Hàng loạt người nhập viện vì thưởng thức 'hoa thôi miên'

Hàng loạt người nhập viện vì thưởng thức 'hoa thôi miên'

Thứ 3, 15/10/2013 16:15

Vì muốn thưởng thức "hơi thở của qủy" từ cây hoa loa kèn (hay còn gọi là cây "thôi miên"), 4 người phải nhập viện trong tình trạng choáng váng, ảo giác nặng. Mặc dù đã trải qua nhiều giờ cấp cứu, một số bệnh nhân vẫn hôn mê kéo dài vì ăn quá nhiều hoa này.

Các chuyên gia y tế cho biết, loài hoa này rất dễ dẫn đến nguy kịch đến tính mạng người bệnh nếu ăn quá nhiều.

Khốn khổ vì "hơi thở của quỷ"

Ngày 10/10, khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho biết đang tiến hành điều trị tích cực cho 4 bệnh nhân bị ảo giác nặng do hái hoa loa kèn (Colobia, hay còn gọi là cây "thôi miên") để ăn lẩu. Sau nhiều giờ cấp cứu và điều trị tích cực, các bác sĩ ở đây cho biết, bệnh nhân Nguyễn Thành Phát (19 tuổi) và Lê Văn Tây (63 tuổi) vẫn đang trong tình trạng ảo giác nặng, mê sảng. Hai bệnh nhân còn lại là Nguyễn Thành Công (22 tuổi) và Lê Công Diễn (63 tuổi) sức khỏe có nhiều diễn biến tích cực và sẽ được xuất viện sớm.

Xã hội - Hàng loạt người nhập viện vì thưởng thức 'hoa thôi miên'

Bệnh nhân Nguyễn Thành Phát vẫn mê sảng kéo dài sau nhiều giờ được cấp cứu.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, bác sĩ Nguyễn Kỳ Sơn - Phó trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu - Chống độc, bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho hay, vào khoảng 18h30 ngày 9/10, cả 4 bệnh nhân trên được chuyển từ Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng lên bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Khi lên tới bệnh viện, các bệnh nhân đều trong tình trạng ảo giác nặng, lơ mơ, nói nhảm, không kiểm soát được hành vi, la hét, bí tiểu. Trước tình trạng này, các bác sĩ đã tiến hành thau rửa dạ dày, đẩy chất độc ra khỏi cơ thể các bệnh nhân. Sau khi được các bác sĩ cứu chữa, đến hôm nay bệnh nhân Nguyễn Thành Công và Lê Công Diễn đã hồi tỉnh, sức khỏe dần ổn định và không còn xảy ra ảo giác nữa. 

Trao đổi với PV về nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh của 4 bệnh nhân nói trên, bà Nguyễn Thị Kim Dịu (người nhà của bệnh nhân Công và Phát) cho biết: "Vào 11h trưa ngày 9/10, tịnh xá Kỳ Quang tại thôn Quảng Hiệp, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) tổ chức ăn lẩu. Trong quá trình chế biến nguyên liệu, mọi người thấy cây loa kèn nở hoa trước cổng tịnh xá Kỳ Quang nên đã hái khoảng 20 bông hoa rửa sạch nhúng vào nồi lẩu cùng ăn. Trong bữa tiệc nhẹ ấy, có tất cả 6 người, tuy nhiên có hai người không ăn. Theo như mọi người kể lại, ban đầu ăn hoa này vào thấy có vị đắng và không có phản ứng gì xảy ra".

Xã hội - Hàng loạt người nhập viện vì thưởng thức 'hoa thôi miên' (Hình 2).

Cây thôi miên mọc khắp nơi ở Đà Lạt

Bà Dịu chia sẻ thêm: "Tuy nhiên, chỉ khoảng 10 phút sau đó, cả 4 người thấy loạng choạng, choáng váng, thậm chí còn quậy phá, la hét. Thấy vậy, các sư cô trong chùa đã đưa đến trạm xá cấp cứu, nhưng vẫn không có kết quả khả quan. Vì vậy, các bác sĩ ở đây đã chuyển các bệnh nhân lên bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng ngay sau đó. Tại đây, cháu Phát và ông Tây không còn biết gì nữa vì ăn quá nhiều, hai người còn lại thì mặt mày tái nhợt. Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã được các bác sĩ cấp cứu và điều trị tích cực nhưng Phát và ông Tây vẫn trong tình trạng hôn mê kéo dài. Riêng Công và ông Diễn đã có thể xuất viện sớm. Sự việc xảy ra khiến người dân xung quanh đó hoang mang vì ít ai biết rằng trong loài hoa này có độc tố mạnh như vậy. Bấy lâu nay, họ chỉ trồng để chiêm ngưỡng vì hoa của loài cây này nở rất đẹp. Không chỉ vậy, loài hoa này đang được một công ty thuộc công trình đô thị Đà Lạt nhân giống trồng hàng loạt trên các tuyến đường".

Quá nhiều độc hại

Trao đổi về thực trạng ngộ độc vì loài hoa nói trên, bác sĩ Phan Thạch Khê, Phó Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu - Chống độc, bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho biết, cách đây khoảng 2 năm, bệnh viện đã từng cấp cứu một trường hợp ngộ độc hoa cây loa kèn. Thế nhưng, lần đó bệnh nhân không ăn mà chỉ ngắt loại hoa này đem lên ngửi vì thấy đẹp và ngộ độc không nặng như 4 bệnh nhân lần này. Mặt khác, cũng theo bác sĩ Khuê, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào về các chất có trong hoa của cây loa kèn. Qua những bệnh nhân bị ngộ độc có thể nhận định loại hoa này có chất gây ảo giác và gây nghiện.

Để hiểu rõ hơn về loài cây này, PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi trực tiếp với các lương y của Hội Dược liệu TP.HCM. Theo các lương y cho biết, cây hoa loa kèn (hay còn gọi là cây thôi miên mà mọi người gọi nói trên thực chất là cây "cà độc dược cảnh". Trong từ điển về cây thuốc ghi rõ, cà độc dược có tên gọi khoa học là Brugmansia Suaveolens (Willd) Bercht.et Presl (Datura Suaveolens Humb.et Bonpl.ex Willd), thuộc họ cà Solanaceae.

Xã hội - Hàng loạt người nhập viện vì thưởng thức 'hoa thôi miên' (Hình 3).

Loài cây này có đặc điểm: Cây nhỡ khỏe, cao 4-5cm, hóa gồ, có vỏ xám, cành lá thường thòng xuống. Lá mọc so le, phiến có dạng như lá thuốc lá, to, dài 15-20cm, tới 30cm, tới 30cm, rộng 20cm, có lông ở mặt dưới, gốc có khi không cân, đầu nhọn; cuống dài 2-3cm. Hoa mọc thòng xuống, to, đơn độc, hay xếp từng đôi, màu trắng, dài 20-30cm. Tràng hình loa kèn, dài 15-25cm, đường kính từ 1-1,5cm; nhị dính trên ống tràng và có bao phấn dính nhau. Quả nang không gai, dài 7-10cm, hạt dẹp 2 đầu. Đặc biệt, thành phần hóa học của loại cây này có chứa nhiều chất alcaloid, trong đó có hyoscyamin.

Đồng thời, các chuyên gia Hội Dược liệu TP.HCM cũng cho hay, thành phần hóa học có trong loài cây này là một loại chất độc gây kích thích, ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Các độc tố có trong tinh dầu của loại cây này có nguy cơ khống chế hệ thần kinh của con người. Nếu ăn phải độc tố này sẽ khiến con người co giật, hôn mê, nôn ói,… thậm chí còn nguy kịch đến tính mạng dù ăn một lượng rất ít. Kết thúc cuộc trò chuyện với PV, các chuyên gia hội dược liệu khuyến cáo, người dân không nên sử dụng tùy tiện các loại cây mọc trong tự nhiên. Bởi không biết được thành phần của nó sẽ gây ra hậu quả khôn lường đối với sức khỏe của mọi người.

Trong khi đó, ông Lương Văn Dũng, Phó Trưởng khoa Sinh học, trường đại học Đà Lạt xác nhận, hình ảnh cây Borrachero ở Colombia được lan truyền với cây hoa loa kèn đang được trồng tràn lan tại Đà Lạt và các vùng lân cận. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định được hợp chất có trong cây hoa loa kèn ở Đà Lạt và cây ở Colombia gọi là cây Borrachero có tương đồng hay không. Bởi trong những môi trường sống khác nhau, chúng có thể chứa những hợp chất khác nhau dù cùng loại cây. Bên cạnh đó, đặc điểm khí hậu, đất đai, nguồn nước cũng làm cho hợp chất trong cây cùng một họ mọc ở 2 nơi là hoàn toàn khác nhau. Trước tình hình còn nhiều điều bỏ ngỏ, các nhà khoa học cần phải có những công trình nghiên cứu về loài cây này.

"Những giấc mơ kỳ lạ"

Trong một cuốn phim tư liệu được lan truyền vào năm 2012 đã tiết lộ về loài thuốc đáng sợ nhất thế giới được bọn tội phạm thường dùng để xóa trí nhớ và làm mất ý thức tạm thời của nạn nhân. Loại thuốc này được giới tội phạm dùng như một loại ma túy hay ma dược có tên là Scopolamine. Nó được bào chế từ cây Borrachero, mọc phổ biến từ Colombia. Thứ dược liệu vô cùng nguy hiểm này không màu, không mùi và không vị nhưng lại có khả năng tạo ra "những giấc mơ kỳ lạ" cho con người khi hít phải.   

Thơ Trịnh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.