy yếu kém. Đơn vị này cho rằng việc xử lý các dự án, nhà máy càng trở nên cấp thiết vì càng để lâu Nhà nước càng mất vốn. Các dự án, nhà máy này còn có nguy cơ âm và mất hết vốn chủ sở hữu.

Để giải quyết dứt điểm cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu các tập đoàn, Tổng công ty có dự án, kém hiệu quả trong việc xử lý dứt điểm tồn tại yếu kém của dự án. 

Tăng cường các phiên họp chuyên đề để cho ý kiến chỉ đạo giải quyết theo nhóm vấn đề hoặc đối với dự án cụ thể. Thực hiện các giải pháp tài chính tín dụng theo nguyên tắc thị trường.

Chính sách - Hàng loạt dự án của ngành Công Thương vào 'tầm ngắm' của bộ Công an (Hình 2).

Nhà máy công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất.

Ngày 6/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án, nhà máy ngành công thương cũng đã có những chỉ đạo cụ thể về vấn đề này. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nếu hết năm 2019 mà không đàm phán xong các vướng mắc về hợp đồng EPC (Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) thì Chính phủ đồng ý theo đề nghị của từng đơn vị chuyển qua cơ chế tòa án hay trọng tài quốc tế phán xử.

Phó Thủ tướng đề nghị bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan về cung cấp tín dụng theo nguyên tắc thị trường, theo quy định của pháp luật về giãn khấu hao, để các dự án, nhà máy dùng trả nợ.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị UBQLVNN báo cáo cụ thể hơn các giải pháp, phương án để trình Ban cán sự Đảng Chính phủ xem xét, quyết định.

Với Nhà máy đạm Ninh Bình, UBQLVNN báo cáo kỹ hơn về việc lựa chọn phương án khoanh tất cả nợ gốc, lãi còn phải trả và khoanh nợ giữa Vinachem và nhà máy trong 5 năm tới, đề nghị sửa Luật để đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 5%, giảm trích khấu hao tài sản cố định tới năm 2024 về mức 50% số phải trích và các ngân hàng tiếp tục tài trợ vốn lưu động.

Phó Thủ tướng cũng đồng tình cho phép chuyển đổi Công ty TNHH 2 TV Thép Việt-Trung thành công ty cổ phần để huy động vốn dễ hơn, báo cáo Chính phủ chỉ đạo các cơ quan thống nhất xử lý vấn đề thuế xuất khẩu cho doanh nghiệp nói chung, trong đó có Công ty thép Việt-Trung.

Đối với dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, UBQLVNN trình Chính phủ chủ trương cho phép thực hiện cáo bạch các vấn đề vướng mắc liên quan thoái vốn của Tissco và cho phép thoái vốn ra khỏi dự án.

Đối với dự án Nhà máy Ethanol Dung Quất, với trách nhiệm cổ đông, Phó Thủ tướng đồng tình PVN có thể sử dụng vốn thông qua Đại hội cổ đông để quyết định tiếp tục triển khai dự án.

Bộ Công Thương sớm có văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước để thẩm định lại giá trị của Nhà máy bột giấy Phương Nam, tiếp tục bán đấu giá. Đồng thời, tính tiếp phương án xử lý khi đấu giá tiếp tục không thành công.

Phó Thủ tướng đồng ý đưa Nhà máy DAP 1-Hải Phòng ra khỏi danh sách 12 dự án nhà máy yếu kém vì các kết quả khả quan trong thời gian qua để giúp đơn vị này phát triển.

Đặng Thuỷ-Nguyễn Lâm

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.