Theo ghi nhận, đây cũng là mức giá đạt đỉnh của HAG trong hơn 7 tháng qua.
Cùng với đó, cổ phiếu HNG (CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai) – công ty con của HAG cũng ghi nhận bước tăng 3,8% trong phiên lên chốt giá ở mức 9.480 đồng/CP.
Tuần qua, thị trường chứng khoán diễn ra sôi động với sự góp mặt của hai mã HAG, HNG với khối lượng cổ phiếu khớp lệnh kỷ lục mỗi phiên (hơn 20 triệu đơn vị), đóng góp hơn 10% giá trị giao dịch thị trường.
Lý giải nguyên nhân cho sự “đạt đỉnh” của cổ phiếu HAG và HNG gần đây, các chuyên gia cho rằng sự phục hồi mạnh mẽ của giá cao su thế giới tác động không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư. Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai đã có một khoảng thời gian khá khó khăn do giá cao su rớt thảm khiến doanh thu sụt giảm.
Trong năm 2016, theo báo cáo tài chính mới được công bố, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.454 tỷ đồng – tăng 200 tỷ đồng so với năm 2015. Trong đó, riêng mảng bán bò đem về cho bầu Đức 3.536 tỷ đồng – chiếm 55% cơ cấu doanh thu.
Bên cạnh đó, thông tin được các nhà đầu tư chú ý nhất lại đến từ các khoản vay, trái phiếu của Hoàng Anh Gia Lai đã được cơ cấu lại và gia hạn nợ thêm từ 3-6 năm.
Số trái phiếu phát hành cho các tổ chức trong nước vốn có thời hạn trả nợ từ 2017 đến giữa năm 2020 thì nay đã được cơ cấu lại, phần lớn sẽ đáo hạn vào cuối năm 2021 đến năm 2026.
Một trong số đó là khoản vay từ trái phiếu lớn nhất do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Công ty chứng khoán BIDV (BSC) tư vấn phát hành trị giá 6.546 tỷ đồng, được phát hành trong ngày cuối cùng của năm 2016 và đáo hạn vào năm 5-10 năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, nhìn vào dòng tiền của HAGL trong năm qua, nhà đầu tư có thêm niềm tin vào tương lai khả quan của doanh nghiệp gắn liền với thương hiệu bầu Đức. Trong năm 2016, HAGL đã dành ra gần 10.000 tỷ đồng trả nợ gốc vay – tăng hơn 2.500 tỷ so với năm 2015 và giảm các khoản vay mới từ 16.000 tỷ đồng trong năm 2015 xuống còn 9.000 tỷ đồng.
Hiểu Minh