Những dự án tiền tỷ bỏ hoang
Tuyến đường ven biển có chiều dài hàng chục km ở phía Nam tỉnh Bình Thuận được các nhà đầu tư đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, ghi nhận của Người Đưa Tin dọc con đường dài khoảng 20km từ Tp.Phan Thiết đến xã Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam) có hàng loạt các dự án khu du lịch, lưu trú bị đình trệ, hoang phế.
Điển hình như, dự án nghỉ dưỡng King Sea (Chủ đầu tư Công ty TNHH Đại Thanh Quang) ở thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết. Dự án này được tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư. Sau 19 năm, hiện dự án này vẫn là bãi đất trống, đầy cỏ hoang.
Dự án trên có tổng diện tích 86ha do Công ty Đại Thanh Quang phải triển khai xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, gồm: dịch vụ du lịch giải trí cao cấp, hoạt động văn hóa đa dạng theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan cho khu vực; cung cấp dịch vụ lưu trú và các dịch vụ kèm theo; đầu tư kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng loại hình biệt thự, căn hộ cao tầng gắn với quyền sử dụng đất lâu dài.
Tuy nhiên quan sát của PV, hiện dự án chỉ có bãi đất trống, cỏ cây mọc um tùm bên ngoài được che chắn hàng rào sắt rất kín.
Tiếp theo là khu nghỉ dưỡng Golden Peak (xã Tiến Thành, Tp.Phan Thiết) được các công ty du lịch đánh giá là một trong những khu nghỉ dưỡng cao cấp và yên tĩnh giúp bạn tìm lại cảm giác bình yên sau những căng thẳng, lo toan của cuộc sống.
Không gian nơi đây được thiết kế dựa trên sự kết hợp hài hòa, hoàn hảo giữa kiến trúc truyền thống Việt Nam với nét tinh tế, sang trọng của kiến trúc kiểu Pháp nhằm mang lại cảm giác vừa gần gũi, thân quen, vừa tiện nghi, sang trọng cho du khách. Thế nhưng, khu nghỉ dưỡng hiện đang bỏ hoang. Nhiều khu nhà nghỉ mới đã xây dựng hoàn chỉnh nhưng không hoạt động, vắng bóng du khách.
Ngoài ra, có những dự án, khu nghỉ dưỡng được xây dựng phần khung bê tông, nhưng thấy rất rõ những thanh sắt rỉ sét; một số dự án chỉ mới làm móng và đổ trụ bê tông, chưa có đường dẫn vào dự án.
Tại những dự án này, cỏ cây mọc mọc um tùm, hàng rào nhiều đoạn đổ ngã, những tảng bê tông chất đống nằm trong khu vực. Thời điểm phóng viên có mặt ở đây, không thấy có một công nhân hay phương tiện máy móc nào triển khai xây dựng. Tuy nhiên, vẫn có một số dự án nghỉ dưỡng được bảo vệ trông coi.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Trung Hoàng, Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho biết, theo thống kê tại xã Tiến Thành hiện có khoảng 29 dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực du lịch. Trong đó, có 17 dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh, 6 dự án đang triển khai xây dựng và 6 dự án thuộc diện chậm triển khai như: khu du lịch Hoàng Thủy, khu du lịch và nghỉ dưỡng Tiến Thành, khu du lịch Đức Tân; khu du lịch Bông sen vàng…
Lãng phí nhiều lô "đất vàng"
Xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) từng được kỳ vọng trở thành "thiên đường du lịch nghỉ dưỡng" thứ hai của tỉnh sau Mũi Né. Nơi đây sở hữu bờ biển trải dài nhưng còn khá hoang sơ, thu hút nhiều doanh nghiệp về đây xây dựng resort nghỉ dưỡng.
Ghi nhận của PV tại dự án nghỉ dưỡng AB Village có tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng do Công ty CP Thương mại Dịch vụ VU làm chủ đầu tư. Dự án này sẽ là khu resort, khách sạn 4 sao với 3.200 căn condotel & biệt thự nghỉ dưỡng ven biển tiêu chuẩn 4 sao quốc tế.
Condotel được thiết kế ưu việt với tiện ích vượt trội nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư đa dạng của khách hàng. Các căn hộ có từ 1 – 3 phòng ngủ cho phép khách mua hoàn toàn quyền sở hữu căn hộ để nghỉ dưỡng và cho thuê. Tất cả các căn căn hộ nghỉ dưỡng đều có khoảng không gian rộng mở để đón gió và ánh sáng tự nhiên.
Tuy nhiên thực tế theo ghi nhận của PV, dự án là một khối nhà xây dựng dở dang, hoạt động cầm chừng. Thời điểm PV ghi nhận, dự án không có khách du lịch cũng như không hoạt động.
Dọc theo tuyến đường ĐT 719 rẽ trái vào đường Hòn Lan, nổi bật là một khu nghỉ dưỡng Thanh Long Bay (Tập Đoàn Nam Group) ở xã Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam). Khu vực nghỉ dưỡng này là một điểm đến mọi nhu cầu trên quy mô 90ha được quy hoạch thành 12 phân khu chức năng cùng hơn 1000 tiện ích đỉnh cao phục vụ đủ mọi nhu cầu từ vui chơi, giải trí, mua sắm, nghỉ dưỡng đến thể thao biển cùng những sản phẩm nghỉ dưỡng chuẩn mực: nhà phố biển – căn hộ biển – shoptel – biệt thự biển.
Thế nhưng, theo quan sát của PV, dự án này còn đang xây dựng dở dang những khối nhà nghỉ dưỡng và chưa đi vào hoạt động.
Các dự án du lịch được cấp đất đều nằm ở vị trí đắc địa nhất ven biển phía Nam tỉnh Bình Thuận. Với hàng trăm ha diện tích đất cấp cho các dự án rồi bị bỏ hoang, phải chăng tỉnh Bình Thuận đang lãng phí nguồn tài nguyên đất đai vô cùng lớn suốt hàng chục năm trời?
Ông Nguyễn Trung Hoàng, Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho rằng, dự án chậm tiến độ không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Những dự án chậm tiến độ đã gây lãng phí tài nguyên đất đai, làm thất thu ngân sách; dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện về đất đai, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
(Còn nữa)